Cha mẹ thường làm điều này có thể vùi dập tương lai con cái
Việc con cái nghe lời cha mẹ tuyệt đối hay cha mẹ kiểm soát quá mức sẽ dẫn tới những bi kịch đáng buồn trong cuộc đời.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất ở 2 thế hệ đó là những điều cha mẹ coi là đương nhiên và con cái cảm thấy cha mẹ không hiểu mình. Chẳng hạn như khi trở thành cha mẹ, mọi người có xu hướng cho mình luôn đúng và có quyền kiểm soát con cái.
Quá nghe lời cha mẹ là biểu hiện sự vô trách nhiệm với bản thân
Cha mẹ can thiệp quá nhiều, hiện tượng này tồn tại ở nhiều gia đình, đặc biệt là trong văn hóa phương Đông. Trong quan niệm giáo dục truyền thống lâu đời, việc con cái nghe lời cha mẹ là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu cha mẹ là người thiếu hiểu biết, không có năng lực nhưng vẫn luôn muốn con cái phải nghe lời mình tuyệt đối. Trong trường hợp này, liệu rằng cha mẹ có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn con cái?
3 trường hợp điển hình dưới đây cho thấy cha mẹ thường quyết định thay con cái nhất, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng dám đưa ra ý kiến của bản thân:
- Chọn ngành thi đại học
Ở nhiều gia đình, cha mẹ là người quyết định con cái nên học ngành gì khi thi đại học, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp xếp của phụ huynh. Con cái thường có xu hướng không biết mình phải chọn ngành nào hoặc không dám tranh cãi với cha mẹ về ngành mình yêu thích.
Nếu sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, con cái có xu hướng cho rằng ít ra mình đã hoàn thành đúng như kỳ vọng của cha mẹ. Biểu hiện này cho thấy con cái đang trốn tránh trách nhiệm cho tương lai của chính mình.
- Muốn nhảy việc
Sau khi ra trường, áp lực tìm được việc làm rất lớn nên không phải ai cũng may mắn tìm được một một công việc ưng ý. Khi đã có một chút thâm niên trong nghề, tạm được coi là đã có công việc ổn định, con cái muốn nhảy việc để tìm một việc làm mới mẻ hơn. Thế nhưng vào lúc này, cha mẹ sợ con mình không có cơ hội, không thể tìm được việc mới trong khi đã ổn định bao năm nay.
Kết quả là khi nhìn thấy đồng nghiệp cũ lần lượt nhảy việc, tìm được một công ty mới với đãi ngộ tốt hơn, họ cảm thấy chán nản cho cuộc đời mình mà không biết nên đi hay ở lại.
Liệu rằng cha mẹ có thực sự là người hiểu được công việc của con mình, có cung cấp đầy đủ thông tin về sự lựa chọn lúc này của con cái hay không?
- Chọn bạn đời
Khi cãi nhau với bạn đời, con cái về nhà than thở với cha mẹ thì nhận được lời khuyên rằng: “Con hãy ly hôn đi, cha mẹ sẽ tìm cho con một người tốt hơn”. Kết quả là ly hôn được nhiều năm nhưng cha mẹ chẳng thể tìm được một người nào cả. Cuối cùng ai mới là người đau khổ, phải chăng nghe lời khuyên của cha mẹ là điều tốt cho con cái?
Nghe lời cha mẹ một cách mù quáng không phải biểu hiện của sự hiếu thảo
Qua 3 trường hợp trên có thể thấy được rằng, thi trượt đại học, chọn sai công việc, thất bại trong hôn nhân, nhiều người trẻ cay đắng nhận ra chính cha mẹ thiếu hiểu biết, can thiệp quá mức đã gây ra bi kịch cho cuộc đời mình.
Mặt khác, khi con cái lớn tới một độ tuổi nhất định, được ăn học đàng hoàng nhưng vẫn như một “em bé không chịu lớn”, mọi chuyện đều nằm trong sự tham gia và kiểm soát của cha mẹ, bi kịch cuộc đời của họ ở một mức nào đó có thể gọi là tự chuốc lấy.
Khi con cái trưởng thành, họ cần học cách suy nghĩ độc lập, tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Thật sự là vô trách nhiệm nếu chọn vâng lời cha mẹ quá mức để rồi chán nản hoặc đổ lỗi cho cha mẹ đã can thiệp sau khi phạm sai lầm.
Con cái vâng lời cha mẹ một cách mù quáng không phải là lòng hiếu thảo.
Ví dụ, cha mẹ chưa từng học đại học, chưa tìm hiểu chính xác thông tin về ngành học của con mình, nhưng đứa con vẫn ngoan ngoãn và răm rắp nghe theo quyết định của cha mẹ. Dù biết rằng cha mẹ mình chẳng biết gì hết nhưng vẫn nghe theo, đây không phải rõ ràng là đang tự đào hố cho mình sao?
Mù quáng không học ngành mình thích, dẫn đến không tìm được việc làm phù hợp, sau đó đổ thừa mọi thứ lên cha mẹ, đó là biểu hiện của sự vô trách nhiệm.
Tóm lại, cha mẹ quá kiểm soát thực chất là một kiểu lo lắng, không muốn con mình phải chịu khổ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ can thiệp vào mọi thứ trong cuộc sống của con mình, con cái lại không dám lên tiếng, lỗi này thuộc về cả 2 phía.
Trẻ em trốn tránh trách nhiệm của mình thông qua sự vâng lời quá mức, chúng khó có được tương lai tốt đẹp.
Tỷ phú Savji Dholakia chia sẻ, gia tộc Dholakia đã duy trì truyền thống “đẩy con ra đường trải nghiệm“ suốt 17 năm qua. Họ phải rời cuộc sống sang chảnh để thử đối mặt với...
Nguồn: [Link nguồn]