‘Chàng trai da cam’ vào đại học

Bằng nghị lực phi thường, chàng trai mang trên mình chất độc màu da cam đã viết nên truyện cổ tích khi bước chân vào giảng đường đại học.

Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở cuối thôn Phước Dinh 3 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thì thấy Trương Hùng Anh đang ngồi trông một cậu trai chừng hơn 20 tuổi, đang cựa quậy một cách khó nhọc, miệng méo mó cố nói không thành tiếng. Hai anh em đều là nạn nhân chất độc màu da cam từ thuở lọt lòng.

Con xin đến trường, mẹ rớt nước mắt

Mẹ của Hùng Anh, bà Trần Thị Lệ Hương, không cầm được nước mắt khi nói về hai đứa con mang chất độc màu da cam từ người cha.

Đôi chân cong queo không thể đi lại bình thường. Mười ngón tay, Hùng Anh chỉ có thể cử động được bốn ngón nên làm việc gì cũng khó khăn. Từ thuở lọt lòng đã mang nhiều khuyết tật, không ai dám hy vọng một ngày Hùng Anh sẽ đi học. Thế rồi, một ngày Hùng Anh xin mẹ đến trường. Nhận thấy sự ham học của đứa con tật nguyền, người mẹ ứa nước mắt vì hạnh phúc. “Lúc ấy mừng lắm, mừng vì con mình từ trước đến nay bị tật, không cầm được bút viết nhưng đến nay lại đòi đến trường để học chữ. Mừng vì nghị lực của con trai mình khát khao được đi học” - bà Hương thốt lên lời vì hạnh phúc.

Những ngày đầu đến lớp với Hùng Anh không hề đơn giản chút nào. Đôi tay co rút không cho phép Hùng Anh vừa nghe vừa viết kịp bạn bè.

Cũng chính từ lòng ham học của Hùng Anh đã khiến thầy cô và bạn bè trong lớp quý mến. Hình ảnh người mẹ ngồi bên bàn học của con trai trong căn nhà cũ kỹ ở thôn trở nên quen thuộc với người dân, hàng xóm nơi này.

‘Chàng trai da cam’ vào đại học - 1

Hùng Anh (phải) đang nỗ lực học tập để hy vọng tương lai có thể phụ giúp cha mẹ chăm đứa em cũng bị nhiễm chất độc da cam (giữa) như anh. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Gõ cửa giảng đường

Ở cấp I, thầy cô luôn khen ngợi Hùng Anh học rất giỏi ở những môn tự nhiên với số điểm đạt được đứng nhất nhì lớp. Lên cấp II, bằng tài năng của mình, Hùng Anh đã chinh phục được thầy cô bằng sự ham học với kết quả cao các môn tự nhiên, trong đó môn toán đạt điểm trung bình 9,5.

Đến năm lớp 11, Hùng Anh được lãnh đạo nhà trường chuyển sang lớp chuyên. Có được động lực, cậu học trò khuyết tật càng cố gắng học hành ngày một giỏi hơn. Không chỉ là một học trò giỏi toán nhất nhì lớp, Hùng Anh còn kèm cặp, giúp đỡ bạn bè trong lớp về bài vở.

“Con trai được thầy cô khen thì tôi cũng mừng nhưng nghĩ nó bệnh tật thì làm sao học được bằng bạn bè. Tôi mừng vì con trai đã cố gắng vươn lên và học khá tốt. Khi nghe con nhắc đến chuyện thi đại học, vợ chồng tôi vừa vui lại vừa lo” - bà Hương tâm sự.

Quyết tâm vào đại học bằng thực lực, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Hùng Anh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường với 21,95 điểm, được đặc cách vào ngành công nghệ thông tin.

Dù chỉ gõ phím bằng một ngón tay, bài vở không chép kịp như bạn bè nhưng Hùng Anh kiên trì học tập, không để tụt hậu kiến thức. Các thầy cô cũng thông cảm với những khó khăn mà em đang gặp phải nên đã tạo điều kiện giúp đỡ để ước mơ là một kỹ sư công nghệ thông tin của Hùng Anh ngày càng gần hơn.

Xét hoàn cảnh của Hùng Anh, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã quyết định miễn học phí toàn bộ khóa học. Nhà trường còn dành một căn phòng ký túc xá đặc biệt cho hai cha con ở và nhận cha Hùng Anh vào làm bảo vệ trông xe trong trường để có thêm thu nhập và hỗ trợ cho con trai học hành.

Cuối tháng 10 vừa qua, Trương Hùng Anh được chọn là nhân vật thứ 102 của chương trình Điều ước thứ 7 (do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện) phát sóng trên kênh VTV3. Chương trình đã làm xúc động và truyền cảm hứng, động lực cho biết bao hoàn cảnh khó khăn khác.

Hùng Anh còn được Trường ĐH Đà Nẵng và Tổ chức Trẻ em Việt Nam (Children of Vietnam) trao tặng một máy tính bảng Lenovo trị giá 5 triệu đồng và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng để tiếp sức cho cậu học trò khuyết tật hoàn thành ước nguyện của mình.

________________________________

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy con trai quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Tôi sẽ cố gắng làm việc để có thể chăm lo cho con được học đến nơi đến chốn. Thành quả hôm nay là nghị lực của con, sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô trong trường mà nó đã theo học. Cha con tôi rất xúc động khi thấy mình không đơn độc mà bên cạnh luôn có những tấm lòng vàng đã góp sức động viên.

Ông TRƯƠNG PHÚ MỘT, cha của Hùng Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Trường (Pháp luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN