Cha mẹ đã phá hủy sự tự tin của con bằng những câu nói thường ngày tưởng như vô hại này
Những phương pháp giáo dục không phù hợp có thể khiến trẻ phát triển không lành mạnh và hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ trở thành người tự tin và bản lĩnh. Nhưng đôi lúc chính cha mẹ không nhận ra rằng cách hành xử của mình lại làm con mất tự tin. Dưới đây là những câu nói của cha mẹ dễ làm tổn thương khiến con cái mình dần trở nên mất tự tin, kém cỏi, thu mình:
1. "Nếu con không nghe lời, người xấu sẽ đến bắt con đi"
Đây là câu nhiều bậc phụ huynh nói để con vâng lời hơn. Thực tế, những cụm từ như "kẻ xấu đến bắt đi" hay tương tự khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và nhút nhát hơn.
Trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú. Khi nghe phải những câu nói này, trẻ có thể liên tưởng đến cảnh bị bắt đi. Lâu dần, lời đe dọa này có thể khiến trẻ đầy sợ hãi, sợ ở trong phòng một mình, bóng tối… Khi tiếp xúc với những điều hoặc học kỹ năng mới, trẻ có thể ngại thử vì sợ. Lời nói ấy thậm chí có thể khiến trẻ bị ám ảnh.
Một trong số những nguyên nhân quan trọng giúp trẻ thêm tự tin đó chính là phương pháp giáo dục của cha mẹ. Ảnh minh họa
2. "Việc này dễ thế mà cũng không làm được à"?
Một việc bố mẹ cho là quá đơn giản nhưng cũng khiến các con vật lộn hàng giờ. Khi ấy nhiều người thường nói: "Quá đơn giản, con có thể làm được mà". Dù biết câu nói này là nhằm mục đích khích lệ con nỗ lực hơn nhưng bạn có bao giờ nghĩ theo hướng ngược lại. Con bạn sẽ cho rằng: "Việc đơn giản thế này mà mình không làm được, thôi thì mặc kệ vậy". Suy nghĩ này sẽ dễ khiến con bạn chán nản và muốn bỏ cuộc.
Thay vào đó, hãy nói với con rằng: "Việc này khá khó đấy". Và khi bé hoàn thành công việc, bố mẹ hãy khích lệ rằng: "Con đã làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực". Dù chưa thể hình dung được vấn đề nhưng ít nhất trẻ biết rằng mình vừa làm được một việc khá khó. Cách tiếp cận này sẽ giúp khích lệ và làm con tự tin hơn.
3. "Con lại mắc sai lầm"
Việc con liên tục mắc sai lầm có thể khiến bố mẹ thất vọng. "Con lại mắc sai lầm" là câu cằn nhằn quen thuộc của phụ huynh nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Các bé sẽ hiểu rằng việc mắc sai lầm là chuyện đáng xấu hổ, đáng bị ghét bỏ. Từ đó, các em không dám thể hiện ý kiến hoặc hành động của mình vì sợ làm sai, bị trách phạt trong khi ngược lại sai lầm là cách giúp trẻ học hỏi và thành công.
Khi con mắc sai lầm, bố mẹ nên chỉ ra điểm sai, khuyến khích con thử lại hoặc cùng con thảo luận về biện pháp giải quyết. Nếu con lặp lại sai lầm, bạn có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn.
4. "Sao con làm lại hỏng vậy, để đấy cha/mẹ làm cho mà xem"
Con bạn cần phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Con sẽ cảm thấy hạnh phúc nhường nào khi nhìn thấy thành quả bản thân đạt được và trở nên tự tin hơn. Nhiều cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con bằng cách thay con làm mọi việc. Tuy nhiên, chính điều này khiến con bạn đánh mất cơ hội học được kỹ năng sống và khả năng làm việc độc lập. Sau tất cả lại khiến con sinh ra suy nghĩ: "Bản thân không có năng lực".
Thay vì ôm lấy tất cả công việc, hãy chia nhỏ chúng ra thành các phần việc phù hợp với sức của con. Khi trẻ được tham gia vào công việc chung của gia đình, chúng sẽ trở nên sống có trách nhiệm và tự tin vào bản thân.
So sánh luôn khiến trẻ tự ti về bản thân. Ảnh minh họa
5. "Sao không học hỏi con nhà người ta"
Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đôi khi, để thúc đẩy trẻ thay đổi khuyết điểm và trở nên tốt hơn, cha mẹ vô thức so sánh con mình với "con nhà người ta".
Ý định của phụ huynh là tốt, nhưng đồng thời có thể khơi dậy sự xấu hổ trong trẻ. Việc so sánh nhiều và đòn roi có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm với người khác và trở nên rụt rè. Tốt hơn hết, cha mẹ nên hạn chế so sánh con mình với con người khác.
6. "Con không làm gì nên hồn"
Phủ nhận khả năng đồng nghĩa với việc khuyến khích trẻ bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Những đứa trẻ bị cha mẹ nói như vậy thường suy nghĩ rằng "không việc gì phải cố gắng vì có cố cũng không thể làm nên trò trống gì". Cách tư duy này bào mòn sự tự tin của trẻ, biến các em thành người lười biếng, nhút nhát.
Khi trẻ thất bại, phụ huynh hãy khuyến khích con thử lại. Nếu các bé quá áp lực trước mục đích thành công, bạn đừng ép buộc con tiếp tục, hãy phân tán sự chú ý của con sang các hoạt động khác để trẻ thư giãn. Cuối cùng, hãy luôn nhắc trẻ nhớ rằng trẻ có tiềm năng vô hạn để vượt qua khó khăn, chỉ cần tin vào bản thân.
7. "Có mỗi việc học mà cũng không xong thì làm được gì"
Đâu phải cứ điểm kém thì sẽ "không làm được gì"? Con có thể không học giỏi các môn tự nhiên, nhưng ở trường, con luôn được mọi người "trầm trồ" khen ngợi giọng hát. Con có thể không xếp trong top 5 hay top 10 của lớp, nhưng con hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài kia, biết cách tổ chức một sự kiện nho nhỏ.
Nếu ba mẹ cứ mắng con bằng câu nói đó, con sẽ mãi cho rằng "học kém" thì chẳng làm được việc gì khác. Rồi con sẽ tiếp tục tự ti và cho rằng bản thân yếu kém. Con học với tâm trạng không thoải mái, và cũng chẳng thiết tham gia bất cứ hoạt động nào. Lúc ấy, con thực sự trở thành một người "không làm được trò trống gì".
Phủ nhận khả năng đồng nghĩa với việc khuyến khích trẻ bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Ảnh minh họa
8. "Sao nói mãi rồi mà không khôn lên được? Con có biết suy nghĩ không?"
Con biết, cha mẹ phải nhắc con rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại những việc mà con mãi vẫn chưa chịu thay đổi. Nhưng con nghĩ để hình thành một thói quen thì cần nhiều hơn là những lời mắng mỏ hay trách móc. Đó đâu phải câu chuyện cứ "khôn" là làm được, cứ "biết suy nghĩ" là sẽ xong.
Cha mẹ nói như vậy chỉ khiến con cảm thấy tức giận, cảm thấy không được tôn trọng, và không muốn tự mình thay đổi. Thêm bực dọc mà lại không giúp thay đổi hành vi, con thấy câu nói này không phù hợp.
Con đã lớn, con có những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Khi cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó, cha mẹ hãy gọi con ra, nói chuyện, phân tích cho con hiểu và cùng con tìm cách giải quyết. Những lời trách móc "vô thưởng vô phạt" chẳng khác nào những "cái tát" vô hình, chúng làm tổn thương con nhiều.
Có những thông điệp độc hại về tiền bạc do người lớn truyền cho trẻ mà không nhận ra đó là sai lầm nghiêm trọng.
Nguồn: [Link nguồn]