Chia sẻ bất ngờ từ chuyên gia về dạy con bằng giáo dục không hình phạt
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc giáo dục con cái. Lựa chọn hình phạt để “uốn nắn” con mỗi khi con làm sai được nhiều cha mẹ chọn. Nhưng liệu điều đó có hiệu quả và dạy con không hình phạt là thế nào?
Hệ lụy giáo dục bằng hình phạt
Trên một diễn đàn, quan điểm về "giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại trẻ" nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, vì một số lý do trẻ ương bướng, khó bảo mà những lời khuyên răn của người lớn không còn tác dụng để dạy dỗ. Cho nên, người lớn cần dùng hình phạt nghiêm khắc như đánh mắng, đòn roi, bạo lực…. Ngược lại, rất nhiều người lại bày tỏ quan điểm, dùng cách trừng phạt trẻ đầy nghiêm khắc không phải là cách giáo dục hay. Thay vào đó, giáo dục không hình phạt là điều tốt với trẻ.
Chia sẻ với chủ đề "Giáo dục không hình phạt", thầy Dương Quang Minh - cố vấn chuyên môn hệ thống trường Xanh Tuệ Đức, sáng lập CLB Dạy con trong Hạnh phúc cho rằng, dùng hình phạt dạy trẻ là cấp độ thấp nhất trong quá trình dạy con cái. Giáo dục bằng hình phạt làm cho trẻ phải chịu đựng khi làm sai. Trẻ sợ bị phạm lỗi, dựa trên việc xét đúng sai của người lớn. Tạo ra động lực bên ngoài để làm hài lòng người khác và tránh đau đớn về thể xác hoặc cảm xúc. Do đó, trẻ ít có khả năng tự phán đoán các hành vi của mình.
Việc thường xuyên trừng phạt là con đường thẳng tạo ra những đứa trẻ khó bảo. Những đứa trẻ hay bị bố mẹ đánh mắng thường có tâm lý nhút nhát, khó hòa đồng. Đôi khi ảnh hưởng trong quá khứ từ những hình phạt cũng tạo ra rào cản vô hình khiến bé thu mình, khép kín trong tương lai.
Là mẹ của 2 cậu con trai, chị Lê Dung – Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup cũng đã từng sử dụng hình phạt đòn roi với con mình. Chị kể, đến giờ con của chị đã 12 tuổi. Chị nhận ra những phản ứng đòn roi lúc nhỏ vì không kiềm chế được thực sự không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chị tìm tòi các giải pháp, ứng dụng khá hiệu quả khi đưa ra nhân quả trong việc giáo dục trẻ. Nếu con làm như này sẽ nhận kết quả này. Việc con mắc sai lầm và nhận kết quả không mong muốn là cách để con có cơ hội sửa sai.
"Mình đã ứng dụng những câu chuyện, coi con như người bạn để có thể chia sẻ và đồng hành. Tất nhiên không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhưng bản thân mình là những ông bố bà mẹ phải nhìn vào chính bên trong mình, nhìn con để sửa mình. Dưới một góc độ nào đó, đôi lúc mình cũng khó phân biệt được giữa việc "kỷ luật" và "ép buộc" trong việc nuôi dạy con.
Ngay cả khi mình nghĩ rằng cần phải làm vậy để kỷ luật con nhưng thực chất đó lại là hành động mang tính cưỡng ép. Nhiều cha mẹ thường có thói quen đưa ra hình phạt để dạy con mỗi khi con làm sai. Nhưng mình lại quan điểm phải giúp con hiểu ra gốc rễ của vấn đề để nếu có tình huống tương tự, con sẽ tự biết cách giải quyết đúng và tốt hơn, không lặp lại những lỗi cũ. Đồng thời, hãy chú ý khen ngợi trẻ mỗi lần trẻ vâng lời"- chị cho hay.
Giáo dục con bằng nhân quả tự nhiên
Việc giáo dục con là một hành trình dài, tùy mỗi đứa trẻ, cha mẹ có phương thức phù hợp. Giáo dục không hình phạt không có nghĩa là nuông chiều con quá. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Lawrence Kohlberg, cứ càng lớn dần, đặc biệt sau 6 tuổi dường như các hình phạt không còn được sử dụng như công cụ để giáo dục đứa trẻ nữa. Trước 6 tuổi một số hình phạt có thể được dùng như các yếu tố bên ngoài để cho đứa trẻ ghi nhớ, nhưng ngày nay việc này thay đổi nhiều bằng đối thoại công bằng. Giáo dục không hình phạt, trẻ vẫn trở nên kỉ luật trong bầu không khí tích cực chính là "kỷ luật tích cực".
Theo thầy Minh giáo dục bằng nhân quả dạy trẻ cách giải quyết vấn đề. Ảnh TG
Không dùng hình phạt dạy con, vậy các mẹ bỉm sữa nên dạy con thế nào cho đúng? Về điều này, thầy Dương Quang Minh đã đưa ra những cấp độ dạy con thông minh hơn, đó là giáo dục con bằng nhân quả tự nhiên và cao hơn là nhân quả logic. Giáo dục bằng nhân quả dạy trẻ cách giải quyết vấn đề, cho trẻ thấy lỗi lầm là cơ hội để học. Dựa trên suy ngẫm và trách nhiệm cá nhân. Tạo ra động lực nội tại để sử dụng hoặc học hỏi kĩ năng mới, tập trung vào điều nên làm. Trong trường hợp này trẻ có thể tự phán xét những điều đúng trước khi quyết định thực hiện hành vi nào đó mà không cần đến sự tác động từ những người xung quanh.
"Hình phạt đối với giáo dục cũng như thuốc đối với sức khỏe. Thuốc là chữa bệnh, hình phạt là để sửa sai. Trong nuôi dạy con cái, thay vì sử dụng hình phạt, bố mẹ nên tập cho con khả năng nhìn nhận các vấn đề nhân quả trong các tình huống thực tế. Bởi điều này có tác động rất lớn đối với việc hình thành nhân cách trẻ sau này" – thầy Quang Minh nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự quản lý, chăm sóc quá mức của bố mẹ vô tình tước đi sự tự do phát triển của con cái, giống như một chú cá được...