Cha mẹ luôn trách con mình không thích đọc sách, đó là vì họ chưa làm 7 điều này
Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của trẻ. Vì thế, từ khi còn nhỏ, họ tìm cách giúp con yêu thích việc đọc sách. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng đó, trẻ thường không có hứng thú với thói quen này.
Nguyên nhân trẻ không có thói quen đọc sách
Muốn rèn cho con cái thói quen đọc sách, trước tiên cha mẹ cần phải hiểu rõ tại sao con mình không hứng thú với việc này. Ảnh minh họa
Mua nhiều sách nhưng không giám sát việc đọc sách của con
Một số phụ huynh cho rằng, mua nhiều sách cho con có thể giúp chúng làm quen với sách vở và dần yêu thích việc đọc hơn. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em vốn dĩ rất ham chơi, khả năng tập trung còn hạn chế, rất khó để phát triển thói quen đọc sách một cách độc lập.
Không chọn sách theo sở thích của trẻ
Trong những ngày đầu rèn cho trẻ thói quen đọc sách, cha mẹ thiếu kinh nghiệm rất dễ bỏ qua tuổi tác, tính cách, sở thích của con cái mà chỉ dựa trên những gì mình cho là bổ ích.
Chẳng hạn như trẻ thích sách về khủng long nhưng cha mẹ lại cho rằng sách dạy làm người sẽ tốt hơn. Việc mua sách theo sở thích của cha mẹ sẽ làm thui chột lòng say mê với sách của trẻ, làm giảm hiệu quả của việc đọc sách mang lại.
Kỳ vọng trẻ hiểu hết những gì có trong sách
Sau khi đọc xong một quyển sách, một số cha mẹ sẽ đặt câu hỏi nhưng nếu trẻ không trả lời được hoặc trả lời sai, họ sẽ nói những câu nhận xét rất tiêu cực. Việc quá chú trọng tới tác dụng nhanh chóng của việc đọc sách khiến trẻ nhanh chán nản, từ đó chống lại mong muốn của cha mẹ.
Lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ
Đọc sách rất tốt cho trẻ em bởi khi sách là một phần của thói quen gia đình, kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em sẽ phát triển. Ảnh minh họa
Đọc sách có thể cải thiện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và kích thích kỹ năng giao tiếp
Đối với trẻ em, đọc sách là một quá trình tích lũy và tích lũy không ngừng. Đọc sách cũng giống như nắng mưa, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp trẻ trưởng thành, bồi dưỡng tính cách của bé từ trong ra ngoài và trở thành sức mạnh lớn nhất để trẻ làm hành trang bước vào đời.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ đọc sách tranh mỗi ngày có thể nắm vững từ vựng tốt hơn những đứa trẻ không đọc sách. Đọc sách không chỉ có thể cải thiện vốn từ vựng của trẻ, giúp trẻ đọc hiểu và viết tốt mà còn giúp trẻ hiểu nội hàm của ngôn ngữ.
Còn những đứa trẻ ghét đọc thì khả năng ngôn ngữ của chúng hầu như rất kém, và cũng sẽ ảnh hưởng đến giao tiếp vì diễn đạt hạn chế. Do đó, đọc sách có thể cải thiện khả năng diễn đạt ngôn ngữ và kích thích kỹ năng giao tiếp.
Đọc sách có thể mở rộng tầm nhìn và kiến thức của trẻ
Chỉ khi đọc nhiều sách, bạn mới có hiểu biết, đọc sách cho phép trẻ biết thêm về thế giới mà không cần đi ra ngoài. Đọc sách có thể giúp trẻ em nhận biết và hiểu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và phong tục địa phương trên khắp thế giới.
Đọc sách có thể nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ em và cải thiện khả năng viết của chúng
Thế giới trong sách rộng lớn và vô hạn, đầy trí tưởng tượng, hiếu kỳ và cơ hội. Bất luận là thế giới hiện thực có bao nhiêu tàn khốc, thì những đứa trẻ thích đọc vẫn sẽ nuôi cho mình một lý tưởng cao xa, mơ ước bay bổng và sự sáng tạo vô hạn.
Những câu chuyện kiến thức được tích lũy trong quá trình đọc, một lượng lớn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ đầy màu sắc sẽ trở thành chất liệu và tấm gương sáng tác cho trẻ.
Đọc sách có thể mở mang tư duy, giúp phát triển trí tuệ, nâng cao khả năng hiểu bài trong trường
Trẻ thích đọc có khả năng học tập và sáng tạo mạnh mẽ hơn, ngược lại trẻ đọc sách ít thường có những hạn chế nhất định trong học tập. Đọc sách giúp trẻ có thói quen chủ động tư duy về mọi vấn đề, khả năng ngôn ngữ phong phú của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu và giải quyết vấn đề một cách sâu sắc hơn.
Cho trẻ đọc sách có thể bồi dưỡng tư duy của trẻ thêm sâu rộng, logic và linh hoạt, đồng thời cải thiện khả năng học tập và giải quyết vấn đề của trẻ.
Đọc sách có thể trau dồi khả năng tư duy độc lập và khiến trẻ trở nên dũng cảm hơn
Bằng cách đọc các lập luận và cốt truyện phức tạp trong sách, trẻ em có thể phát triển khả năng tư duy phản biện, tư duy độc lập và thoát khỏi xiềng xích của tư duy thông thường. Loại can đảm để khám phá những kiến thức chưa biết này có thể khiến cuộc sống của trẻ em trở nên phi thường, và nhìn thấy những cảnh vật chưa từng thấy trước đây.
