Chồng bạo hành vợ vì bất đồng khi dạy con học
Hai vợ chồng mâu thuẫn trong lúc kèm con học dẫn đến bạo lực gia đình.
Cách đây một thời gian, sở cảnh sát Tương Thành, Tô Châu, Trung Quốc nhận tin báo có vụ chồng bạo hành vợ. Khi tới hiện trường, họ phát hiện nguyên nhân của vụ bạo hành này là do bất đồng trong khi dạy con học.
Sự việc rất đơn giản, người vợ đi làm về muộn nên bảo chồng kèm con học bài. Ông bố cho rằng con còn "tuổi ăn tuổi chơi" không nên kiểm soát gắt gao. Lúc người vợ về thấy con làm bài tập đầy lỗi thì phê bình đứa trẻ, cằn nhằn chồng, khiến vợ chồng tranh cãi, cuối cùng dẫn tới bạo lực.
Bất đồng giữa cha và mẹ là nguyên nhân gây nên đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa
Theo bà Darby Fox, chuyên gia 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý trẻ vị thành niên và gia đình, cách giáo dục con hiệu quả nhất là sự kết hợp giữa yếu tố kỷ luật và sự chăm sóc, yêu thương cùng với đó là sự đồng nhất giữa cha và mẹ.
Hiện nay, hiếm có cặp vợ chồng nào không xảy ra mâu thuẫn trong cách dạy con. Sự bất đồng quan điểm dẫn đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", ảnh hưởng không nhỏ đến chính sự phát triển của các con và hạnh phúc của gia đình.
Khi cha mẹ bất nhất, đứa trẻ phải đối mặt với lựa chọn, hoặc về phe cha hoặc phe mẹ. Để không làm mất lòng cha hoặc làm tổn thương mẹ, một số đứa trẻ đã nịnh nọt và đối phó. Nói cách khác, cha mẹ đã tạo điều kiện cho con nảy sinh những thói quen xấu.
Đối với trẻ nhỏ, trí tuệ chưa đủ trưởng thành, cần có tiêu chuẩn rõ ràng để xác lập quan điểm đúng sai. Nói cách khác, trẻ cần phải nhận rõ đâu là đúng, đâu là sai từ những lời nói, việc làm của người lớn.
Trong tâm lý học có một quy luật gọi là "định luật đồng hồ". Chỉ cần một chiếc đồng hồ bạn có thể biết được bây giờ là mấy giờ. Nhưng khi sử dụng hai chiếc đồng hồ cùng lúc, bạn lại không thể nào xác định được giờ chính xác.
Không chỉ gây tổn hại trực tiếp đến con cái, mâu thuẫn trong cách dạy con còn ảnh hưởng tiêu cực đến chính cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng. Gia đình trở nên hỗn loạn và chia rẽ khi có sự đấu tranh quyền lực ngầm giữa cha và mẹ nhất là khi 2 người không thống nhất trong các quyết định về cuộc sống chung hay giáo dục con cái. Người vợ và người chồng trở nên cạnh tranh, thiếu tin tưởng nhau và sự rạn nứt giữa họ ngày càng rõ nét và khó hàn gắn hơn.
Lấy ví dụ trường hợp của cặp đôi Angelia Joile và Brad Pitt, sự khác biệt trong phong cách giáo dục không chỉ khiến các con của họ cảm thấy mất phương hướng, khó theo kịp mà còn chia rẽ tình cảm vợ chồng của cặp đôi. Xung đột vợ chồng giống như khối u âm ỷ phát triển trong gia đình, dần tới mức không thể chữa trị được và dẫn tới kết cụ tồi tệ nhất: ly hôn - khiến không một thành viên nào thoát khỏi sự nguy hại mà nó gây ra.
Một người không thể để cho hai người chỉ huy cùng một lúc, mỗi người cũng không thể cùng lúc lựa chọn hai loại quan niệm giá trị khác nhau. Bởi vậy, cha mẹ phải đạt được sự đồng thuận và kế hoạch giáo dục thống nhất. Vợ chồng tuân nên theo kế hoạch đã đưa ra, không bao giờ xé lẻ nhau.
Trong khi khi người lớn mải tranh phần đúng, họ vô tình phớt lờ chính đứa trẻ và những nhu cầu quan trọng của đứa trẻ. Ảnh minh họa
Trong bộ phim Dangal (Đô vật), ngôi sao Ấn Độ Aamir Khan vào vai một vận động viên đấu vật tên Mahavir từng giành huy chương vàng quốc gia. Nhưng do thời thế, Mahavir đành phải chuyển sang công việc bàn giấy. Cựu vận động viên này ấp ủ sẽ truyền dạy cho con trai nhưng vợ anh sinh bốn cô con gái.
Tưởng như đã an phận sống cuộc đời của một công chức tẻ nhạt, một ngày Mahavir nghe được câu chuyện hai cô con gái của mình đánh nhừ tử hai thằng hàng xóm vì dám nói xấu mình. Ông bố phát hiện dòng máu đấu vật đang chảy trong huyết quản của hai con. Anh quyết định thực hiện giấc mơ dang dở của mình: đào tạo hai con gái thành vận động viên đấu vật, cho dù lúc đó ở làng quê nhiều hủ tục của anh đây là một trò cười cho thiên hạ.
Điều đáng nói ở đây là ban đầu khi người chồng muốn các cô con gái xinh đẹp tập đấu vật, người vợ đã phản đối. Người chồng không hề gia trưởng mà bình tĩnh bàn bạc với vợ. Anh xin vợ cho mình một năm, trong thời gian đó đừng can ngăn. Nếu thất bại, anh sẽ từ bỏ.
Người vợ đồng ý và trước mặt các con, chị kiên quyết ủng hộ quyết định của chồng. Khi Mahavir dẫn các con đi ăn bánh quy giòn và dặn các con ăn no để từ nay sẽ không được ăn nhiều dầu mỡ và cay nữa vì "từ hôm nay tập tành đánh vật". Hai cô con gái nhìn mẹ, người mẹ không nói mà chỉ khẽ gật đầu.
Khi bị cha huấn luyện khắc nghiệt, các con nhờ mẹ giúp nhưng bà chỉ nói: "Hãy quên mẹ trong một năm tới đi". Trước sự chế giễu của dân làng và sự khổ luyện của hai con gái, người mẹ rất đau khổ. Chị mang khăn, mang nước cho các con, nhưng không bao giờ dao động các con.
Bố cắt phăng mái tóc dài bóng mượt của hai con gái thành đầu đinh như con trai, người mẹ buồn nhưng vẫn giữ đúng thỏa thuận một năm với chồng, không nói gì. Cuối cùng cũng đến cái ngày các con tranh huy chương vàng quốc tế môn đấu vật, người cha nói: "Con hãy nhớ rằng con không chỉ đấu với một vận động viên người Australia mà đang đấu với tất cả những người coi thường nữ giới"... Một người mẹ kiềm chế như vậy đã hợp nhất với người cha, cùng giúp các con gái tiến về phía trước.
Cách xử lý khi bất đồng trong nuôi dạy con
Các bậc cha mẹ nên có chung quan điểm và thống nhất cách giáo dục trẻ để trẻ được lớn lên trong tình yêu thương và phát triển một cách tốt nhất. Ảnh minh họa
Chia sẻ
Lý tưởng nhất là bố mẹ ngồi xuống và cùng nhau thảo luận về quan điểm nuôi dạy con trước khi sinh con. Việc chia sẻ quan điểm ngay từ đầu giúp hai bên có thời gian lắng nghe và bàn luận kỹ càng hơn về các quy tắc nuôi dạy.
Hãy trò chuyện trên tinh thần cởi mở, chân thành và tôn trọng ý kiến của nhau. Khi nhận ra điểm khác biệt trong quan điểm nuôi dạy, hãy tìm cách dung hòa. Bố mẹ càng chia sẻ sớm, việc giáo dục con cái sẽ càng thuận lợi.
Tạo quy tắc
Các cặp vợ chồng thường gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con nên việc tạo quy tắc sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nuôi dạy có định hướng trong khi trẻ học tính kỷ luật.
Một số quy tắc cần thiết lập trong gia đình, gồm: giờ giới nghiêm, giờ đi ngủ, trẻ cần xin phép khi đi chơi bên ngoài hoặc khi sử dụng thiết bị công nghệ, bài tập nên làm trước hay sau khi chơi.
Hình thức phạt
Hình phạt là điểm bất đồng phổ biến giữa nhiều phụ huynh. Có người dễ tính, hay mềm lòng nên chỉ khiển trách hoặc nhắc nhở. Ngược lại, nhiều phụ huynh đưa ra hình phạt nghiêm khắc, cứng rắn.
Nếu có hình thức phạt khác nhau, phụ huynh cần thảo luận để tìm ra phương án chung. Ví dụ, một số vi phạm của trẻ không nhất thiết phải phạt nghiêm khắc, chỉ nên nhắc nhở nhưng cũng có những sai lầm lớn, cần cứng rắn. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chọn đòn roi vì bạo lực chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của trẻ.
Nhất quán
Sau khi đã thống nhất về phương pháp nuôi dạy, quy tắc và hình phạt, vợ chồng nhất định phải tuân thủ và thực hiện nhất quán. Việc giáo dục sẽ hóa công cốc nếu một phụ huynh làm theo kế hoạch nhưng một người lại phá luật. Thiếu nhất quán còn tạo ra những bất đồng trong cuộc sống vợ chồng.
Không tranh cãi trước mặt trẻ
Trừ khi đối phương sử dụng bạo lực, vợ chồng không nên cãi nhau về phương pháp nuôi dạy trước mặt con. Trẻ ghi nhớ điểm bất hòa giữa bố mẹ và lần sau sẽ lợi dụng điểm này để làm nũng hoặc tạo thuận lợi cho mình. Ví dụ, khi trẻ biết bố không đồng ý với cách phạt của mẹ, bé sẽ mách bố khi bị mẹ phạt. Cả hai có thể nảy sinh tranh cãi mà quên mất trọng tâm là giáo dục trẻ.
Khi không hài lòng với hành động của bạn đời, bạn nên thảo luận riêng vào thời điểm không có mặt trẻ. Kể cả khi bàn bạc về các nguyên tắc giáo dục con, hai bạn cũng nên làm việc riêng.
Nguồn: [Link nguồn]
Có lẽ rất nhiều cha mẹ trong lúc giận dữ đã nói những lời này với con, đây thực sự là những lời nói không nên ảnh hưởng đến tâm lý và thậm chí là tính mạng của trẻ.