Cha mẹ ép buộc con cái học kiểu "thiên tài", trẻ bị ép "chín sớm" và mất hoàn toàn tuổi thơ
Nếu ép buộc, dạy trẻ theo kiểu phản khoa học, dù con cái có đạt được những thành tích xuất sắc thì chúng vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
Cha mẹ ép con cái “chín sớm”
Cen Mounuo (Sầm Mỗ Quốc) là một thần đồng âm nhạc. Mặc dù cô bé chỉ mới 14 tuổi nhưng đã có thể chơi được những bản nhạc rất khó. Mọi người không ngừng khen ngợi những giai điệu du dương mà cô bé thể hiện, thậm chí còn ví rằng trình độ như sánh ngang với các giáo viên lão luyện.
Tuy nhiên, Cen Mounuo không phải là một thần đồng bẩm sinh, mà là một thần đồng được cha cô bé tạo ra để thỏa mãn ham muốn của chính mình. Ở tuổi 14, Cen Mounuo đáng lẽ phải được học tập trong một môi trường bình thường, vô tư như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng cô bé lại được nuôi dưỡng thành một người của công chúng. Cha của cô bé không ngừng ép con gái mình luyện tập việc đánh đàn bất kể đêm ngày, thậm chí còn phải học thuộc lòng kỹ năng trả lời trước đám đông.
Cen Mounuo không phải là một thần đồng bẩm sinh, mà là một thần đồng được cha cô bé tạo ra để thỏa mãn ham muốn của chính mình.
Ngay từ khi còn nhỏ, Cen Mounuo hoàn toàn mất đi tuổi thơ của mình và được gắn cho các mác thần đồng âm nhạc.
Trí thông minh của trẻ là một món quà, nó không phải là một công cụ để cha mẹ đạt được ước muốn của bản thân mình.
Nhà triết học Jean – Jacques Rousseau từng nói: “Hãy để trẻ em sống đúng với cuộc sống của chúng theo quy luật của tạo hóa. Nếu chúng ta phá vỡ trật tự này, nó giống như tạo ra một quả chín sớm, không ngọt và nhanh chóng bị thối rữa”.
Cha mẹ biến con cái thành một “sản phẩm” theo ý mình
Là cha mẹ ai chẳng mong con cái mình giỏi giang, được người khác ngưỡng mộ. Thế nhưng, con cái không phải là một “sản phẩm” mang lại danh tiếng và lợi nhuận cho cha mẹ.
Trương Ngãi Gia, nữ đạo diễn nổi tiếng người Đài Loan
Nữ đạo diễn nổi tiếng người Đài Loan, Trương Ngãi Gia sau khi sinh con trai đầu lòng đã lên một kế hoạch chi tiết cho tương lai của con mình. Từ thực phẩm cho tới quần áo, nhà cửa, môi trường học, mọi thứ lớn nhỏ đều được quy chuẩn theo giới quý tộc.
Thế nhưng, chồng cô cảm thấy vợ mình không phải đang nuôi con mà thực chất “giống như lắp ráp một chiếc máy vi tính hàng đầu”. Đối mặt với những nghi ngờ của chồng, cô luôn khăng khăng làm theo ý kiến của riêng mình.
Cuối cùng, không uổng công mẹ mình đầu tư công sức lẫn tiền bạc, cậu bé Oscar trở thành một ngôi sao nhí nổi tiếng khi chỉ mới 6 tuổi. Nhưng sự nổi tiếng này không chỉ mang tới danh dự cho cả gia đình, mà còn kéo theo những mối nguy hiểm cho cậu bé.
Vào tháng 7 năm 2000, Oscar đã bị bắt cóc. May mắn thay, sau khi trả 20 triệu đô la Hồng Kông, cậu trẻ đã trở về an toàn. Sau sự cố này, Trương Ngãi Gia đã học cách buông tay. Cô hiểu rằng hạnh phúc của một đứa trẻ quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Sự thay đổi của mẹ khiến Oscar cảm thấy nhẹ nhõm. Cậu bé bắt đầu ăn bánh mì kẹp thịt, mời các bạn cùng lớp về nhà mình chơi, mặc áo phông và quần jean rẻ tiền. Tất cả những điều tưởng chừng như bình thường này mang lại cho cậu bé niềm hạnh phúc chưa từng có.
Sau đó, khi hai mẹ con đang đi du lịch ở Ai Cập, Oscar bất ngờ nói với cô: "Mẹ ơi, cảm ơn mẹ!"
Trương Ngãi Gia không thể không khóc:
“Tôi biến thằng bé thành học sinh giỏi nhất trường, nó không cảm ơn tôi.
Tôi biến thằng bé thành ngôi sao nhí nổi tiếng, nó không cảm ơn tôi.
Tôi gần như phá sản để trả tiền chuộc, nó không cảm ơn tôi.
Bây giờ, nó chịu nói cám ơn khi tôi cho nó sự tự do”.
Mọi người đều mong muốn được sống cuộc sống mà họ muốn và trẻ em cũng không ngoại lệ. Chỉ khi rằng cha mẹ nhận ra con cái không phải là một “sản phẩm” mà họ có thể nhào nặn theo ý muốn, con cái mới có thể cảm nhận được hạnh phúc là gì.
Cha mẹ sợ con cái bị bỏ lại phía sau, thua kém bạn bè
Không ít cha mẹ sợ rằng con cái mình thua kém bạn bè, nên họ ép chúng học liên tục những khóa học khác nhau.
Tiểu Ly (7 tuổi) là một cô bé rất thông minh, nhưng lại không có sức sống và sự nhanh nhẹn như những đứa trẻ cùng tuổi. Lý do được cho là mẹ của cô bé cho con gái mình học quá nhiều thứ như khiêu vũ, piano, đào tạo người mẫu, tiếng Anh… Việc học quá nhiều thứ này tốn kém, mà lại vắt kiệt thời gian nghỉ ngơi của Tiểu Ly.
Cô bé từng nói rằng, ngoại trừ việc học piano, mọi thứ khác đều là mẹ ép buộc và cô bé không có quyền nói “không”.
Việc lo lắng khiến cho cha mẹ mất đi ý thức. Họ muốn “ném tiền” để con mình được chiến thắng ngay ở vạch xuất phát, phớt lờ cảm xúc và khả năng chịu đựng của con cái. Nếu thực sự muốn tốt cho con cái, cha mẹ cần học cách chấp nhận nhịp sinh trưởng của con mình có thể sẽ khác với bạn bè, và ở từng giai đoạn khác nhau chúng sẽ có những nhu cầu tương ứng.
Nhà giáo dục Montessori từng nói: "Mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Cha mẹ càng can thiệp quá mức hay ép buộc, chỉ càng hủy hoại tương lai của con mình mà thôi”.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi yêu thương con cái một cách sai lầm, những gì cha mẹ nhận được chỉ là sự khổ đau mà thôi.