Cha mẹ thực hiện 6 điều này, con sẽ tự giác làm mọi thứ
Nếu cha mẹ làm những điều này, trẻ sẽ có cơ hội để tự lập và phát triển tốt hơn.
1. Lười làm để con có không gian phát triển
Cha mẹ nên dạy con như thế nào để chúng tự lập? Câu trả lời rất đơn giản, đó là thể hiện bản thân yếu đuối.
Có lần, người mẹ không muốn dọn dẹp nên nằm dài trên ghế sofa, nũng nịu nói với cậu con trai nhỏ đang chơi robot:
“Mẹ đang mệt nên rất muốn ngủ một chút nhưng quần áo còn chưa thu dọn, đồ giặt xong cũng chưa kịp phơi”.
Những đứa con nghe xong liền chủ động đảm nhận việc nhà, gấp quần áo gọn gàng.
Người mẹ nói: “Con trai tôi bắt đầu học dọn dẹp đơn giản từ lúc 3 tuổi, bây giờ cháu đã được 5 tuổi. Tuy bình thường cháu chưa có ý thức lắm nhưng thu dọn rất gọn gàng, cháu là một cậu bé ấm áp”.
Thực tế, không có đứa trẻ nào sinh ra đã có ý thức giúp đỡ người khác, sự khác biệt nằm ở cách dạy dỗ của người mẹ.
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, khả năng của trẻ tỷ lệ thuận với sự thiếu quan tâm của cha mẹ. Nếu cha mẹ không thể hoàn thành 20% nhiệm vụ cho con, trẻ sẽ có 20% khả năng làm.
Việc thể hiện sự yếu đuối trước con cái thực sự mang lại cho chúng cơ hội để chủ động.
2. Phóng đại những lợi thế, khơi dậy tiềm năng của trẻ
Nhà tâm lý học William James từng nói: “Nhu cầu sâu xa nhất của con người là cảm thấy được trân trọng”. Điều này đặc biệt đúng với trẻ em.
Cô con gái thứ hai của người mẹ này từng thi trượt. Người mẹ cố tình trốn vào nhà vệ sinh, tỏ vẻ buồn rầu để đánh lừa con mình. Cô nói rằng, mình vừa mới trao đổi với thầy giáo: “Thầy bảo kết quả này không phản ánh trình độ thực sự của con. Thầy còn bảo có thể con chỉ sử dụng 50% sức mạnh của mình trong lớp, 50% còn lại dành để thực hiện những thứ khác”.
Sau đó, người mẹ còn dẫn chứng cô bé có thể học chơi cờ trong 1 ngày, chơi piano rất hay và nhắn nhủ tới con mình rằng “con có thể làm tốt bất cứ điều gì miễn là con thực hiện nó một cách nghiêm túc”.
Con gái cô phấn khích đến mức ngay lập tức bắt tay vào làm bài tập về nhà một cách nghiêm túc. Không lâu sau, cô bé được cô giáo khen ngợi.
Phóng đại những điểm mạnh của trẻ là gợi ý tâm lý tích cực, sẽ sưởi ấm trái tim trẻ, kích thích nội lực, giúp trẻ tin tưởng vào bản thân và phát huy tiềm năng của mình.
3. Học như chơi, giáo dục mọi thứ một cách âm thầm
Nếu một đứa trẻ không thích đến lớp, không muốn làm bài tập về nhà, dù cha mẹ có thúc giục hay kỷ luật đến đâu cũng vô ích.
Trẻ càng ít cảm nhận được ý định của nhà giáo dục, hiệu quả giáo dục sẽ càng cao.
Để đạt được mục tiêu này, người mẹ này đã thiết kế nhiều trò chơi dành cho 3 đứa con của mình như thử thách kiến thức tổng quát, trả lời câu hỏi, giới hạn thời gian mua sắm, tổng kết cuộc thi thơ cổ, v.v.
Mỗi trò chơi này không chỉ để chơi mà còn kiểm tra khả năng học tập của trẻ.
Ví dụ, cô sẽ kiểm tra những gì con mình đã học trong ngày, chỉ khi trả lời đúng mới được nhận quà và tiến lên cấp độ tiếp theo.
Vì cách học vui nhộn và thú vị nên 3 đứa trẻ thích thú với các trò chơi, đồng thời chăm chỉ học hỏi kiến thức để giành chiến thắng trong các trò chơi tiếp theo.
