Chọn tổ hợp môn lớp 10 như thế nào để tăng cơ hội xét tuyển đại học?
Các trường THPT trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã bắt đầu công tác tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 10 lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, nhu cầu.
Kết thúc đợt xác nhận nhập học đầu tiên của các em thí sinh trúng tuyển lớp 10 tại Hà Nội, giai đoạn này phụ huynh và học sinh rất quan tâm và cân nhắc việc chọn tổ hợp môn cũng như định hướng chọn ngành học trong tương lai của mình.
Năm nay cũng là năm thứ 2 Chương trình GDPT 2018 được áp dụng đối với khối 10, các trường THPT cũng đã có kinh nghiệm trong việc định hướng và bố trí các môn tổ hợp theo đúng yêu cầu của chương trình.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Đình Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân cho biết, ngay sau khi công tác tuyển sinh được hoàn thành nhà trường đã triển khai phổ biến và tư vấn chọn tổ hợp môn cho phụ huynh và học sinh.
"Ngoài chọn lựa theo nguyện vọng của học sinh, các trường cũng cần căn cứ vào tình hình thực tiễn như cơ sở vật chất, số lượng giáo viên để xây dựng các tổ hợp”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết bố mẹ và học sinh nên dựa vào khả năng của con, đặc biệt là mong muốn đầu ra sau này, nguyện vọng xét tuyển đại học ở những khối ngành nào để lựa chọn những môn phù hợp.
“Qua khảo sát, hầu hết các em vẫn lựa chọn các nhóm môn được xét tuyển đại học nhiều như Văn,Toán, Anh; Văn, Toán, Vật lý hoặc Toán, Lý, Hoá. Việc lựa chọn cũng ảnh hưởng đến định hướng sau này nên chúng tôi cũng khuyên học sinh nghiên cứu kỹ để tránh giảm cơ hội sau này khi ra trường”, ông Hà cho hay.
Các em học sinh sẽ phải cân nhắc trong việc lựa chọn tổ hợp môn (Ảnh: Trọng Tùng).
Là trường ở khu vực ngoại thành Hà Nội, bà Trần Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai, Quốc Oai cho biết, nhà trường dựa vào các môn xét tuyển đại học để tư vấn chọn tổ hợp môn cho học sinh. Ngoài ra, việc phân chia các tổ hợp cũng cần căn cứ theo số lượng giáo viên để phân chia phù hợp.
Thời điểm hiện tại, các em khi nhận phiếu đăng ký nhập học cũng được phát kèm thông tin chọn tổ hợp để học sinh chọn và nhà trường nắm số lượng các lớp.
Trên thực tế, bà Thuỷ cho rằng phụ huynh cũng chủ yếu quan tâm các môn thi đại học chứ không quá quan tâm đến tất cả các môn tự chọn.
Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh, bà Thuỷ thông tin do ở khu vực ngoại thành nên đến nay nhà trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu, dự kiến sẽ phải hạ điểm chuẩn và lấy thêm một số học sinh nguyện vọng 2 và 3 để đảm bảo số lượng học sinh.
Đưa ra lời khuyên cho học sinh, bà Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm cho biết không nên chỉ chọn những môn dễ học. Thực tế những môn dễ lại không phục vụ cho các khối thi của các em sau này. Học sinh lựa chọn những môn định hướng nghề nghiệp của mình nên là tổ hợp môn vừa với năng lực và vừa phù hợp với tương lai.
"Tôi thấy nhiều em nhìn thấy sợ học môn Vật lý, nhìn thấy hóa sợ và không dám chọn, nghĩ là khó. Nhưng thực ra nếu như muốn gắn với các khối như A1 sau này, em nên mạnh dạn chọn những tổ hợp có môn Vật Lý, Hóa học", bà Quỳnh chia sẻ.
Các môn học lựa chọn dựa trên điều kiện giảng dạy của từng cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, trong quá trình học sinh lựa chọn tổ hợp môn cho tới khi nhà trường kết thúc phân lớp sẽ có thông báo ngày nào là cuối cùng cho phép đổi môn tự chọn, vì vậy học sinh có thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng.
Trường THPT Việt Đức vì đạo tạo 3 ngoại ngữ gồm: lớp tiếng Đức, tiếng Nhật hệ 7 năm và lớp tiếng Pháp tăng cường. Năm nay trong hướng dẫn tuyển sinh, nhà trường cũng ghi rất rõ là đối với lớp tiếng Đức, ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, ngoại ngữ 2 là tiếng Đức.
Để phụ huynh nắm rõ thông tin trước khi bước vào năm học, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh cũng như học sinh sẽ lựa chọn những tổ hợp phù hợp với sở thích, nguyện vọng của bản thân các em thay vì ấn định theo các môn khoa học xã hội như mùa tuyển sinh trước cho lớp ngoại ngữ. Môn lựa chọn năm nay phụ thuộc vào quyết định của số đông học sinh trong lớp.
Năm ngoái, nhà trường chỉ có 7 tổ hợp, sang năm nay đã xây dựng thành 10 tổ hợp và đưa môn Âm nhạc vào trong một tổ hợp lựa chọn môn.
Theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp Trung học phổ thông sẽ gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Trong đó, có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương và môn Lịch sử. Các môn tự chọn gồm Ngoại ngữ và nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). |
Việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập sẽ được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá
Nguồn: [Link nguồn]