Chấm dứt dạy toán chỉ để thi!
Đổi mới toán học để đổi mới tư duy thực tế, đưa khái niệm toán học thoát ra khỏi lối mòn tư duy cũ. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ loại bỏ toán khó vốn không được ứng dụng trong thực tiễn
Đó là nội dung được các chuyên gia chia sẻ trong ngày hội toán học diễn ra hôm 24-11, tại TP HCM, do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Hội Toán học TP HCM, Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức.
Dạy toán xa thực tiễn, phản giáo dục
Theo GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, điểm yếu rất lớn của học sinh Việt Nam hiện nay là khả năng sáng tạo không được phát huy. Lối dạy, lối học, lối thi cử hiện nay đào tạo ra con người có tư duy khuôn mẫu chứ không thể đào tạo ra được sự sáng tạo, khơi nguồn sáng tạo trong mỗi học sinh. Nhưng điều đó là sự cản trở rất lớn để đất nước đi lên, gia nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay tinh thần khởi nghiệp.
Học sinh có thể tư duy sáng tạo hơn trong phương pháp dạy toán mới
Hằng năm, Việt Nam có rất nhiều học sinh tham gia các giải học sinh giỏi quốc tế, trong đó nhiều nhất là kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế (IMO), nhiều phụ huynh, giáo viên nhầm lẫn về sức sáng tạo của học sinh thông qua các cuộc thi đó. Những cuộc thi "hoang đường" để lại hậu quả lâu dài, chúng ta đánh giá thành tựu giáo dục phổ thông, đánh giá sức mạnh của nền toán học đất nước thông qua những giải thi quốc tế là sai lầm.
Ông Thái cho biết khơi nguồn sáng tạo của người học không phải đẩy học sinh học những bài để đi thi học sinh giỏi toán. Nguyên tắc cao nhất của giáo dục là nguyên tắc cá thể hóa người học, việc một nền giáo dục có rất nhiều đối tượng có năng khiếu về toán học làm trụ cột cho sự phát triển toán học, khoa học kỹ thuật về sau là hết sức bình thường. Nhưng không thể đem đối tượng đó làm kim chỉ nam hay ngọn hải đăng để hướng toàn bộ giáo viên toán của chúng ta đào tạo ra những đối tượng xuất sắc về mặt toán học. Chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng trong chương trình đào tạo, phải bắt đầu từ mục tiêu của nền giáo dục, trong một triệu học sinh chỉ có một học sinh sẽ trở thành thiên tài toán học chứ không phải tất cả.
"Chúng ta đang nhồi nhét vào đầu học trò những đề thi khó, lắt léo để khi đi thi sẽ đạt điểm cao. Cách học hiện nay không phải để đi vào cuộc sống, chỉ để đi thi thì sẽ không dùng được. Cách dạy khô cứng, hàn lâm, không đưa được giáo dục nhân cách, giáo dục nhân văn vào bài toán, nền giáo dục không mang đậm màu sắc nhân văn, dạy chữ nhiều quá, như vậy không phải giáo dục, đôi khi còn phản giáo dục. Cách dạy hiện nay quá xa rời thực tiễn" - GS Đỗ Đức Thái khẳng định.
Học toán để thông minh, kiếm tiền
Trong chương trình toán học phổ thông mới sẽ yêu cầu người học đạt được 5 năng lực chính nhưng theo GS Đỗ Đức Thái, thực chất chỉ có 2 năng lực cụ thể. Học toán để thông minh hơn: có thể tư duy lô-gic, lập luận hợp lý, lý lẽ chắc chắn, biết giải thích hoặc điều chỉnh giải pháp về phương diện toán học. Và học toán để kiếm tiền, nuôi gia đình, nuôi bản thân, đóng góp cho xã hội, tức là giải quyết được vấn đề thực tại chứ không phải giải quyết thi cử.
Xây dựng chương trình toán học phổ thông mới dựa trên quan điểm tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo. Chắt lọc những kiến thức, giảm tải, chỉ học những kiến thức cần thiết cho con người, học xong phải áp dụng được vào thực tế, đi vào cuộc sống, giải quyết vấn đề. Chương trình mới sẽ áp dụng cách giáo dục chung của giáo dục toàn thế giới, sau khi học xong học sinh có thể đi du học ngay và tham gia vào nguồn lực quốc tế. Bài toán thực tiễn sẽ không ở dạng toán học nên học sinh phải chuyển đổi được từ bài toán học trên lý thuyết thành bài toán thực tế, như vậy doanh nghiệp mới có thể dùng được.
Toán tiểu học sẽ được thay đổi với 4 mạch kiến thức cốt lõi gồm số học, đại lượng và đo đại lượng, các yếu tố hình học, giải toán. Mạch giải toán tích hợp vào các mạch kiến thức còn lại thông qua hoạt động thực hành giải quyết vấn đề. Giảm độ khó của kỹ thuật tính viết, rèn luyện kỹ năng tính nhẩm, tăng cường thực hành. Ngoài ra, sẽ loại bỏ nội dung số phức, một số nội dung thuộc phương trình lượng giác ở toán lớp 12. Và chương trình cũng sẽ giảm tải một số kiến thức không cần thiết như tam giác đồng dạng, nội tiếp đường tròn, tìm các góc...
Riêng các em lớp 2 sẽ được học những khái niệm cơ bản của xác suất và thống kê, những khái niệm thực tế chứ không phải là những con số tính toán chi tiết như ở lớp 11, không phải "lôi" chương trình của lớp 11 xuống dạy lớp 2. Các em sẽ được học liền mạch xác suất thống kê qua các lớp, không cục bộ ở một số lớp nào như chương trình hiện hành. Xác suất thống kê lớp 11 là toán suy biện, còn của lớp 2 là toán thực nghiệm nên độ khó sẽ không cao. Các em sẽ học bằng những mệnh đề mang tính chắc chắn và không chắc chắn như: Hôm nay trời mưa, em ra đường sẽ bị ướt 100% hoặc 100% bị ướt, đấy là học toán từ tình huống cụ thể để áp dụng vào thực tế.
TS Phạm Sỹ Nam - giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, thành viên Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán - cho rằng xác suất và thống kê đó chỉ là tên của một mạch kiến thức, nhiều người lầm tưởng về độ khó của nó vì hiện tại chỉ được dạy ở lớp 11. Vì nó là mạch kiến thức nên phải có tiến trình để đạt được hiệu quả, xác suất gắn liền với cuộc sống hằng ngày nhưng chỉ mới được dạy ở lớp 11, thống kê thì dạy rải rác ở một số lớp tiểu học, lớp 7 và lớp 10, như vậy mạch kiến thức sẽ bị đứt quãng, ảnh hưởng đến khả năng lĩnh hội kiến thức của người học.
Lo nhất là học trò... sợ toán!
PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng với cách dạy, học toán hiện nay, đáng sợ nhất là học trò không còn muốn học toán nữa. Quan niệm nước ngoài học toán dễ hơn Việt Nam là sai hoàn toàn bởi học toán ở Việt Nam là học những cái khó, khó học, khó dùng, không áp dụng thực tiễn, toàn dạy những kiến thức trên mây; nước ngoài học những cái khó nhưng áp dụng vào thực tiễn.
Mặc dù thiên tài này có chỉ số IQ rất cao, năng lực làm việc và học tập siêu phàm nhưng ngược lại chỉ số EQ khá thấp...
Nguồn: [Link nguồn]