Chăm lo hơn cho trẻ mầm non
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đang xây dựng đề án về các giải pháp và đề xuất chăm lo cho trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo và sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực UBND TP trong tháng 2-2014.
Phóng viên: Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) có nêu quan điểm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành… Thưa ông, ngành giáo dục TP HCM sẽ làm gì trong năm 2014 để có sự đổi mới mạnh mẽ ?
- Ông Lê Hồng Sơn: Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM:
Ngành GD-ĐT TP đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và mang tính chiến lược với các định hướng cụ thể: Xây dựng TP HCM thành một trung tâm lớn về GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập; hoàn thiện cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu có 300 phòng học trên tổng số 10.000 người dân trong độ tuổi đi học; chú trọng các vấn đề chính sách xã hội trong giáo dục, bảo đảm không để trẻ em nào trong độ tuổi đi học không được đến trường; nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
Cụ thể trong năm 2014, ngành GD-ĐT TP tập trung xây dựng và trình UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện: Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 29; đề án Đào tạo, bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi TP HCM đến năm 2020; đề án phân luồng HS sau trung học; đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế học đường. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án: Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp; phổ cập bậc trung học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Học sinh Trường Mầm non Vườn Hồng, quận 8, TP HCM trong giờ học. Ảnh: Tấn Thạnh
Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu thay cho việc dạy học nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho HS học tập, nghiên cứu..; có các chính sách ưu đãi và chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích nhà giáo, đồng thời thu hút những người có năng lực và trình độ cao, có tài năng vào đội ngũ nhà giáo TP.
Ngoài ra, ngành sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện chỉ thị của UBND TP về chấn chỉnh và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ mầm non ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM.
Nghị quyết 29 cũng nêu rõ mục tiêu đối với giáo dục mầm non là giúp trẻ hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Theo ông, hiện bậc mầm non tại TP HCM còn có những khó khăn nào cần khắc phục?
- TP HCM hiện có 870 trường mầm non (419 công lập và 451 ngoài công lập) với 309.279 HS, mạng lưới các trường mầm non trên địa bàn được mở rộng, đa dạng về loại hình, bảo đảm phục vụ nhu cầu gửi trẻ của người dân. Hiện 24/24 quận, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2012.
Tuy nhiên, ngành mầm non vẫn còn một số khó khăn: Mặc dù được lãnh đạo quan tâm, mỗi năm xây dựng thêm cho ngành học mầm non xấp xỉ 300 phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân TP, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi. Thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức nên việc thu hút vào làm việc ở ngành mầm non chưa cao, dẫn đến lực lượng giáo viên mầm non của TP chưa đạt số lượng theo quy định.
Thực hiện thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non và chỉ thị của Chủ tịch UBND TP về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ mầm non ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM, Sở GD-ĐT đang xây dựng đề án về các giải pháp và đề xuất chăm lo cho trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo và sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực UBND TP trong tháng 2-2014.
Hiện việc phân luồng học sinh sau lớp 9 tại TP HCM vẫn được đánh giá là “bế tắc”. Ý kiến của ông về nhận định trên?
- Trong thời gian qua, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh như hằng năm đều tổ chức ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp”, phân công địa bàn cho các trường chuyên nghiệp, qua đó có sự kết hợp giữa trường chuyên nghiệp với trường phổ thông trên địa bàn, các trường phổ thông đưa học sinh đến trường chuyên nghiệp để tham quan tìm hiểu ngành nghề đào tạo, tạo nên sự hứng thú đối với giáo dục nghề nghiệp; sở cũng triển khai dự án hướng nghiệp cho HS phổ thông mà khởi đầu là việc công bố cổng thông tin điện tử hướng nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế công tác phân luồng vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của xã hội có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc; công tác tuyên truyền chưa liên tục, công tác hướng nghiệp hiệu quả còn thấp; cơ chế chính sách về phân luồng chưa đầy đủ; giáo dục nghề nghiệp kém thu hút HS vào học do cơ sở vật chất, chương trình đào tạo…
Hiện Sở GD-ĐT đang xây dựng đề án Phân luồng học sinh sau trung học, sẽ trình UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện trong năm 2014.
Ngành GD-ĐT TP sẽ làm gì để cải thiện đời sống giáo viên trong thời gian tới, thưa ông?
- Sở đang xây dựng và trình UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong các nội dung của kế hoạch sẽ có phần chế độ chính sách cho giáo viên.
Huy Lân thực hiện