Chiếc USB và nhiệm vụ đổi mới giáo dục
Đến Hội nghị quán triệt Nghị quyết trung ương 8 và Tổng kết năm học 2012-2013 vào sáng 28/12 từ câu chuyện giản dị về chiếc USB, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý nhiệm vụ của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay.
Mang theo bên mình một chiếc USB, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay ông luôn sử dụng nó rất hiệu quả ở mọi lúc mọi nơi. Dẫn ra hình ảnh chiếc USB, ông lưu ý nhiệm vụ của ngành giáo dục Việt Nam chính là tạo ra đội ngũ lao động có thể hội nhập và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ông hồi tưởng trước đây đi nước ngoài cắm bàn là có khi làm chập điện cả khách sạn. Giờ Việt Nam đã có ổ cắm chuyển đổi đa năng, USB cắm được tất cả các loại máy, có thể mang đi đâu cũng thuận tiện.
"Nói như vậy để thấy rằng hội nhập rất quan trọng. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học phải đưa về chuẩn theo hướng quốc tế, đào tạo ra những công dân toàn cầu. Tất nhiên để làm được như vậy phải có lộ trình, nhưng phải thực hiện với tinh thần quyết liệt, khoa học. Chậm không có nghĩa là chắc, khẩn trương không có nghĩa là ẩu. Nếu xách một xô nước đi từng bước đã khó, giờ chạy theo người khác còn khó hơn, nhưng chúng ta phải cố gắng làm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng phân tích: Bộ GD&ĐT đang sẵn sàng đổi mới. Nhưng áp lực không chỉ dồn về phía Bộ GD&ĐT mà các nhà trường cũng sẽ có những tác động nhất định từ sự đổi mới này. Đối tượng của giáo dục phải sát với “đầu ra” của xã hội nhất, làm sao để các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sỹ ra trường có việc làm ngay, được doanh nghiệp trong và ngoài nước chấp nhận.
Theo số liệu báo cáo hiện nay, khoảng 30% sinh ra trường chưa xin được việc làm. Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực đều đang có vấn đề. Nhưng bên cạnh đó số lượng cũng chưa đạt yêu cầu. Năm 2012, lao động qua đào tạo chưa đến 50%, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa đến 10%, tỷ lệ này so với các nước chỉ bằng khoảng 1/3, số sinh viên trên vạn dân cũng rất thấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc đầu tiên với ngành giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, đổi mới tuyển sinh ĐH liên quan đến mọi gia đình, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe, bàn thảo kỹ, sau khi thống nhất cần có sự tuyên truyền rộng rãi. Nếu không thực hiện tốt, người chịu thiệt thòi chắc chắn là các thí sinh.
Năm 2013, Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XI đã được ban hành. Đây là những văn kiện quan trọng định hướng cho công cuộc đổi mới giáo dục ĐH mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Theo đó, từ năm 2016, các trường đại sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng thay vì tuyển sinh theo kỳ thi “ 3 chung” của Bộ GD& ĐT (chung đề, chung đợt, chung kết quả).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong giai đoạn quá độ từ 2014 – 2016, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị phương án tự chủ tuyển sinh.
Yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường trục lợi trong tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo kì thi diễn ra an toàn, kỷ luật và nghiêm túc.
Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh với nội dung quy định về tuyển sinh riêng cho các nhà trường ĐH, CĐ.