Chàng trai phổ cập tin học cho buôn làng

Hơn 7 năm qua, 1 tuần 3 buổi, khi mặt trời vừa khuất núi, chàng thanh niên dân tộc Cill 28 tuổi Kara Jan Ha Lên, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), lại bắt đầu buổi dạy vi tính quen thuộc của mình, từng bước phổ cập tin học cho con em trong buôn làng đồng bào dân tộc Cill ở Đạ Sar.

Hơn 5 giờ chiều, khi vừa từ công ty về đến nhà, Ha Lên vội khởi động dàn máy vi tính để chuẩn bị cho buổi học thực hành. Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, hàng chục học sinh háo hức kéo đến nhà “thầy Lên” học vi tính. Khi các em đã ổn định chỗ ngồi, “thầy Lên” cho cả lớp thực hành về các hàm trong Excel mà buổi học hôm trước còn bỏ dở. Ha Lên tâm sự: “Mình không biết nghiệp vụ sư phạm nên trước khi mở lớp đã xin đi dạy vi tính ở một trung tâm tin học ngoài Đà Lạt để học hỏi cách giảng bài, cách trình bày. Sau đó mình về mở lớp tại nhà, truyền đạt lại kiến thức cho các em học sinh trong buôn làng”.

Lớp tin học của Ha Lên được mở từ năm 2007 với một lý do rất tình cờ. Năm ấy, khi đang học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Đà Lạt (nay là Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt), Ha Lên được tham gia một lớp học vi tính miễn phí. Khi hoàn thành lớp học này và có các chứng chỉ tin học A, B trong tay, Ha Lên theo trợ giảng cùng thầy giáo dạy vi tính cho các trẻ em đường phố tại Đà Lạt. Trong những lần về thăm nhà ở Lạc Dương, Lên để ý thấy người trong buôn làng… không biết vi tính là cái gì, đặc biệt là các em học sinh. Thấy vậy, anh mượn thầy giáo vài bộ vi tính về dạy cho các em trong buôn. Bốn bộ máy tính để bàn được đưa về, bà con trong buôn tò mò đến xem rồi lắc đầu ra về bởi họ nghĩ học vi tính chắc nhiều tiền lắm.

Chàng trai phổ cập tin học cho buôn làng - 1

Ha Lên kiểm tra máy vi tính trước khi bắt đầu lớp học

“Lớp đầu tiên mình phải đi vận động mệt lắm, đến từng nhà nói chuyện với từng phụ huynh là đi học không tốn tiền đâu, không phải trả cho mình cái gì cả, miễn là cho các em đi học đều đặn là được. Cuối cùng lớp vi tính đầu tiên của mình cũng có 10 em theo học” - Ha Lên kể.

Kết thúc khóa đầu tiên sau ba tháng miệt mài, hầu hết học sinh trong lớp đã đạt chứng chỉ tin học A. Thấy lớp vi tính của Ha Lên hoạt động hiệu quả, một tổ chức từ thiện của Pháp đã trang bị thêm máy vi tính và trả một khoản tiền nhỏ hàng tháng để Ha Lên tiếp tục duy trì lớp học. Trong các khóa tiếp theo, nhiều phụ huynh trong làng đưa con em đến xin “thầy Lên” cho học vi tính. Ha Lên cho biết: “Từ mấy năm nay, lớp của mình luôn có hơn 20 học sinh theo học. Do khả năng tiếp thu của các em học sinh ở đây hơi yếu, nhiều em mới lần đầu tiên tiếp cận với máy tính nên mình chia các em theo các cấp 2, cấp 3 và trong một buổi học thì chia thành hai ca, bắt đầu từ 5 giờ 30 và kết thúc vào 8 giờ 30 tối”. Mỗi lớp học trung bình kéo dài 6 tháng, sau đó Ha Lên sẽ đưa các em ra thành phố Đà Lạt thi lấy chứng chỉ tin học A.

Trung bình mỗi năm Ha Lên mở hai lớp với khoảng 40 em theo học. Đã có hàng trăm học sinh trong buôn làng được phổ cập vi tính từ lớp học đặc biệt này. Hiện nay, tuy đã lập gia đình và có con nhỏ, cộng với việc đi làm ở một công ty, nhưng Ha Lên vẫn duy trì đều đặn lớp học của mình. Để làm được điều đó, cùng với nỗ lực của bản thân, Ha Lên còn nhận được sự động viên rất lớn từ người vợ, nay cũng đã là người "đồng nghiệp" với anh. Vợ anh, chị Touneh Diễm My, chia sẻ: “Mình thấy việc dạy vi tính của chồng rất ý nghĩa nên hơn một năm nay mình cũng mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em trong làng. Giờ có con nhỏ nên hai vợ chồng chia nhau dạy cho các em vào buổi tối các ngày trong tuần để dành thời gian trông con”.

Với những đóng góp của Kara Jan Ha Lên trong những năm qua, Huyện đoàn Lạc Dương và Đoàn xã Đạ Sar đã nhiều lần tuyên dương, tặng giấy khen cho anh, nhằm động viên anh tiếp tục cống hiến cho buôn làng, đem tri thức về với vùng sâu Đạ Sar. Ha Lên tâm sự: “Mình chưa nghĩ tới là sẽ ngưng không dạy vi tính nữa. Mình chỉ mong cho các em biết về vi tính, để sau này khi học xong, các em đi làm sẽ thấy nó rất có ích”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (TTXVN)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN