Chọn ngành hot hay chọn trường top dù ngành không thích: Chuyên gia nói gì?
Thí sinh nên tự tìm hiểu tránh chạy theo đám đông, nên chọn ngành trước hay chọn trường trước? Chọn ngành học theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân và nguyện vọng của gia đình?
Chỉ còn ít tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023. Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng này, không ít học sinh phân vân về việc lựa chọn ngành học, chọn trường cần dựa trên những nguyên tắc nào?
Hiện nhiều thí sinh đang lúng túng trong việc chọn ngành, chọn nghề. Các em đứng trước phân vân, nên chọn ngành trước hay chọn trường trước? Chọn ngành học theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân và nguyện vọng của gia đình? Lời khuyên nào đối với thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học?
Nhiều thí sinh chọn theo đám đông
TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi chỉ ra thực tế, hiện nay, đại đa số các em thấy các bạn làm gì thì làm đấy, kiểu hội chứng đám đông. Lâu nay người Việt Nam mình thường có thói quen thấy gì hay thì đổ xô vào làm.
Ông Thạc cho rằng, các trường phổ thông cần giới thiệu với các em có ngành nghề gì để định hướng tốt hơn. Việc tìm hiểu kĩ thông tin về các ngành nghề cần càng sớm càng tốt.
PGS TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo Trường ĐH Giao Thông Vận tải nêu quan điểm, trong thực tế tuyển sinh có một số em thí sinh đến với nhà trường khi chưa có ý tưởng gì mà chỉ nghe thông tin qua loa.
Bà Hòa cho rằng, các trường tăng cường thêm công tác hướng nghiệp và các em phải biết mình thích gì để chọn ngành, trường, phù hợp tránh tình trạng vào học rồi lại thấy không phù hợp thì phải chọn lại và làm lại. Tránh tình trạng mất thời gian, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp sau này.
TS Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh, trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc chọn ngành, chọn trường có vai trò quyết định cuộc đời cho học sinh sau này nên việc này gây áp lực với các em. Việc này áp lực ở chỗ học sinh quá ít thông tin về các ngành nghề hoặc có nhiều thông tin nhưng lại không biết xử lý.
Ông Khánh cho rằng, giữa biển thông tin nhưng thực tế nhiều học sinh đã không biết chọn thế nào. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
“Nếu các em chưa thực sự hiểu về ngành nghề vì còn chưa tin tưởng và băn khoăn thì việc lựa chọn sẽ chạy theo đám đông. Trách nhiệm trước hết thuộc về thí sinh. Thực sự công tác định hướng nghề nghiệp thì cần sớm hơn nữa thì giúp các em có thể chọn đúng, trúng hơn”- ông Khánh nêu quan điểm.
PGS. TS Phạm Quang (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, bên cạnh nhiều thí sinh thiếu thông tin về ngành nghề nhưng có nhiều em đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
“Các cụ có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nếu học chắc một nghề thì không sợ thất nghiệp. Hiện nay các trường thay phương thức tuyển sinh. Học ngành gì mà ngành mình tìm hiểu và có đam mê có nhiều cơ hội tìm hiểu về ngành nghề là nhận thức và lựa chọn số đông của những người có kiến thức. Vì vậy các em vào học sẽ không thất vọng về sự lựa chọn của mình”- Ông Quang nêu quan điểm.
Chọn ngành hot nhưng không phù hợp vẫn thất bại?
Vậy nên tự tìm hiểu tránh chạy theo đám đông, nên chọn ngành trước hay chọn trường trước? Chọn ngành học theo xu thế thị trường hay theo năng lực cá nhân và nguyện vọng của gia đình?
Về vấn đề này, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn cho rằng, đã nói là chọn ngành không thích, thì học ở trường top đầu cũng sẽ không đi được đến đâu.
Ông Lập cho rằng, chọn ngành theo xu thế "hot", mà năng lực học của cá nhân không phù hợp thì học trường nào cũng thất bại. Ngành phù hợp mới quan trọng. Khi vào một ngôi trường có thương hiệu nhưng ngành học không phù hợp, người học sẽ không tìm thấy sự say mê học tập; không thấy cơ hội việc làm có gì, và cơ hội phát triển trong tương lai ra sao. Quá trình học tập như vậy sẽ rất bế tắc, chưa nói khi ra làm việc, nếu có tốt nghiệp!
Vị nguyên phó Giám đốc học viện thừa nhận, đúng là có hàng trăm ngành, hàng nghìn nghề. Vậy thì chọn lựa ngành nghề ra sao khi tư vấn hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa làm tốt. Theo cách truyền thống là phân các ngành theo khối ngành, rồi chọn vào ngành.
Khối ngành khoa học (KH) tự nhiên, Kỹ thuật CN, y sinh, Kinh tế thì hs phải học tốt các môn Toán, KHTN (Lý, Hóa, Sinh). Khối ngành Khoa học xã hội: học sinh phải học tốt các môn Ngữ Văn, khoa học xã hội. Tiếp theo là sở thích: (nếu đã có, càng tốt). Có đam mê và biết lập trình thì chọn ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính chẳng hạn. Thích lắp ráp điện tử thì học Tự động hóa, Điện tử. Có khiếu về vẽ, hội họa thì học Đa phương tiện, kiến trúc... Có khả năng diễn thuyết, viết lách thì học Báo chí, truyền thông, marketing.... Nếu có khả năng lãnh đạo thì vào các ngành quản trị kinh doanh, Luật...
Ông Lập đưa ra lời khuyên, học sinh nên dựa vào khối ngành vẫn là cơ bản nhất. Cho nên các trường đã nghiên cứu kỹ, với ngành đó thì chọn tổ hợp môn học nào. Tất nhiên điểm tổ hợp đó, học sinh phải có kết quả tốt mới trúng tuyển được.
Những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất/ thấp nhất năm 2022
Bộ GD&ĐT cho hay tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Nhiều cơ sở đào tạo có tỷ lệ tuyển cao so với chỉ tiêu nhưng cũng không ít trường tuyển sinh rất khó khăn.
Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%...
Trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.
Nguồn: [Link nguồn]
Được tự chủ tuyển sinh nên trường đại học (ĐH) những năm gần đây đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển không những khiến thí sinh dễ bị rối và nhầm lẫn mà còn tạo...