Chàng trai Vàng Toán học nói về việc thu hút người tài

Sự kiện: Giáo dục

Là thí sinh duy nhất trong 6 thí sinh đội tuyển Toán học Việt Nam giành Huy chương Vàng danh giá tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2018, Nguyễn Quang Bin, cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên ÐH Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) khá khiêm tốn khi nói về mình. Tuy nhiên, chàng trai Vàng Toán học cho rằng, Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như chính sách thu hút người giỏi trở về.

Chàng trai Vàng Toán học nói về việc thu hút người tài - 1

Nguyễn Quang Bin (thứ 4 từ trái) tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Ðánh cờ tướng để rèn tư duy

Nguyễn Quang Bin, sinh ra trong gia đình có hai anh em ở Hà Nội. Dưới Bin là em gái học lớp 11 Chuyên Toán cùng trường. Cậu kể, từ bé khi bố mẹ đi làm, hai anh em thường đấu trí với nhau bằng cờ tướng. Cô em rất thông minh, nên năm cấp 2, cả hai anh em đều đi thi giải cờ tướng cấp thành phố, kết quả em giành Huy chương Vàng còn cậu chỉ đạt Huy chương Đồng. Tuy nhiên, Bin vốn tính điềm tĩnh, không cay cú, không đặt mục tiêu để đạt bằng được mà yêu thích cái gì  sẽ bồi đắp mỗi ngày.

Ví như, môn Toán, Bin có một tình yêu đặc biệt từ nhỏ. Bởi theo Bin, học Toán không phải dựa vào kinh nghiệm để giải quyết vấn đề mà phải bằng tư duy. Ngoài ra, Toán có thể ứng dụng phát triển được nhiều ngành khác cho cuộc sống.

Mẹ Bin, chị Nguyễn Thị Thanh Trà kể, con trai có niềm đam mê đặc biệt với các con số. Điều đó thể hiện rõ ngay từ cấp 1 dù gia đình không bao giờ ép  hay đặc mục tiêu cho con. Lên lớp 4 con đã say sưa ngồi hàng giờ để giải Toán và tham gia Cuộc thi giải Toán qua mạng. Lên cấp 2, Bin học Trường THCS Giảng Võ, được thầy giáo chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy Toán nhiệt tình đã thổi bùng "ngọn lửa" Toán học trong Bin. Năm đó, Bin thi vào 4 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam; THPT Chuyên Ngoại ngữ; THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, kết quả đỗ cả 4 trường.

"Chàng trai Vàng" Toán học hiền lành, ít nói nhưng trăn trở nhiều vấn đề của Toán học cũng như các vấn đề trong cuộc sống. Bin ví, các vấn đề trong mối quan hệ giữa con người và xã hội phức tạp và khó hơn Toán rất nhiều. Tuy nhiên, sắp tới, anh chàng sẵn sàng bước ra thế giới rộng lớn với dự định xin học bổng đi du học để theo đuổi lĩnh vực Toán  học ứng dụng.

Bin kể, từ khi vào đội tuyển Olympic Toán học, lúc nào em cũng nghĩ mình sẽ phải cố gắng hết sức. Dù kỳ thi năm trước, đội tuyển đạt tới 4 Huy chương Vàng nhưng không vì thế mà ngày nào mình cũng nghĩ đến để đặt áp lực cho bản thân. Khi đó, em cứ nghĩ, mình đã cố gắng hết sức từ ôn tập đến thi cử rồi nếu có thất bại cũng không thất vọng hay tiếc nuối điều gì nữa.

Để giành Huy chương trong kỳ thi, Bin và các thí sinh đã trải qua những ngày tháng vất vả trong quá trình ôn luyện. Một tuần 11 buổi, tối về nhà học thêm, giải các dạng bài tập. Tuy nhiên, em không học quá 23 giờ để dành sức khỏe cho ngày học hôm sau. Đa số thời gian của Bin là ở trường và đọc sách, làm bài tập. Khi rảnh rỗi, Bin cũng thường chơi game, đá bóng, nghe nhạc để thư giãn.

Chàng trai Vàng Toán học nói về việc thu hút người tài - 2

Chàng trai Vàng Nguyễn Quang Bin.

Việt Nam chưa phát triển Toán học ứng dụng

Bin chia sẻ, ra đấu trường quốc tế, em thấy học sinh Việt Nam không thua kém thí sinh các nước. Thậm chí, nhiều đội tuyển khác khi  giao lưu còn đánh giá, học sinh Việt Nam học nhiều, đạt kết quả tốt trong các kỳ thi. Đặc biệt Toán học Việt Nam lâu nay tuy có rất nhiều người giỏi, nhưng chưa có nhiều người phát triển được lĩnh vực Toán học ứng dụng.

Bin lý giải, hiện nay công nghệ ứng dụng của Việt Nam chưa phát triển do  lâu nay mới chỉ chú trọng phát triển nội tại. Toán cũng chỉ học nhiều lý thuyết và công nghệ thông tin chưa hội nhập quốc tế để so với các nước. "Bất kỳ quốc gia nào cũng cần tin học để phát triển. Đất nước mình vẫn đang trên đà phát triển nhưng chưa đủ nội lực để bật lên. Ngoại ngữ của học sinh cũng chưa tốt. Một vấn đề nữa là giáo dục ĐH Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng", Bin nhận định.

Trò chuyện với PV, chàng trai Vàng đương độ tuổi 18 cũng trăn trở vấn đề tiềm lực con người. Bin cho rằng, hiện nay đất nước mình chưa khai thác hết tiềm lực con người, đặc biệt là người trẻ. Học sinh, sinh viên Việt Nam khi đi ra các nước thi thố hay học tập đều đạt kết quả rất cao. Các bạn làm hồ sơ xin học bổng, các trường ĐH nước ngoài cũng cấp học bổng rất nhanh, tuy nhiên Việt Nam mình chưa đầu tư nhiều vào đào tạo. "Em nghĩ, tại sao Chính phủ mình không cấp học bổng cho người giỏi đi du học nhiều hơn nữa để học hỏi sự tiến bộ của thế giới. Nếu có thể về nước thì tốt, nếu không yêu cầu họ hoàn trả kinh phí. Kể cả họ có về nước hay không, đất nước mình cũng có lãi vì người Việt ra thế giới đã truyền bá được văn hóa và ngoại tệ vẫn được chảy ngược về gia đình ở quê hương", Bin chia sẻ.

Cũng theo Bin, hiện nay rất nhiều người trẻ, giỏi đi du học và chưa muốn trở về vì thực sự Việt Nam chưa có nhiều chính sách thực sự thu hút nhân tài. Nhất là những người có trình độ chuyên môn, bằng cấp tốt, làm việc ở các nước tiên tiến nhưng khi về làm việc trong cơ quan nhà nước chỉ có mức lương 6-7 triệu, không đủ trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra, điều kiện máy móc, cơ sở vật chất, môi trường trong nước chưa đáp ứng để làm việc hiệu quả cũng là yếu tố chưa hấp dẫn.

"Em nghĩ, tại sao Chính phủ mình không cấp học bổng cho người giỏi đi du học nhiều hơn nữa để học hỏi sự tiến bộ của thế giới. Nếu có thể về nước thì tốt, nếu không yêu cầu họ hoàn trả kinh phí. Kể cả họ có về nước hay không, đất nước mình cũng có lãi vì người Việt ra thế giới đã truyền bá được văn hóa và ngoại tệ vẫn được chảy ngược về gia đình ở quê hương".

HCV Olympic Toán học 2018 Nguyễn Quang Bin 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN