Chạy nước rút với một kỳ thi chung

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT phải tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ - theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là thách thức lớn vì quỹ thời gian còn lại quá ngắn, trong khi ngành giáo dục còn ngổn ngang trăm mối.

“Năm nào cũng vậy, những ngày thi ĐH, tôi phải ngủ tại trường, gần như thức trắng vì lo lắng, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể ảnh hưởng đến kỳ thi” - hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM nói và cho rằng kỳ thi ĐH - CĐ theo hình thức 3 chung thực sự rất nặng nề, quá vất vả và áp lực; do vậy, việc Chính phủ yêu cầu tổ chức một kỳ thi chung là hợp lý.

Quá đột ngột, cần một năm đệm

Tuy nhiên, việc thay đổi kỳ thi phải có hệ thống quy chế đi theo, nếu pháp luật không hoàn thiện thì sẽ rất phức tạp. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng lộ trình một năm thì quá đột ngột. Đáng ra, năm 2015 là bước đệm để năm 2016 thực hiện vì thay đổi thi cử là thay đổi cả cách dạy cùng cách học. Nếu chỉ có một năm để thay đổi cả hệ thống thi cử thì cực kỳ áp lực. Ngoài ra, cần phải giải quyết những tồn đọng của kỳ thi 3 chung, ví dụ thí sinh trượt ĐH năm nay thì sang năm sẽ phải thi thế nào, nếu không còn thi chung thì việc chuyển trường sẽ giải quyết ra sao…

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Phát triển Chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng việc thi cử vừa là vấn đề xã hội vừa là vấn đề học thuật và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải chịu trách nhiệm về vấn đề học thuật. Bộ phải sớm có ý kiến về phương pháp tổ chức kỳ thi. Theo ông Dũng, đã tổ chức thi thì phải có quy chế, vấn đề cấp thiết đặt ra là việc dạy học phải vận hành như thế nào để thí sinh theo được kỳ thi mới? “Thay đổi vấn đề chuyên môn và học thuật không hề đơn giản, nhất là chỉ trong vòng một năm. Theo tôi, phương thức tổ chức một kỳ thi ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh nên không thể duy ý chí” - ông Dũng nói.

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM, cho biết mỗi năm, để tổ chức kỳ thi 3 chung, trường phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng, có khi lên vài tỉ đồng. Việc gộp thành một kỳ thi sẽ giảm được nhiều tốn kém, phiền hà. Tổ chức kỳ thi theo hướng lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH, kết hợp với phỏng vấn, đánh giá năng lực của thí sinh là phù hợp. Thế nhưng, vấn đề quy chế, kỹ thuật cụ thể của kỳ thi phải được nhanh chóng, gấp rút làm ngay.

Cứ làm từ năm 2015 nhưng phải chất lượng hơn trước!

Trước lo lắng của một số chuyên gia về việc tổ chức kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015 có thể là gấp gáp, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc này hoàn toàn có thể làm được.

Chạy nước rút với một kỳ thi chung - 1

Các thí sinh sau buổi thi ĐH tại cụm Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) vào tháng 7/2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Theo GS Thi, kỳ thi 3 chung năm nay đã khác hẳn những năm trước. Trước đây là Bộ GD-ĐT buộc các trường phải tham gia kỳ thi 3 chung mang tính chất quốc gia, còn bây giờ thì các trường muốn có thể tham gia, không muốn thì tuyển sinh riêng với những điều kiện khác. Rõ ràng đã là một bước đệm để sang năm các trường tự tổ chức tuyển sinh theo phương án riêng. “Vấn đề là làm sao để kết quả thi tốt nghiệp THPT đáng tin cậy và các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả này để phục vụ việc xét tuyển của mình. Bộ GD-ĐT phải đặt vấn đề tổ chức kỳ thi tốt hơn” - GS Thi nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, một kỳ thi mà tỉ lệ tốt nghiệp lên đến 99% là không đáng tin cậy.

Về một số ý kiến cho rằng có thể việc tổ chức thi sẽ được thực hiện theo cụm tại các địa phương nhưng có thể một số trường ĐH, CĐ phải tham gia coi thi hoặc tham gia khâu tổ chức thi, ông Thi khẳng định việc tổ chức kỳ thi toàn quốc hay giao cho các tỉnh tổ chức đều là quyền của Bộ GD-ĐT nhưng việc có giảng viên ĐH tham gia thì cần nghiên cứu kỹ. “Để kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn, chất lượng hơn, Bộ GD-ĐT đã từng thử nghiệm việc đưa giảng viên ĐH về các địa phương được 1-2 năm nhưng rồi cũng bỏ. Ngoài chi phí đi lại, ăn ở cho các giảng viên thì cũng phải tính đến tâm lý lo ngại của nhiều người khi về địa phương coi thi” - GS Thi nói.

GS Thi cũng băn khoăn rằng việc đưa ra một “đề án” đổi mới thi - tuyển sinh trong tương lai vào thời điểm này thì hơi sớm. “Đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải theo chủ trương của đổi mới chương trình - sách giáo khoa, tức là phải thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực. Mà nếu đánh giá năng lực thì phải kiểm tra kiến thức tổng hợp của thí sinh, bài thi không thể chỉ có kiến thức riêng của một môn mà tích hợp kiến thức của nhiều môn như lý, hóa, sinh, thậm chí là cả mảng xã hội. Quan điểm riêng của tôi là năm 2015 cứ tổ chức kỳ thi như năm nay nhưng làm tốt hơn. Bao giờ chương trình - sách giáo khoa đổi mới thì xây dựng một đề án đổi mới căn bản, toàn diện cả về cách thức tổ chức, nội dung, mục tiêu đánh giá… kỳ thi. Học sinh học gì thi nấy, bây giờ đang là truyền thụ kiến thức thì khó có thể chuyển sang kiểu đánh giá năng lực một cách đột ngột” - ông nhấn mạnh.

Phải thực hiện hết sức nghiêm túc!

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng một kỳ thi chung là phù hợp khi chú trọng việc đánh giá năng lực học sinh

Thùy Vinh thực hiện

Phóng viên: PGS-TS đánh giá thế nào về chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia, trong đó các môn thi ra đề theo hướng tích hợp?

- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa:

Việc một kỳ thi chung tích hợp kiến thức giữa các môn để đánh giá năng lực học sinh có phần giống ý tưởng trong đề án tuyển sinh riêng của ĐHQG TP HCM được xây dựng vào cuối năm 2013 và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một kỳ thi theo hướng này là phù hợp để giảm bớt áp lực đối với toàn xã hội.

Tuy nhiên, kỳ thi này đặt ra 2 vấn đề: chuyên môn và tổ chức. Để các trường ĐH tin tưởng lấy kết quả của kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển thì đòi hỏi kỳ thi phải được thực hiện cực kỳ nghiêm túc. Tại Pháp, trong kỳ thi tốt nghiệp, họ cử giáo sư của các trường ĐH về các trường phổ thông để làm chủ tịch hội đồng thi nhằm tăng tính nghiêm túc. Đây cũng là một gợi ý về cách thức tổ chức một kỳ thi ở Việt Nam.

Việc kỳ thi chung diễn ra ngay trong năm 2015 được xem là khá gấp gáp, theo ông, cần phải làm gì để kỳ thi có thể diễn ra như yêu cầu?

- Để tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015, đòi hỏi các nhà quản lý phải ngay lập tức tích cực tổ chức nghiên cứu, bàn luận, hội thảo về kỳ thi với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Thời gian không còn nhiều, do đó ngay trong năm 2014 phải hoàn thành các khâu để công bố cho học sinh biết và cho các em 6-7 tháng của năm 2015 chuẩn bị, ôn thi.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT phải thực hiện nhanh chóng và khoa học các giải pháp cho kỳ thi này. Chúng tôi trông chờ một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả và trông chờ các quyết sách bằng văn bản để có thể sớm triển khai công tác tuyển sinh năm 2015.

Chủ trương một kỳ thi có ảnh hưởng thế nào đến việc tuyển sinh của ĐHQG TP HCM trong năm 2015 không?

- ĐHQG TP HCM đang chờ những chỉ đạo rõ ràng hơn để cân nhắc có tổ chức thêm một kỳ thi đánh giá năng lực bên cạnh kỳ thi chung này hay không. Năm 2015, các trường ĐH của ĐHQG TP HCM sẽ sử dụng hình thức thi tuyển và xét tuyển. Với thi tuyển, sẽ sử dụng kết quả một kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT và có thể cộng thêm kỳ thi riêng của ĐHQG TP HCM. Bên cạnh đó, ĐHQG TP HCM sẽ xét tuyển nhiều yếu tố: quá trình học phổ thông, hoạt động ngoại khóa, bài luận trình bày về ngành nghề yêu thích… Kết hợp giữa kết quả thi tuyển và xét tuyển để chọn sinh viên vào các ngành học phù hợp.

Việc có tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực còn phụ thuộc vào từng ngành, từng trường trong hệ thống ĐHQG TP HCM.

Khi Bộ GD-ĐT cho biết sẽ bỏ kỳ thi 3 chung, có thông tin nhiều trường ĐH tại TP HCM ngỏ ý muốn kết hợp với ĐHQG TP HCM tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng?

- Chúng tôi mong muốn các trường cùng hợp tác xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức thi cử… Ngoài ra, các trường sẽ cùng ĐHQG TP HCM tổ chức các hội thảo, đánh giá quá trình và dự báo tương lai. Điều này chúng tôi rất hoan nghênh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Thùy - Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN