Chàng tân sinh viên: Đứt gãy giấc mơ ĐH
Đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Nguyễn Quốc Việt, quê làng Ngọc Trì, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) được tuyển thẳng vào trường Đại học Dược Hà Nội. Thế nhưng em đang đứng trước nguy cơ không thể nhập học vì bố bị bệnh hiểm nghèo, gia đình lại rất khó khăn.
Bố nhập viện, con vẫn cố gắng đạt giải nhất học sinh giỏi
Việt là con thứ hai trong gia đình, anh trai là Nguyễn Văn Ngữ - đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội.
Việc học của hai anh em Việt và sinh hoạt cho cả gia đình sống nhờ vào 7 sào ruộng lúa và số tiền hơn 200.000 đồng/tháng, là tiền phụ cấp làm cán bộ y tế thôn của bố Việt.
Hiểu được tấm lòng của bố mẹ, Việt đã nỗ lực học tập. Trong suốt 12 năm học, Việt giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.
Năm học lớp 12 vừa qua, em đã đoạt giải ba học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học và giải nhì Quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay môn Hóa học. Theo quy chế, Việt đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Dược Hà Nội.
Chúng tôi đến thăm gia đình Việt vào thời điểm nhiều bạn cùng trang lứa đang hân hoan tổ chức liên hoan chuẩn bị nhập học đại học còn, Việt thì không.
Trong ngôi nhà cấp 4, Việt và mẹ là Ngô Thị Liên (39 tuổi) ngồi xoa bóp cho bố đang ốm nằm trên giường là ông Nguyễn Văn Ngạn (49 tuổi). Bố Việt gầy ruộc, nằm bất động, nhưng vẫn còn tỉnh táo.
Việt và mẹ chăm sóc bố. Ảnh: Hoàng Lam.
Ông nội Việt đã gần 80 tuổi vội chạy vào căn bếp trống huơ lấy ấm nước đã đun sôi mời khách.
Bà Liên mắt đỏ hoe kể: “Ông Ngạn khổ từ nhỏ. Hơn 25 năm làm cán bộ y tế thôn, những năm gần đây mới có phụ cấp vài chục nghìn một tháng, cuối năm 2011 mới được hơn 200.000 đồng một tháng. Dù khó khăn nhưng ông ấy vẫn hết mình với công việc, với xóm giềng; cần mẫn lao động để nuôi các con, chăm bố mình”.
Bà Liên im lặng, như cố gắng giữ sự bình tĩnh trước mặt con trai bà nói tiếp: “Khi kêu đau đi khám bệnh viện trong tỉnh, tôi chỉ nghi là vôi hóa cột sống và các bệnh thông thường. Nhưng đưa đi khám ở Bệnh viện 103 - Hà Nội thì được biết bị bệnh ung thư xương ở giai đoạn gần cuối. Trong vòng gần 4 tháng ở Bệnh viện K điều trị một lần hóa trị và 2 lần xạ trị, thì ông ấy kiệt sức, rồi gia đình đưa về nhà cho đến bây giờ”.
Thi đại học để... có tiền nhập học
Việt kể: “Hồi cuối năm 2011, để tham gia kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, em phải rời xa nhà, tham gia ôn luyện 3 tháng trên tỉnh. Dù cách xa nhà hàng chục km, nhưng bố em vẫn thỉnh thoảng đi xe máy đến thăm em. Lúc này, chỉ thấy bố thỉnh thoảng kêu đau lưng, đau chân. Em tham gia hai kỳ thi Quốc gia xong thì bố nhập viện”.
Nhận được hung tin chồng bị bệnh hiểm nghèo, bà Liên cố bình tĩnh, vay mượn tiền ngân hàng, vay mượn tiền người thân quen để lo chi phí đưa chồng đi điều trị bệnh.
Mẹ phải chăm bố, anh trai đang học, ở nhà hai ông cháu Việt tự lo cho nhau. Việt tiếp tục tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2011-2012 và đoạt giải nhất môn Hóa học, thi tốt nghiệp THPT và làm hồ sơ để thi đại học.
Việt nói: Biết mẹ phải vay mượn tiền nhiều để điều trị bệnh cho bố, và hỗ trợ anh trai đang học đại học. Em đã nghĩ, việc đỗ thủ khoa một trường đại học sẽ nhận được những khoản hỗ trợ từ các quỹ khuyến học, động viên của các cấp, ngành trong tỉnh, thế nên, em dự định dự thi đại học để mong muốn có những khoản hỗ trợ này để nhập học trường Đại học Dược Hà Nội.
Nhưng rồi, tình trạng bệnh của bố nặng hơn. Chi phí đi thi đại học của em cũng khó khăn, mà bố thì liên tục cần có người xoa bóp để bớt đau. Vì vậy, em đã bỏ kỳ thi đại học, ở nhà cùng mẹ và người thân chăm sóc bố.
Trong khoảng thời gian chúng tôi trò chuyện với Việt và mẹ, thỉnh thoảng, lại có hàng xóm chạy qua chạy lại thăm nom ông Ngạn.
Ông Ngọ Văn Tý (hàng xóm) nói: Cháu Việt tập trung tham gia nhiều kỳ thi, lại lo lắng cho việc gia đình, vừa qua, cháu liên tục bị sốt, ốm, bà Liên đã nhờ tôi đưa cháu đi khám bệnh thì phát hiện cháu bị viêm phổi, viêm amidan. Cứ như thế này rồi không biết con đường học tập sắp tới của cháu sẽ ra sao.
Cảm thương hoàn cảnh ông Ngạn và khâm phục nghị lực của Việt, hàng xóm, người thân đã đến động viên. Thế nhưng nghĩ đến việc cho Việt nhập học, bà Liên đau đáu nhìn xa vời chưa biết phải tính sao.
Bà bùi ngùi nói: “Nếu bố Việt không thể qua khỏi, tôi muốn về Hà Nội đi làm thuê để có tiền nuôi 2 con ăn học và trả nợ. Nhưng, làm sao tôi có thể để ông nội Việt ở nhà một mình được”.