Chọn SGK giảng dạy: Trường có quyền quyết định
Các trường có thể chủ động lựa chọn loại sách giáo khoa (SGK) phù hợp để giảng dạy. TS. Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết như vậy khi đề cập về Đề án đổi mới chương trình, SGK vừa được Quốc hội thông qua.
Địa phương chủ động điều chỉnh chương trình
Xin ông cho biết điểm mới của chương trình, SGK giáo dục phổ thông sẽ được áp dụng trong năm 2018?
Chương trình giáo dục phổ thông lần này có sự mềm dẻo, linh hoạt với việc dành 20% thời lượng chương trình cho địa phương chủ động điều chỉnh quyết định cho phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hoá và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục.
TS. Trịnh Ngọc Thạch
Điểm mới thứ hai là không bắt buộc sử dụng duy nhất một bộ SGK của Bộ GD&ĐT mà một chương trình sẽ có nhiều SGK. Thậm chí bài giảng của thầy trên lớp cũng có thể coi là SGK, không nhất thiết theo một bộ SGK chuẩn.
Theo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, đến năm 2018 sẽ áp dụng chương trình, SGK mới. Tổng kinh phí để thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK mới là 778,8 tỷ đồng, trong đó, 462 tỷ đồng dành cho các nhiệm vụ: Biên soạn, thẩm định và tài liệu tập huấn SGK mới; 316,8 tỷ đồng dành biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; Ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới... |
Hiện, Bộ GD&ĐT đang gấp rút xây dựng chương trình chuẩn, song hành là thực hiện làm sách để đến năm học 2018-2019 có một bộ SGK hoàn chỉnh và một số SGK khác.
Những điểm mới này có khắc phục được những bất cập của chương trình, SGK hiện nay?
Chủ trương chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh đã được thể hiện trong Nghị quyết 40. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, ngành Giáo dục vẫn chủ yếu áp dụng phương thức truyền thụ kiến thức, thậm chí nhồi nhét kiến thức hàn lâm, xa rời kiến thức thực tế gây quá tải với học sinh.
Chương trình mới sẽ chú trọng phát triển năng lực học sinh, lấy đó là nền tảng, còn kiến thức là cần thiết nhưng chỉ phục vụ cho việc ứng dụng. Đồng thời, quan tâm đến việc học sinh vận dụng kiến thức vào cuộc sống như thế nào.
Định hướng này sẽ làm thay đổi tất cả các khâu trong quá trình dạy học từ nội dung, phương pháp, các thức tổ chức dạy học đến SGK. Theo đó, bắt buộc SGK mới cũng sẽ được giảm tải, các nội dung mang yếu tố lý thuyết hàn lâm không cần thiết ở bậc phổ thông sẽ được rút bớt…
SGK giáo dục phổ thông sẽ không bắt buộc sử dụng một bộ duy nhất
Các trường quyết định SGK phù hợp
Một chương trình với nhiều SGK, vậy việc sử dụng SGK được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Nhà nước giao Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng bộ SGK chuẩn, trọn vẹn nhằm đảm bảo đủ SGK cho học sinh; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội cùng tham gia viết sách. Tuy nhiên không cần thiết là phải viết cả bộ sách mà có thể viết từng cuốn sách. Tất cả SGK này đều sẽ được Hội đồng quốc gia thẩm định trước khi ban hành.
Theo đó, trên thị trường sẽ có nhiều SGK, và việc lựa chọn SGK nào để giảng dạy sẽ thuộc quyền quyết định của mỗi trường với sự tham gia của giáo viên, học sinh, phụ huynh trong hội đồng lựa chọn sách. Như vậy, nhà trường có quyền và phải có trách nhiệm với việc lựa chọn SGK trong giảng dạy…
Ngoài đổi mới chương trình, SGK, để thực hiện chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cần thực hiện những gì nữa, thưa ông?
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, bên cạnh đề án đổi mới chương trình, SGK còn cần song hành với các đề án đổi mới đội ngũ giáo viên; nâng cấp cơ sở vật chất; đổi mới quản lý giáo dục… Bởi dù có chương trình chuẩn, SGK hay mà đội ngũ giảng dạy không đáp ứng được yêu cầu thì cũng không đảm bảo thực hiện mục đích giáo dục.
Đặc biệt, đòi hỏi hiện nay về việc chú trọng dạy năng lực cần gắn với thực tiễn thì với cơ sở vật chất như hiện nay là chưa ổn, cần có sự đầu tư, nâng cấp hơn nữa để đáp ứng được thực tế.
Cảm ơn ông!