Chàng trai “gõ bàn phím bằng đũa” với ước mơ trở thành kỹ sư lập trình
Bị bỏng nước cấp độ 3 khi vừa tròn 4 tuổi. Đến 5 tuổi em lại mất cha và khi 10 tuổi căn bệnh teo cơ phì đại quái ác đã biến em thành người bại liệt. Tưởng như cuộc đời đã hết, khi di chuyển mỗi xen- ti- mét em đều phải nhờ người khác giúp đỡ. Không dễ dàng đầu hàng số phận, em đã gồng mình “đứng dậy” học tiếng Anh, lập trình web, rồi lập tủ sách “Vọng ước” dành tặng cho một bạn cùng cảnh ngộ.
Đó là em Phí Quang Huy, ở số nhà 48, ngõ 111 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội). Huy sinh năm 1987, là con thứ hai trong một gia đình nghèo có ba chị em ở xã Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội).
Tuổi thơ nghiệt ngã
Khi còn nhỏ, Huy cũng bụ bẫm, dễ thương như bao đứa trẻ khác. Hoạn nạn ập xuống khi em vừa tròn 4 tuổi. Ấy là một ngày mùa hè năm 1991, khi vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (mẹ Huy) vì sửa lại nhà nên đưa Huy lên gửi bác trông hộ. Huy nghịch, sơ ý nên bị phích nước sôi đổ vào người. Huy bị bỏng cấp độ 3, phải điều trị ở Viện Bỏng Trung ương gần nửa năm mới xuất viện. Vết bỏng chưa lành, thì người cha lại bỏ mẹ con Huy ra đi, để lại một mình người vợ trẻ còng lưng nuôi nấng ba đứa con thơ dại.
Niềm vui của Huy và Linh trong ngày thành lập tủ sách “Vọng ước”
Năm 1997, dù rất khó khăn nhưng chị Huyền vẫn cố gắng vay mượn để đưa Huy đi phẫu thuật di chứng sau bỏng ở Bệnh viện 103. Nhưng buồn thay, khi vừa xuất viện được hai tháng, chân tay em cứ yếu dần đi, thi thoảng đang đi bỗng ngã lăn ra như người say rượu. Thấy con ngã, mình mẩy trầy xước mà lòng chị Huyền quặn thắt. Nghĩ con mình sau phẫu thuật không được bồi bổ nên sức khỏe yếu đi không vững, chị lại cố chắt chiu để có tiền mua đường sữa, rồi thi thoảng mua con gà nấu cháo cho Huy, nhưng bệnh tình con vẫn không hề thuyên giảm.
Một lần nữa chị Huyền lại phải vay mượn, rồi bồng bế Huy đi bệnh viện. Nghe bác sĩ thông báo mà như tiếng sét bên tai. “Huy bị bệnh teo cơ phì đại, bệnh này có khả năng di truyền và hiện vẫn chưa có phương thức nào chữa trị hữu hiệu”. Cầm kết luận bệnh án mà trong lòng người mẹ lo nơm nớp và nỗi lo đó đã trở thành hiện thực khi cậu con trai thứ ba tên Kiên cũng mắc phải căn bệnh này khi lên 10 tuổi. Không nản lòng, chị Huyền vẫn nuôi hy vọng dù là rất nhỏ nhoi. Ai mách gì, ở đâu có thể chữa được, từ Đông y đến Tây y chị đều tìm đến, rồi bán cả căn nhà rộng đi để lấy tiền chạy chữa cho con.
Vươn lên để không phụ lòng mẹ
Là một người ham học, khi phải ngồi ở nhà Huy rất buồn. "Thời gian đầu em khóc nhiều lắm, nhiều lúc em chỉ muốn đi theo bố cho xong. Nhưng nghĩ lại hàng ngày mẹ phải thức khuya, dậy sớm lo cho chúng em từng miếng ăn, giấc ngủ, làm đủ mọi thứ nghề từ rửa bát, giặt quần áo, lau nhà, trông trẻ thuê... để kiếm cho chúng em bát cơm, bát cháo. Nghĩ thương mẹ nhiều hơn là thương mình, nên em quyết phải làm được một cái gì đó để không phụ lòng và đỡ đần mẹ được phần nào!" - Huy nghẹn ngào tâm sự.
Huy (giữa) “biểu diễn” màn gõ bàn phím bằng đũa rất điệu nghệ.
Không thể đi lại được, nên Huy đành bỏ dở con đường học hành khi em vừa học hết lớp 5. Thương con suốt ngày ngồi thu lu trong góc nhà, chị Huyền đã chạy khắp nơi và xin được cho Huy một chiếc xe lăn. Huy nhờ mẹ mua các loại sách cần thiết để học ở nhà, đồng thời thi thoảng lại nhờ mẹ đẩy xe ra quán Internet gần nhà để làm quen với bàn phím và mày mò tự học. Vốn đam mê bóng đá và những bài hát tiếng Anh, nhưng “ức” vì không đọc được tên của các cầu thủ nước ngoài và không hát được những bài hát tiếng Anh yêu thích, Huy quyết tâm học giỏi tiếng Anh.
Huy bảo, lúc đầu để nhớ tên cầu thủ, em ghi tên "phiên âm" tiếng Việt ra tờ giấy, rồi đọc theo bình luận viên và học bài hát cũng vậy mãi rồi thành quen. Năm 2002, khi cùng xem một trận đấu của World Cup 2002, vì mến phục bởi tài nhớ tên cầu thủ, thành tích của các đội bóng và dự đoán, bình luận như một bình luận viên của chàng trai khuyết tật Phí Quang Huy, một bạn gái tên là Nga, sinh viên năm cuối Đại học Thủy lợi đã tặng Huy một cuốn từ điển Anh - Việt và cuốn truyện "Hoàng tử và Công chúa".
Có từ điển, Huy bắt đầu mày mò tự học tiếng Anh, rồi nhờ các anh chị sinh viên dạy kèm. Thấy con ham học, chị Huyền đã thuê gia sư về nhà dạy học và kèm tiếng Anh cho Huy. Nhưng khi gặp Huy, thấy hoàn cảnh và sự hiếu học của Huy, cô giáo Vân - sinh viên Đại học ngoại ngữ đã tình nguyện dạy cho Huy mỗi tuần 1 - 2 buổi. "Em vừa học hết chương trình A và một nửa chương trình B thì chị Vân ra trường nên em buộc phải tự học tiếng Anh online với quyết tâm hoàn thành chương trình tiếng Anh B" - Huy kể lại.
Ban đầu, Huy khá vất vả trong việc soạn thảo văn bản trên máy tính, do những ngón tay bị đơ cứng không còn linh hoạt. Nhưng rồi tình cờ trong một lần ăn mì tôm, sợi mì rơi xuống bàn phím, Huy dùng đũa gắp sợi mì trên bàn phím ra và nảy ra ý tưởng dùng đũa để gõ bàn phím. Sau một thời gian kiên trì tập luyện, đến nay Huy có thể gõ bàn phím bằng một chiếc đũa với tốc độ gõ như một người bình thường.
Năm 2005, Huy được vào làng Hòa Bình (Thanh Xuân) để phục hồi chức năng. Tại đây Huy đã may mắn gặp bà Maria Elizabeth Croi - một giảng viên người Mỹ giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ Apollo (Hà Nội). "Sau khi tâm sự, cô Maria đã xin địa chỉ và số điện thoại của em. Năm 2007, khi trở lại Hà Nội công tác, cô ấy đã đến thăm em và từ đó đến nay cứ một tuần hai buổi cô lại đến tận nhà dạy tiếng Anh cho em!" - Huy cười hiền lành.
Và tấm lòng dành cho bạn đồng cảnh
Đầu năm 2009, Huy may mắn được Tổ chức Rồng Xanh (Hà Nội) tài trợ cho một khóa học tiếng Anh và lập trình web trị giá 8,2 triệu đồng. Hiện Huy đã hoàn thành khóa học, nhưng do chứng teo cơ phì đại, nên quá trình học của Huy hay bị ngắt quãng. "Giờ em không buồn nhiều về căn bệnh của mình nữa. Em chỉ buồn vì việc học tập khó khăn, thường bị gián đoạn ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của mình. Nếu thời gian nữa chưa xin được việc, em sẽ tập trung hết vào việc học tiếng Anh để có thể mở lớp học nho nhỏ dạy cho các em cấp 1. Nhưng để thành hiện thực còn rất gian nan.
“Giờ em không buồn nhiều về căn bệnh của mình nữa. Em chỉ buồn vì việc học tập khó khăn, thường bị gián đoạn ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của mình. Nếu thời gian nữa chưa xin được việc, em sẽ tập trung hết vào việc học tiếng Anh để có thể mở lớp học nho nhỏ dạy cho các em cấp 1. |
Ngoài bệnh teo cơ phì đại, hiện Huy còn mắc bệnh sỏi túi mật. Bác sĩ bảo Huy phải mổ nhanh, không thể mổ nội soi do sức khỏe của em yếu, nhưng không có tiền nên em đành thắt đau chịu vậy. Trong một lần đi thăm bạn Đặng Thùy Linh ở Mai Xá, (Quang Lãng, Phú Xuyên), Huy đã bị ám ảnh bởi hình ảnh và tâm sự của cô gái bị bại liệt, suốt 23 năm phải ngồi một mình trong nhà mỗi khi bố mẹ đi làm.
Huy tâm sự: "Sau hôm gặp Linh, suốt một tuần em không ngủ được, nghĩ lại những lần mình ở nhà một mình, em hiểu nỗi buồn của bạn ấy lớn như thế nào và em nảy ra ý tưởng thành lập tủ sách "Vọng ước" tặng cho Linh!".
Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày 25.10.2009, Huy đã cùng một người bạn thuê xe ô tô chở sách, báo, truyện... về nhà Linh. "Em rất vui, bởi từ khi tủ sách được thành lập, có rất nhiều các em trẻ của thôn Mai Xá và các thôn lân cận đến đọc và tâm sự cùng Linh. Mỗi lần về thăm thấy Linh vui vẻ, khỏe mạnh là em vui mừng rồi. Nếu có điều kiện em sẽ thành lập một tủ sách nữa tại nơi em ở, để khơi lại "văn hóa đọc" từ các em nhỏ tuổi!" - Huy bộc bạch. Hiện tủ sách "Vọng ước" có khoảng 800 cuốn sách, báo, truyện... các loại.
Trước khi tôi ra về Huy bảo: "Anh đi nhiều, quen nhiều, nếu có điều kiện anh nhớ kêu gọi bạn bè và mọi người cùng đóng góp cho tủ sách "Vọng ước" anh nhé!”.