4. Gắn thói quen với sở thích để trở thành hành vi tốt
Nhiều trẻ em có một vấn đề chung là đi học rất hay làm mất dụng cụ học tập. Mất bút chì, mất tẩy, quên sách, không tìm được vở bài tập về nhà, những tình huống này hầu như xảy ra hằng ngày.
Điều tương tự cũng xảy ra với 3 đứa con của người mẹ này, đặc biệt là cô con gái thứ 2 từng làm mất 6 cây bút chì trong ngày.
Để tránh lãng phí, người mẹ đã nghĩ ra cách: đổi đồ cũ lấy đồ mới. Sau khi làm hết vở bài tập, bút chì và tẩy mòn gần hết, có thể đổi nó lấy thứ mới. Nếu làm mất, phải tốn tiền mua lại của mẹ.
Kết quả đến ngay lập tức, cả 3 đứa trẻ bắt đầu học cách trân trọng và giữ gìn dụng cụ học tập của mình hơn.
Khi dọn dẹp phòng, người mẹ cũng làm điều tương tự. Mỗi lần sau khi đưa tiền tiêu vặt, người mẹ bắt đầu kiểm tra phòng của 3 đứa trẻ, chỗ nào bừa bộn sẽ bị trừ phí.
Thời gian đầu, các con tự dọn dẹp, giữ gìn đồ đạc vì thấy tiếc tiền tiêu vặt nhưng thời gian trôi qua, trẻ dần dần hình thành thói quen tốt.
Nói cách khác, áp lực bên ngoài đã vô thức chuyển hóa thành khuôn mẫu hành vi bên trong của trẻ.
5. Học từ thực tế là người thầy tốt nhất
Cha mẹ thông minh không bao giờ lý luận với con cái mà chỉ dạy chúng những bài học.
Các con của người mẹ này thỉnh thoảng phàn nàn rằng “thà làm ruộng còn hơn đi học”. Không nói một lời, người mẹ đưa 3 đứa con đi thẳng ra đồng làm việc.
Ngày nắng nóng nhưng 3 đứa trẻ phải nhổ cỏ, xúc đất, dọn dẹp, san lấp mặt bằng... Một lúc sau, cậu con trai út kêu mệt, bàn tay của cô con gái lớn đỏ bừng, cô con gái thứ còn hét lên muốn về nhà học bài.
Người mẹ hỏi con: “Về nhà mẹ sẽ bảo con làm bài kiểm tra, con làm được không?”
“Dạ được!”, cô con gái thứ hai trả lời ngắn gọn.
Đối với trẻ em, việc nói 100 sự thật không hiệu quả bằng một bài học thực tế.
Chỉ bằng cách cho phép trẻ em gánh chịu hậu quả, chúng mới có thể rút ra bài học cho mình.
6. Giả vờ ngu ngốc, khơi dậy niềm say mê học tập của trẻ
Nhắc đến việc dạy kèm bài tập về nhà, người mẹ nào cũng từng có một quá khứ đầy nước mắt.
Cô con gái thứ 2 của người mẹ này học kém và thường xuyên phải học kèm. Có lần cô bé không hiểu một bài toán góc nhọn, người cha chuyển từ nói sang la mắng nhưng cô bé vẫn không hiểu.
Người mẹ không còn cách nào khác đành phải xông ra cứu con, nhưng thay vì dạy con gái phải làm gì, cô lại giả vờ rằng: “Không phải việc cộng 2 cạnh cũng giống như cộng 2 góc sao? Không ngờ mẹ cũng quên hết những gì mình học lúc nhỏ. Bây giờ mẹ phải làm sao đây”.
Sau đó người mẹ cùng con gái từng bước tìm cách giải bài toán, cùng nhau thảo luận. Người mẹ còn khen ngợi con: “Nhìn này, mẹ đã học được điều này từ con đấy”.
Thỉnh thoảng người mẹ thường giả vờ ngốc nghếch hỏi ý kiến con gái, nhờ con giảng bài. Nguyên tắc này xuất phát từ phương pháp học tập Feynman nổi tiếng.
Để một đứa trẻ trở nên xuất sắc, vượt trội so với bạn bè, không thể tách rời sự giáo dục đúng đắn của cha mẹ.
Nguồn: [Link nguồn]