Cha mẹ muốn con lớn lên với tấm lòng nhân hậu, hãy để con hiểu được những điều này từ khi còn nhỏ
Những đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu là những đứa trẻ có cha mẹ đồng hành và nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ khi còn nhỏ.
Những đứa trẻ được cha mẹ giáo dục ngay từ khi còn nhỏ sẽ có trái tim tràn đầy sức mạnh, sự tự tin, tích cực, bình tĩnh đối mặt với thất bại, khó khăn và có tấm lòng vô cùng nhân hậu.
1. Hãy để con biết chúng luôn được yêu thương
Hãy yêu thương con từ tận đáy lòng và cho chúng biết rằng tình yêu của cha mẹ là vô bờ bến và không có điều kiện. Dù con ban có mắc lỗi, điểm thấp thì tình yêu thương bố mẹ dành cho con vẫn không thay đổi.
Tình yêu của cha mẹ là vô giá đối với con cái. Tình yêu thương còn là sức mạnh, khiến con dũng cảm hơn, tự tin hơn, có dũng khí hơn để cố gắng đối mặt với thất bại.
2. Tôn trọng con trẻ
Tôn trọng cảm xúc và sự lựa chọn của con, hiểu được nhu cầu, cảm xúc của con, đồng thời khuyến khích con suy nghĩ và làm việc độc lập là điều cha mẹ nên làm. Không hạ thấp sự cố gắng của con, chế giễu hay mắng mỏ con trẻ.
Tôn trọng con khiến chúng nhận ra rằng suy nghĩ và cảm xúc của mình có giá trị và ý nghĩa. Trải nghiệm này giúp xây dựng lòng tự trọng, có ý nghĩa lớn với cuộc sống, công việc sau này của con.
3. Giữ lời hứa
Cha mẹ giữ lời hứa với con khiến trẻ có cảm giác tin tưởng hơn. Nếu cha mẹ mang đến cho con cảm giác không đáng tin cậy thì trẻ sẽ hình thành tâm lý nghi ngờ, phòng thủ, bất an với thế giới. Từ đó, trẻ bắt đầu cư xử thận trọng, rụt rè.
Cha mẹ đặt ra các quy tắc và giữ lời hứa giúp trẻ xây dựng cảm giác chắc chắn về tương lai, tin tưởng cha mẹ, không sợ hãi trước những hành động của cha mẹ.
4. Hãy để trẻ hiểu rằng: Không cần theo đuổi sự hoàn hảo
Cha mẹ hãy dạy con biết cách chấp nhận bản thân, đối xử tốt với bản thân mình để chúng biết rằng mình không cần theo đuổi sự hoàn hảo. Những câu chuyện hoàn hảo trên TV, phim ảnh hay mạng xã hội chỉ là những câu chuyện phản ánh 1 phần của thực tế. Con người vốn không hoàn hảo, không có gì sai khi không hoàn hảo.
5. Cho phép con mắc sai lầm và thất bại
Hãy để trẻ tự mình trải nghiệm và thất bại trên hành trình trưởng thành của bản thân. Nếu cha mẹ làm mọi việc cho con, con sẽ bỏ lỡ cơ hội học cách tự quản lý cuộc sống của mình. Nếu trẻ đã quen với việc cha mẹ làm và kiểm soát mọi việc, thì một khi gặp phải áp lực hoặc sự thất vọng trong cuộc sống có thể khiến chúng khó kiểm soát được vấn đề.
Cha mẹ cần khuyến khích con cố gắng và việc phạm sai lầm không có gì là xấu. Hãy để trẻ mắc sai lầm và để trẻ hiểu rằng ai cũng mắc sai lầm. Điều quan trọng là trưởng thành từ những sai lầm ấy và không lặp lại chúng.
Giáo dục gia đình quyết định chất lượng cuộc sống, nhận thức và tính cách của con trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]