Đọc nhiều hơn có thể dạy trẻ không sợ những khuyết điểm của bản thân, dũng cảm và tự tin làm chính mình; dám thử khám phá những điều chưa biết và không sợ hãi trước những điều lớn lao; học cách tử tế với mọi người, và sử dụng trí tuệ để vượt qua những khó khăn lớn hơn.
Cha mẹ cần làm gì để bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ?
Đọc sách cũng có thể giúp cha mẹ dạy con những giá trị quan trọng, bài học cuộc sống và từ đó, trẻ nhỏ thêm hiểu về những khó khăn, thử thách có thể xảy ra trong cuộc sống thực. Ảnh minh họa
Bố mẹ đọc sách làm gương
Nếu như con bạn không bao giờ thấy cha mẹ đọc sách thì rất khó để bố mẹ có thể ép con phải đọc sách. Vì thế, nếu bạn muốn con đọc sách thì chính bạn phải làm hình mẫu cho con. Nếu trẻ thường xuyên nhìn thấy bố mẹ đọc sách, chúng sẽ có nhiều khả năng tự lấy sách ra đọc hơn.
Đọc cùng nhau trước khi đi ngủ
Mỗi buổi tối, bố mẹ có thể dành thời gian cùng đọc sách với con trước giờ ngủ của con. Đọc thành tiếng là việc làm rất tốt vì việc này giúp trẻ biến các từ ngữ trở nên sống động.
Khi đọc sách, kể truyện cho con nghe, bố mẹ cũng có thể cùng con nói về những câu chuyện đang xảy ra trong sách. Đặt những câu hỏi như: "Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?".
Ngoài việc bố mẹ đọc sách cho con nghe thì thi thoảng các bạn cũng có thể yêu cầu con nhỏ đọc sách cho bố mẹ nghe. Điều này sẽ là động lực khuyến khích thói quen đọc sách của trẻ nhỏ.
Hãy tạo ra một không gian đọc sách
Bạn nên tạo dựng trong nhà một tủ sách nhỏ, và có một giá sách riêng để các loại sách báo dành cho các bé để bé có thể dễ dàng tiếp cận. Hơn nữa, không gian dành để đọc sách cũng đóng một vai trò rất quan trọng, không gian ấy phải nằm gần kề với tủ sách, đảm bảo thoáng mát, được trang trí sinh động, cuốn hút và giúp các bé nuôi dưỡng lòng đam mê đối với sách.
Đọc sách có ích như vậy nhưng để có thể hướng dẫn, tạo cho con thói quen, sở thích đọc sách lại là điều không hề đơn giản. Ảnh minh họa
Giúp các bé tìm ra câu trả lời từ những quyển sách
Các bé yêu của chúng ta còn nhỏ nên chuyện gì bé cũng có thể thắc mắc và muốn được bố mẹ giải đáp, "mẹ ơi, vì sao thế này", "bố ơi, sao lại thế kia". Những lúc như thế, bạn hãy giúp bé tìm ra câu trả lời đồng thời phân tích cho bé hiểu chỉ có những quyển sách mới có thể giúp bé trả lời được tất cả những điều thắc mắc, khó hiểu.
Dần dần như thế bé yêu nhà bạn sẽ có niềm đam mê và hiếu kỳ với những quyển sách đấy. Chúng sẽ nghĩ cái gì bố mẹ cũng biết là do bố mẹ đọc sách hàng ngày.
Tìm hiểu sở thích đọc của con
Khi hướng dẫn con đọc sách, bố mẹ cũng nên cố gắng cập nhật, nắm bắt sở thích của con bằng cách tìm hiểu về những loại sách mà con đọc. Điều đó làm cho không khí đọc sách trở nên vui hơn, cha mẹ và con cái có nhiều thứ để trao đổi, trò chuyện trong khi đọc sách.
Tìm hiểu sở thích, thói quen của con trong việc đọc sách còn giúp cha mẹ hiểu thêm về tính cách của con mình.
Cho con đọc đa dạng các loại sách
Hãy để trẻ em biết rằng đọc sách là rất tốt cho dù chúng có hứng thú với chủ đề gì đi chăng nữa.
Đừng bắt ép con phải đọc những loại sách mà bạn cho rằng tốt, bổ ích, ý nghĩa. Con bạn có thể thích đọc tiểu thuyết, tiểu sử, tạp chí trẻ em, truyện tranh hoặc thậm chí đọc sách hướng dẫn dạy nấu ăn... Hãy khuyến khích con thay vì điều hướng sở thích đọc của con mình.
Giữ gìn sách cẩn thận là cách rèn luyện tình yêu với sách
Để dạy con thích đọc sách và giữ sách cẩn thận thì bạn cần phân tích cho bé hiểu sách là một người bạn tốt nên cần được nâng niu, giữ gìn thật cẩn thận, tránh không làm nhàu nát, không làm rách sách và phải để sách vào đúng vị trí sau khi đã đọc xong.
Và chính bạn cũng phải làm gương cho các bé, sau khi đọc truyện cho các bé nghe xong, bạn gấp sách lại cẩn thận, để lên giá sách đúng chỗ ban đầu và nói với bé "lần sau khi lấy sách con cũng phải để lại chỗ cũ như thế nhé", chắc chắn lần sau các bé sẽ nhớ và làm theo lời bạn ngay.
Cha mẹ cùng con xây dựng thói quen đọc sách không chỉ giúp con phát triển hơn về tư duy mà còn tạo thêm nhiều cơ hội giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Nguồn: [Link nguồn]