Chàng trai tốt nghiệp tiến sĩ năm 18 tuổi, cách dạy dỗ của người cha rất đáng học hỏi
Trong khi nhiều học sinh 18 tuổi còn đang loay hoay với áp lực thi đại học, chàng trai này đã hoàn thành bậc tiến sĩ.
Thẩm Thi Quân là một trong những thần đồng nổi tiếng nhất Trung Quốc. Cậu trở thành sinh viên đại học trẻ nhất khi mới 9 tuổi, 11 tuổi đã học bậc thạc sĩ toán học, 13 tuổi nhận bằng thạc sĩ kép, 18 tuổi tốt nghiệp bậc tiến sĩ, sau đó tới Đại học California (Mỹ) với tư cách là trợ lý giáo sư thỉnh giảng.
Trước thành tích đáng kinh ngạc này, Thẩm Thi Quân đã nhiều lần "xé bỏ" cái mác "thần đồng" của mình.
Thẩm Thi Quân từng nói: "Xin đừng xóa bỏ những nỗ lực của tôi".
Thẩm Thi Quân và cha mình.
Quá trình học “nhảy cóc” của Thẩm Thi Quân
Thẩm Chấn Hùng có 2 cậu con trai, con trai cả Shen Yimou được nhận vào Đại học Oxford ở Anh năm 14 tuổi, con trai út Thẩm Thi Quân vào Đại học Baptist Hồng Kông năm 9 tuổi.
Vào năm 2005, Thẩm Thi Quân được bố đưa tới trường tiểu học nhập học vào lớp 1. Thế nhưng sau đó, cậu nhanh chóng hoàn thành hết các chương trình tiểu học. Cậu được bố hướng dẫn để hoàn thành các khóa học ở trường trung học cơ sở.
2 tháng sau, khi anh trai cậu được nhận vào Đại học Oxford, cậu cũng được gửi đến một trường dự bị.
Trong một cuộc phỏng vấn, với màn thể hiện kiến thức toán học vượt bậc của mình, nhà trường cho phép cậu vào thẳng năm lớp 12. Năm đó, cậu mới 7 tuổi.
Tháng 6/2007, Thẩm Thi Quân tham gia các kỳ thi toán của Anh và đạt được thành tích cao. Ngoài việc vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, tất cả kiến thức về toán học đều là do cậu tự học. Khả năng toán học của cậu bé 9 tuổi nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người và được nhận vào trường Đại học Baptist Hồng Kông.
Bản thân Thẩm Thi Quân không thích những danh xưng mà mọi người đặt cho mình, cậu nói: “Tôi không phải thiên tài. Nói tôi là thiên tài chẳng khác nào đang phủ nhận những nỗ lực của tôi mà thôi”.
Trong 4 năm đại học, Thẩm Thi Quân luôn dành ra 7 tiếng mỗi ngày để học. Cậu không chơi game hay lướt web, thường quên ăn quên ngủ để giải toán, đến 9 giờ tối mới về nhà.
Đại học Baptist Hồng Kông đã thiết kế một hệ thống giảng dạy đặc biệt dành riêng cho các sinh viên như Thẩm Thi Quân, đại học kéo dài 3 năm, còn thạc sĩ 2 năm.
Thẩm Thi Quân đã tham gia tổng cộng 32 khóa học ở bậc đại học, trong đó 1/3 liên quan tới toán học. Ở bậc thạc sĩ, cậu tham gia thêm 3 khóa học và hoàn thành luận án.
Một sinh viên bình thường rất khó có thể hoàn thành bằng cữ nhân và thạc sĩ trong 5 năm, trong khi đó Thẩm Thi Quân chỉ mất 4 năm.
“Ngay cả ở Hồng Kông, có rất ít người có thể tốt nghiệp sớm 1 năm”, Lu Dazhang, chủ tịch Đại học Baptist Hồng Kông cho biết.
Thẩm Thi Quân 13 tuổi đã đến Đại học Texas A&M (TAMU) để học tiến sĩ.
Vào năm 2016, Thẩm Thi Quân, 18 tuổi, đã hoàn thành bậc tiến sĩ và sau đó đến Đại học California với tư cách là trợ lý giáo sư. Nhìn thấy giáo sư còn trẻ hơn mình, rất nhiều sinh viên tỏ ra nghi hoặc.
Nhưng thường sau buổi học đầu tiên, mọi người đều choáng ngợp trước kiến thức về toán học của Thẩm Thi Quân.
Thẩm Thi Quân bị ám ảnh bởi toán học và tin rằng, vẻ đẹp của toán học nằm ở sự đơn giản, và cuộc sống của cậu thậm chí còn đơn giản hơn thế.
Ông bố đứng sau tài năng của Thẩm Thi Quân
Khi nói đến tài năng của Thẩm Thi Quân, không thể không nhắc đến bố của cậu là ông Thẩm Chấn Hùng.
Trên thực tế, Thẩm Thi Quân không phải là một đứa trẻ có tài năng bẩm sinh, bản chất của cậu cũng rất nghịch ngợm, hiếu động và lười biếng.
Nhưng theo quan điểm của người bố, “không có miếng gỗ mục nào là không thể chạm khắc”, thời kỳ vàng để giáo dục trẻ là từ 4-8 tuổi, tức là trước khi trẻ tới trường tiểu học.
Để rèn luyện thói quen đọc sách tốt cho con trai, ông quyết định làm gương, đầu tiên là bỏ sở thích xem TV, thay vào đó dạy kèm con đọc và tư duy.
Thẩm Thi Quân cũng như bao đứa trẻ khác, cũng rất thích xem phim hoạt hình, nhưng khi thấy bố không xem TV thì cậu cũng không dám xem nữa. Sau khi biết đọc chữ, cậu vẫn chưa ý thức tốt trong việc đọc sách.
Vì vậy, Thẩm Chấn Hùng đã yêu cầu con trai mình đọc to các đoạn văn, kéo dài dần từ 10 phút đến 20 phút và 1 giờ. Sự chú ý của Thẩm Thi Quân dần được cải thiện.
Những câu chuyện mà ông hay kể cho con nghe đều là những tác phẩm kinh điển trong nền văn học thế giới.
Ví dụ: Truyện “thỏ và rùa”, giải thích cho con hiểu những người kiêu ngại nhất định sẽ bị đánh bại, chỉ có sự kiên trì mới chiến thắng.
Truyện “Columbus đã khám phá ra Tân Thế giới”, nhắn nhủ con mình phải biết can đảm bước ra thế giới rộng lớn.
Truyện “Newton khám phá ra lực hấp dẫn”, dạy con về tầm quan trọng của việc sáng tạo và khám phá.
Dưới sự dẫn dắt của người bố, Thẩm Thi Quân ngay từ khi học lớp 1, buổi đầu tiên đã đọc hết sách Hán văn, ngày thứ 2 học hết toán, ngày thứ 3 học hết các môn còn lại. Những ngày học tiếp theo, cậu ngồi đọc sách giáo khoa của lớp 2, lớp 3, thậm chí lớp 5.
Cô giáo gọi người bố đến trường và nói một cách nghiêm túc: “Tốt nhất là cho trẻ học từng bước và nằm lòng những kỹ năng cơ bản”.
Nhưng Thẩm Chấn Hùng lại nói: "Con tôi có thể học hết một cuốn sách trong 1 ngày, tại sao phải để nó dành 1 năm để học. Cưỡng ép ngăn cản đứa trẻ học nhanh chỉ khiến nó chán học". Sau khi nghe điều này, cô giáo lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng.
Trong một lần tới Vương quốc Anh, Thẩm Chấn Hùng sớm phát hiện ra con mình ngoại trừ môn dễ học nhất, các môn khác đều rất khó. Ông trăn trở làm thế nào để con mình có thể phát huy khả năng phi thường về toán học vào các môn học khác.
Một ngày nọ, Thẩm Chấn Hùng đưa con trai đến Đại học Oxford để tham gia một lớp học toán và yêu cầu cậu viết ra tất cả các công thức mà giáo sư sử dụng trong bài giảng, nhưng Thẩm Thi Quân không thể hiểu sau khi nghe nó trong nửa giờ.
Để tăng thêm hứng thú cho con trai, Thẩm Chấn Hùng đã thưởng cho cậu bé: “Nếu con có thể kiên trì ghi lại những công thức mà giáo sư trích dẫn, cuối tuần bố đưa con đi dã ngoại”.
Tuy nhiên, theo thời gian, Thẩm Thi Quân cũng cảm thấy mệt mỏi với phương pháp học thuộc lòng các công thức.
Thẩm Thi Quân và anh trai.
Một lần, khi Thẩm Chấn Hùng đưa con trai đi du lịch, ông thấy con trai mình đang gục đầu trên cửa sổ ô tô, tập trung đếm xe cộ trên đường cao tốc, cảnh tượng này khiến anh không khỏi ngạc nhiên. Điều đó cho thấy cậu bé rất có hứng thú với những điều mới lạ.
Kể từ đó, ông thường yêu cầu con trai mình quan sát xem con cá vàng thở bao nhiêu bong bóng, chớp mắt bao nhiêu lần trong vòng một giờ… Ông thay đổi nhiều phương pháp khác nhau để thu hút sự chú ý của con trai mình.
Thẩm Chấn Hùng nói rằng, để con cái theo đuổi việc học cần có sự hy sinh và đồng hành của cha mẹ.
"Tại sao những đứa trẻ xuất chúng hiếm khi thành công? Bởi vì trẻ em có thể gặp nhiều vấn đề trên đường đi, nhưng cha mẹ chúng không nhận thức được điều đó", ông chia sẻ và quyết định dồn lực để hỗ trợ con mình.
Trong nhiều năm, Thẩm Chấn Hùng đã duy trì thói quen tương tác và nói chuyện với con trai ít nhất 15 phút mỗi ngày. Ngoài việc giúp con làm rõ phương hướng, ông còn muốn nhân cơ hội giao tiếp hằng ngày để đặt câu hỏi và buộc con phải suy nghĩ.
Riêng điều này, ông tin rằng rất ít cha mẹ có thể làm được. "Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, đó là chuyện vặt vãnh và lãng phí thời gian, nhưng thực ra nó rất quan trọng. Nếu bạn không hỏi, con bạn sẽ không suy nghĩ và việc học sẽ tự nhiên chậm lại".
Theo quan điểm của Thẩm Chấn Hùng, quá nhiều phụ huynh giao trách nhiệm giáo dục con cái của họ cho trường học và trường luyện thi. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức này chính là lý do dẫn đến thất bại của hầu hết học sinh.
Chàng trai này không ỷ lại vào gia đình mà vươn lên nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]