Châu Á- lục địa “cuồng” giáo dục

Zhang Yang, một thanh niên 18 tuổi xuất sắc từ một vùng quê ở tỉnh An Huy, Trung Quốc được nhận vào học tại một trường y danh tiếng ở thành phố Hợp Phì. Nhưng tin “vui” này lại là gánh nặng đối với cha của Yang.

Cách đây 2 năm, ông Zhang Jiasheng, cha của Zhang Yang, đã bị liệt nửa người do đột quỵ và không thể tiếp tục làm việc. Ông sợ rằng gia đình ông vốn đang nợ nần chồng chất vì tiền thuốc men sẽ không đủ khả năng trả tiền học phí cho Yang. Trong lúc con trai đang trên đường về nhà báo tin vui, ông Zhang Jiasheng đã uống thuốc sâu tự tử.  

Câu chuyện của Zhang rõ ràng là một trường hợp cực đoan. Nhưng gia đình ở các nước Đông Á đang ngày càng chi nhiều tiền hơn để đảm bảo con cái họ nhận được nền giáo dục tốt nhất.

Ở các quốc gia châu Á giàu có hơn như Hàn Quốc và các nước mới nổi như Trung Quốc, “cơn sốt giáo dục” đang khiến các gia đình phải đưa ra các lựa chọn, đôi khi là những lựa chọn khắc nghiệt để có thể chi trả cho việc học tập của con cái.

Thậm chí có các gia đình đã bán nhà để lấy tiền cho con ra nước ngoài du học.

Châu Á- lục địa “cuồng” giáo dục - 1

Các phụ huynh Trung Quốc chờ con trong một kì thi

Chi tiêu quá mức

Andrew Kipnis, một nhà nhân chủng học tại Đại học quốc gia Australia và là tác giả một cuốn sách về tình trạng “cuồng giáo dục” ở Trung Quốc, cho rằng việc đầu tư cho giáo dục của các gia đình ở nước này đang “ngày càng trở nên cực đoan”.

Và tình trạng đó không chỉ diễn ra ở các gia đình trung lưu. Các công nhân cũng muốn con cái mình được học hành tốt hơn cha mẹ và coi giáo dục là con đường duy nhất đảm bảo cho tương lai. Vì mong muốn đó, một số gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.  

“Các gia đình đang ngày càng chi tiêu ít hơn cho những nhu cầu khác. Có nhiều trường hợp các ông bố bà mẹ ở vùng nông thôn không chi tiền cho thuốc men như khuyến cáo của bác sĩ. Một lí do là họ muốn dành tiền cho việc học hành của con cái”, ông Kipnis cho biết.

“Có thể các gia đình buộc phải dừng kế hoạch xây một ngôi nhà mới vì số tiền đó được dành chi cho giáo dục. Trong một số trường hợp, tình hình có thể căng thẳng hơn, gia đình phải vay tiền từ họ hàng và tất nhiên một số người khó có khả năng trả lại”, ông Kipnis nói tiếp.  

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy từ năm 2007-2012, thu nhập khả dụng trên đầu người ở Trung Quốc tăng 63,3% trong khi đó chi tiêu cho giáo dục tăng tới gần 94%.  

Ông, bà cũng bị cuốn vào “cơn sốt giáo dục”

Vấn đề không chỉ dừng lại ở thu nhập của cha mẹ. Việc giáo dục một đứa trẻ đã trở thành nhiệm vụ của cả đại gia đình.

“Không chỉ các bà mẹ mà còn cả ông, bà cũng tham gia vào việc giáo dục”, Todd Maurer, một chuyên gia về giáo dục ở châu Á và là đối tác của công ty tư vấn Sinica Advisors,  nhận định.

Tăng chi tiêu cho giáo dục đang là hiện tượng phổ biến ở khắp các quốc gia châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ và Indonesia.

Ở Hàn Quốc, nơi chính phủ cho rằng tình trạng “ám ảnh giáo dục” đang làm tổn hại tới xã hội, chi tiêu của các gia đình cho giáo dục đã đẩy nợ cá nhân lên tới mức kỉ lục.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế LG, 28% gia đình Hàn Quốc không đủ khả năng trả nợ hàng tháng và chịu sức ép lớn về thu nhập. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Samsung ở Seoul, tới 70% chi tiêu của các gia đình Hàn Quốc được dành cho giáo dục tư để con cái họ có thể nhận được sự giáo dục vượt trội so với các gia đình khác.

Theo Michael Seth, giáo sư về lịch sử Hàn Quốc tại Đại học James Madison (Mỹ) và là tác giả một cuốn sách về giáo dục Hàn Quốc, các gia đình ở nước này cắt giảm “toàn diện” các khoản chi tiêu để đầu tư cho việc học hành của con cái. “Họ tiêu tiền ít hơn cho những thứ khác như nhà cửa, lương hưu hay các kì nghỉ”, giáo sư Seth cho hay.

Châu Á- lục địa “cuồng” giáo dục - 2

Các ông bố bà mẹ Hàn Quốc đưa con tới một trung tâm
cai nghiện điện thoại thông minh (smart-phone)

“Dường như tất cả các quốc gia đang phát triển ở châu Á đang đi theo cùng một con đường đó”, ông nói.

Nguyên nhân được đổ lỗi cho hệ thống thi cử có độ cạnh tranh quá gay gắt và kì vọng của cha mẹ ngày càng cao.  

“Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc đang tạo sức ép rất lớn lên trẻ em nước này. Cách duy nhất để thoát khỏi hệ thống đó là không sinh con. Chắc chắn một trong những lí do khiến tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức rất thấp là do chi phí giáo dục một đứa trẻ quá cao”, ông nói.

Học thêm tràn lan

“Nỗi ám ảnh về giáo dục” ở Hàn Quốc mạnh mẽ đến nỗi chính phủ nước này không thể nào cản trở nổi và các gia đình Hàn Quốc tiếp tục chi tiền cho con cái học thêm hay tham gia vào các lớp luyện thi để chuẩn bị cho các kì thi cạnh tranh khốc liệt.  

Mặc dù không đến mức độ như Hàn Quốc, nhưng “cơn sốt giáo dục” ở Trung Quốc cũng tạo sức ép lớn tới chi tiêu của các gia đình. Một cuộc khảo sát của công ty Mintel cho thấy 9 trong số 10 trẻ em từ các gia đình trung lưu ở Trung Quốc tham gia các lớp học thêm.

Các bậc cha mẹ tin rằng việc học thêm sẽ giúp con cái họ chuẩn bị tốt cho kì thi vào đại học.  

Trẻ em đang ngày càng học thêm với thời gian dài hơn và từ lúc nhỏ tuổi hơn. Trước đây, tình trạng học thêm chỉ diễn ra trước kì thi đại học 1 hoặc 2 năm nhưng bây giờ tình trạng học thêm tràn lan còn diễn ra ở các trường trung học hoặc thậm chí ở cả bậc tiểu học.

Matthew Crabbe, giám đốc nghiên cứu của công ty Mintel, cho rằng người dân Trung Quốc đang dùng tiền tiết tiệm chi tiêu cho giáo dục thay vì chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.

“Nhưng do chi phí giáo dục đang tăng lên và tình trạng cạnh tranh để được vào học tại các trường đại học tốt ngày càng gay gắt, họ đang đầu tư ngày càng nhiều tiền tiết kiệm để đảm bảo con cái có được thành tích để vào các trường đó”, ông Crabbe nói.

Châu Á- lục địa “cuồng” giáo dục - 3

Theo dõi các tín hiệu radio để tránh gian lận công nghệ cao trong
các cuộc thi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Gánh nặng tài chính khổng lồ

Tình hình không dừng lại đó. Gần 87% các bậc phụ huynh Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng chi tiền để con cái có thể ra nước ngoài học tập. Trước đây, việc học ở nước ngoài chỉ dành cho một nhóm người đặc quyền đặc lợi. Nhưng đến nay, ngày càng nhiều người muốn có bằng cấp từ nước ngoài để có thể đạt thành công sớm hơn.

Theo Viện khoa học xã hội Trung Quốc, năm 2010, 1/3 sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài đến từ các gia đình trung lưu. Đây là một gánh nặng tài chính khổng lồ và bản thân các bậc phụ huynh có thể không nhận ra chi phí thực sự của nó.  

Theo Zhang Jianbai, người quản lí một trường tư ở tỉnh Vân Nam, các ông bố bà mẹ ở những thành phố tỉnh lẻ thường bán nhà để chi trả tiền học của con cái ở nước ngoài.

“Các phụ huynh thường quyết định sớm về việc cho con cái ra nước ngoài học tập và họ phải tự chuẩn bị tiền do mong muốn đó không thể thực hiện được qua hệ thống giáo dục công”, ông Maurer nói.

Các gia đình sẽ phải chi tiền cho các lớp học thêm tiếng Anh, các chuyến đi học ở Mỹ và các khoản tiền lớn cho các trung tâm môi giới du học.

Năm ngoái, ước tính 40.000 sinh viên Trung Quốc đã tới Hồng Kông để thi tuyển lấy chứng chỉ SAT để có thể xin vào học tại một trường đại học Mỹ do các cuộc thi như vậy không được tổ chức ở đại lục.

Công ty Giáo dục Tân Phương Đông ở Trung Quốc đã tổ chức các chuyến dự thi SAT ở Hồng Kông cho các sinh viên Trung Quốc đại lục với mức phí 1.000 USD/ người và các gia đình thường phải trả tới 8.000 USD cho con cái luyện thi lấy chứng chỉ này.

Châu Á- lục địa “cuồng” giáo dục - 4

Bão lũ cũng không thể ngăn cản các em học sinh ở Ergun, Nội Mông, Trung Quốc đi bằng xe chở lính cứu hỏa để tham dự một kì thi

Đánh cược cho tương lai

“Các gia đình đang dành những nguồn lực cuối cùng để đầu tư cho tương lai của con cái bằng cách gửi con đi học ở nước ngoài”, Lao Kaisheng, một nhà nghiên cứu chính sách giáo dục tại một trường đại học ở Bắc Kinh, nhận xét.

Điều đó có nghĩa là sau khi tốt nghiệp, con cái của các gia đình này sẽ chịu sức ép rất lớn về tài chính khi đi xin việc.

Viễn cảnh đó đang dần trở thành hiện thực khi số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc đang ở mức kỉ lục, 7 triệu người trong năm nay, và bằng cấp nước ngoài không còn được trọng dụng như trước đây nữa. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm những công việc không cần bằng cấp.

Nhưng để làm giảm nhiệt “cơn sốt giáo dục” không hề đơn giản. Theo giáo sư Seth, ở Hàn Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác, tư tưởng này “đã ăn sâu bén rẽ vào văn hóa. Tình trạng đó cũng bắt nguồn từ một thực tế rằng không có con đường nào dẫn tới thành công hay công việc tốt ngoài việc sở hữu một bằng cấp danh giá. Điều đó đúng vào thời điểm cách đây 50 năm và vẫn đúng cho tới tận ngày nay”.

“Miễn là các bậc phụ huynh không phải chi quá nhiều tiền hay gây quá nhiều sức ép cho con cái thì “cơn sốt giáo dục” vẫn là điều hợp lý”, giáo sư nhận xét. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Dung (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN