Chàng trai đi 70 nước trong hơn 6 năm du học
Nhờ đi nhiều, Ngô Thế Kiên nhận ra lĩnh vực yêu thích để theo đuổi, góp phần giành học bổng toàn phần đại học top đầu Canada.
Thế Kiên, 24 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi (cum laude) của Dickinson College, Mỹ, với điểm trung bình (GPA) 3.63/4 hôm 19/5. Nam sinh còn giành học bổng toàn phần thạc sĩ ngành Công nghệ gen của Đại học British Columbia, Canada (UBC). Học bổng gồm học phí và hỗ trợ ăn ở, tổng 40.000 CAD (hơn 740 triệu đồng) một năm.
Theo QS 2024, UBC xếp hạng 35 thế giới và thứ hai ở Canada.
Ngô Thế Kiên trong lễ tốt nghiệp Dickinson College, Mỹ, hôm 19/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2017, khi đang học lớp 11 chuyên tiếng Nhật, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kiên giành học bổng toàn phần của trường di động Think Global School. Ngôi trường có trụ sở ở Mỹ nhưng học sinh và giáo viên mỗi kỳ sẽ đến học ở một nước. Trong 8 kỳ, ngoài Trung Quốc phải học online vì dịch bệnh, cậu lần lượt đặt chân tới tại Botswana (châu Phi), Ấn Độ, Nhật, Tây Ban Nha, Oman, Costa Rica và Hy Lạp.
Kiên cho hay ngoài một số môn học chung như Toán, Viết, học sinh có hứng thú với môn nào sẽ đăng ký và làm dự án môn đó. Ví dụ ở Botswana, sau khi học lý thuyết Toán thống kê, cậu phải vào rừng, quan sát dấu chân động vật và phân tích. Khi tới Ấn Độ học về Hóa, Kiên phải làm thí nghiệm, đo mức độ ô nhiễm trong nước rồi phân tích các chỉ số để đưa ra cảnh báo cho người dân và đề xuất cách sử dụng nước an toàn.
Tốt nghiệp với GPA 3.7/4 năm 2019, Kiên giành học bổng hơn 52.000 USD (trên 1,3 tỷ đồng)/năm của Dickinson College để theo học ngành Khoa học môi trường. Nam sinh nói các dự án thời trung học đều hướng đến môi trường nên chọn học ở ngôi trường thuộc top 5 đại học xanh và thân thiện nhất nước Mỹ.
Kiên cũng thích du lịch và khám phá nên thường tranh thủ các kỳ nghỉ hè (3 tháng), nghỉ đông (6-7 tuần) để ra khỏi Mỹ. Trong kỳ học, cậu làm trợ giảng, dự án nghiên cứu và gia sư khoảng 20 tiếng/tuần để có thêm chi phí cho các chuyến đi.
Nam sinh cho hay với visa Schengen, cậu được nhập cảnh nhiều nước châu Âu. Ngoài ra, với visa Mỹ và Canada, Kiên cũng có thể nhiều nước khác, chủ yếu ở châu Mỹ. Mỗi năm, cậu khám phá được 5-15 nước. Tổng cộng, Kiên đặt chân đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu nhiều nhất (38), Đông Nam Á (10), châu Phi (3), Trung Đông (6)...
Ở mỗi nơi, cậu thường ở lại 4-5 ngày, trừ những nước nhỏ như Vantican hay San marino. Để tiết kiệm, Kiên thường không bay thẳng từ Mỹ mà chuyển tiếp qua các nước bằng vé rẻ. Ví dụ để đến Chile, cậu bay từ New York tới Colombia ở 3-4 ngày rồi đi tiếp.
Theo nam sinh, việc di chuyển giữa các nước đơn giản, ngoài bay còn có thể bằng xe buýt và tàu điện.
Kiên (áo trắng) cùng trẻ em ở Botswana (châu Phi) năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi đến một vùng đất mới, Kiên luôn quan sát và tìm hiểu không khí, nguồn nước, thói quen ăn uống hay lối sống của người dân và tác động. Ví dụ, người Mỹ thích đồ ăn nhanh, người Argentina thường ăn tối muộn lúc 22-23h hay không khí, nước dùng ở Ấn Độ bị ô nhiễm... Vì thế, nhiều người Mỹ béo phì, dân Ấn Độ dễ ốm còn người Argentina có thể gặp vấn đề về dạ dày và tiêu hóa.
Để hiểu kỹ hơn những yếu tố tác động tới sức khỏe con người, Kiên quyết định chuyển sang ngành Hóa Sinh và Sinh học phân tử từ năm thứ hai đại học.
Hè năm đó, Kiên xin vào nhóm nghiên cứu của giáo sư, tìm hiểu về sự thay đổi gen của loài sâu khi chúng ăn rau. Cậu nhận ra các chất tương tác lên gen bị thay đổi, làm biểu hiện gen của sâu giảm xuống, khiến nó chết sớm.
Hai năm sau, Kiên làm về bệnh tự miễn và ung thư gan, thận trong một dự án với Đại học Nam California (USC). Cậu cùng nhóm nghiên cứu thay đổi công thức và cấu trúc hóa học của thuốc sorafenib dùng để chữa bệnh này. Kết quả thu được là ba cấu trúc hóa học thuốc mới hiệu quả trên mô phỏng máy tính.
"Tôi đam mê nghiên cứu vì muốn hiểu sâu về lĩnh vực y tế, sức khỏe. Dẫu biết công việc này thất bại là nhiều, tôi luôn tin rằng kiên trì sẽ tìm ra được điều quan trọng có tầm ảnh hưởng", Kiên nói.
Xác định học lên sau đại học, nam sinh đọc 40 bài nghiên cứu để tìm ra giáo sư có cùng định hướng nghiên cứu về gen. Tại Canada, sinh viên phải liên hệ trước, trình bày chủ đề nghiên cứu để được giáo sư nhận, trước khi nộp hồ sơ vào các trường. Kiên gửi thư cho 20 giáo sư, nói về: "Tác động của môi trường, thuốc uống, và chế độ ăn uống đến đột biến gen của hồng cầu, cụ thể là các chất enzyme gây sưng tấy cho cơ thể người".
"5 người phản hồi, trong đó có một lời mời phỏng vấn, còn lại từ chối hoặc hẹn liên lạc sau", cậu nhớ lại.
Người duy nhất đồng ý nói chuyện, theo Kiên là giáo sư ở UBC với hướng nghiên cứu chuyên về bệnh tự miễn. Trong hai lần phỏng vấn, ông xem bảng điểm, kiểm tra kiến thức khoa học và hỏi cậu về phương pháp nghiên cứu.
Giáo sư Hovhannes J Gukasyan, khoa Dược, Đại học Nam California, là một trong ba người viết thư giới thiệu cho Kiên. Ông nhận xét nam sinh người Việt tích cực tham gia nghiên cứu dược và dược phẩm sinh học.
"Kiên có các kỹ năng xã hội tuyệt vời và sự trưởng thành, chín chắn cần thiết để trở thành một nhà nghiên cứu trong bất kỳ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nào", ông Hovhannes viết.
Kiên nhìn nhận hành trình đi qua hơn 70 quốc gia có ý nghĩa lớn, giúp cậu viết bài Personal Statement (tuyên bố cá nhân) về những gì đã trải nghiệm, đúc rút để có được đề tài nghiên cứu.
Tháng 9 tới, cậu sẽ đến Canada học và hy vọng làm việc ở một tập đoàn dược phẩm sau khi tốt nghiệp, hoặc học thêm để vừa làm bác sĩ vừa nghiên cứu.
Kinh nghiệm của Kiên là hãy bắt đầu càng sớm càng tốt để tìm ra lĩnh vực yêu thích và phù hợp với bản thân.
"Chẳng hạn, để được giáo sư chú ý và nhận vào nhóm từ hè năm thứ hai, ngay từ năm nhất, bạn nên luôn ngồi bàn đầu và trao đổi nhiều để họ nhớ tên, nhớ mặt", Kiên đúc rút.
Kiên ở đền Taj Mahal, Ấn Độ, tháng 8/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Võ Hồng Nhật vỡ òa khi trúng 3 học bổng toàn phần chính phủ bậc thạc sĩ trong một năm, từ Italy, Bỉ và New Zealand.
Nguồn: [Link nguồn]