Chọn trường tốp trên hay tốp giữa?
Nhiều thí sinh có điểm tổ hợp môn ở ngưỡng trung bình đang phân vân lựa chọn giữa trường tốp trên hay tốp giữa.
Đến ngày 3-8, nhiều trường ĐH cho biết số thí sinh (TS) trực tiếp đến trường nộp hồ sơ đã giảm khá nhiều so với ngày đầu.
Phấp phỏng chọn ngành
Trong phiếu đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Hoàng Trung đánh dấu ngành thứ nhất là ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, ngành thứ hai là chế tạo máy. Khi được hỏi vì sao đăng ký vào hai ngành này, TS này cho biết rất thích ngành kỹ thuật và dễ kiếm việc, tuy nhiên điểm “ương ương” nên rất phấp phỏng không biết nên nộp vào trường tốp trên hay tốp giữa cho ăn chắc.
Dù khá tự tin nộp hồ sơ trong ngày đầu tiên nhưng Trung lại băn khoăn cho rằng điểm đạt 18,25 trong khi điểm sàn hai ngành này vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm trước hơn 20 điểm. “Em tham khảo nhiều kênh thông tin thấy điểm thi năm nay thấp nên em không ngần ngại đăng ký vào hai ngành em thích nhất. Ngoài ra cũng đăng ký vào hai ngành thuộc trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm em có để đảm bảo ăn chắc” - TS này quả quyết.
Ngược lại, Trần Thị Thảo quê Tiền Giang đạt điểm khá cao (22 điểm khối A) lại khá rụt rè: “Em có dự tính đăng ký vào quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia phía Nam và ngành kế toán của Trường ĐH Lao động-Xã hội (cơ sở 2) nhưng em rất lo điểm chuẩn sẽ tăng”.
TS này cho biết đã tham khảo điểm chuẩn trường này năm ngoái khá chắc. Cụ thể, điểm chuẩn vào ngành quản lý nhà nước (khối A) là 19,5. Còn ngành kế toán thì thấp hơn khá nhiều. “Em không đủ tự tin vào điểm mình đạt được, dù điểm cao hơn điểm chuẩn năm trước nên chưa vội nộp ngay, vì sợ nộp vào thêm hồi hộp do không rút ra được” - TS này tâm sự.
Cách nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại các trường ĐH vẫn được nhiều TS lựa chọn. Ảnh: P.ĐIỀN
Điểm bằng sàn vẫn đăng ký trường top
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong ba ngày đầu trường đã nhận khoảng 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. So với chỉ tiêu tuyển sinh 5.000, số hồ sơ này còn khiêm tốn. Tuy nhiên, thời gian xét tuyển vẫn còn dài nên chưa thể nói lên điều gì. Trong đó số TS đăng ký xét tuyển trực tiếp chiếm hơn 50%, kế đến là đăng ký trực tuyến, còn lại gửi qua bưu điện rất ít.
Theo ông Đương, sau những ngày đầu TS, phụ huynh từ các địa phương trực tiếp đến trường tư vấn, tìm hiểu thông tin định hướng chọn trường khá sôi động, hiện nay áp lực đã giảm dần. “Nhưng dự báo những ngày cuối số TS đăng ký xét tuyển sẽ tăng nhiều hơn” - ông Đương nhận định.
Ông Đương cảnh báo: “Điểm chuẩn hằng năm vào trường khá cao, riêng năm 2015 điểm chuẩn các ngành là 23,25. Những ngày vừa qua nhiều TS có điểm dưới hoặc bằng điểm sàn (15 điểm) vẫn đăng ký xét tuyển trực tuyến. Với tình huống này, trường đã đề nghị Bộ gỡ bỏ những TS dưới điểm sàn. Đồng thời lưu ý các TS này nắm rõ thông tin để không lỡ cơ hội xét tuyển hệ CĐ”.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo tổng điểm các môn (chưa nhân hệ số) theo tổ hợp môn xét tuyển tối thiểu vào các ngành kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị, toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh (khối A00, A01, D01) là 15 điểm. Tất cả ngành, chuyên ngành còn lại là 18 điểm.
PGS-TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường ĐH Lao động-Xã hội (cơ sở 2), thông tin qua ba ngày xét tuyển trường đã nhận hơn 700 hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100. Trong đó đa phần TS trực tiếp đăng ký xét tuyển tại trường, số hồ sơ gửi qua đường bưu điện không đáng kể.
Hơn 2.300 thí sinh làm bài kiểm tra năng lực tại ĐH Luật TP.HCM Sáng 3-8, có 2.363/2.639 TS có mặt dự kiểm tra năng lực, đạt tỉ lệ 89,54%. Chiều cùng ngày, Trường ĐH Luật TP.HCM tiến hành chấm bài kiểm tra năng lực. Dự kiến vào ngày 5-8, trường sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách TS trúng tuyển. Trường yêu cầu muộn nhất là ngày 10-8, các TS trúng tuyển sẽ phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường thông qua đường bưu điện (theo hình thức chuyển phát nhanh) hoặc trực tiếp tại trường. Quá thời hạn này, TS không nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi được xem như từ chối nhập học. Quan sát trong ba ngày qua, một số chuyên gia tuyển sinh cho hay năm nay chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhiều ở các ngành, các trường ĐH tốp cao. Khả năng điểm chuẩn của những ngành, những trường này có thể sẽ giảm từ 0,5 đến 2 điểm so với năm 2015 bởi số lượng TS đạt tổng điểm xét tuyển trong khoảng này giảm đáng kể, đặc biệt ở phân khúc từ 25 điểm trở lên. Riêng những ngành năm ngoái có điểm chuẩn trong khoảng 15-18 điểm dự đoán sẽ ít có thay đổi do năm nay lượng TS đạt điểm ở phân khúc này rất lớn (hơn 400.000 TS). |