Cha mẹ chỉ cần nói 7 câu này khi trẻ mắc lỗi sẽ hiệu quả hơn cả đánh đập, mắng mỏ
Phương pháp giáo dục bằng đòn roi, mắng mỏ chưa bao giờ là mang lại hiệu quả tích cực. Trong khi những lời nói dịu dàng, dễ nghe lại có sức mạnh rất lớn khiến trẻ thay đổi tính cách.
Nhiều cha mẹ hay phàn nàn rằng, con của họ không biết nghe lời, luôn mắc lỗi, có nhiều tính xấu… Thực ra, những vấn đề này chưa hẳn đã là lỗi hoàn toàn ở đứa trẻ, mà có thể còn là do cha mẹ giao tiếp với con cái chưa phù hợp.
Người lớn thường sử dụng giọng điệu, lời nói mang tính ra lệnh và cưỡng chế vì cho rằng như thế mới tốt cho trẻ. Nhưng trên thực tế thì phản ứng nhận được lại trái ngược hoàn toàn.
Một nhà khoa học đã có những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực y tế. Khi phóng viên phỏng vấn, ông không ngại ngần tiết lộ những thành công của mình có liên quan đến cách giáo dục của người mẹ vào thời thơ ấu.
Ảnh minh họa.
Ông kể: “Tôi nhớ có lần, vì muốn uống sữa, tôi đã mở tủ lạnh. Nhưng chiếc bình quá trơn nên tôi đã làm rơi nó xuống sàn, sữa bắn tung tóe khắp nơi. Lúc đó, tôi hoảng sợ tột độ, nhưng mẹ tôi đến và nói rằng: Chà! Rắc rối của con gây ra cũng không tệ đâu nhỉ. Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy vũng sữa nào lớn như vậy. Dù sao thì sữa cũng đổ rồi, trước khi lau sạch nó, con có muốn chơi với sữa trong vài phút không. Tôi đã rất hạnh phúc khi nghe thấy điều này.
Vài phút sau, mẹ nói với tôi: Sau này con gặp chuyện tương tự như thế thì con phải dọn dẹp sạch sẽ và đặt mọi thứ vào chỗ cũ. Con định làm sạch bằng cách này, dùng khăn hay cây lau nhà. Tôi chọn khăn và bắt đầu tự dọn sạch chỗ sữa mình làm đổ”.
Nói đến đây, có thể nhiều người cho rằng, người mẹ trên đã quá nuông chiều con mình khi chúng đã làm sai. Thực ra, hành động này là để làm dịu tâm trạng của một đứa trẻ đang sợ hãi. Nếu lúc này, cha mẹ đánh đập hoặc la mắng, sau đó mới dọn dẹp một cách miễn cưỡng, quá trình này sẽ khiến trẻ không thể rút ra bài học gì cả, thậm chí khiến chúng sợ sai và không dám thử những điều mới khi lớn lên.
Vậy thì, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên áp dụng những câu nói sau để mang lại sự tích cực nhất cho sự phát triển của con mình.
1. “Chuyện gì đã xảy ra vậy con?”
Tuy câu nói này đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Khi người lớn gặp vấn đề, họ thường bốc đồng, phán xét theo thói quen, cho rằng ý kiến của mình luôn đúng. Trong cuộc sống, một số cha mẹ có thể thường xuyên bị cô giáo gọi đến trường, họ nghĩ là chắc con mình đã làm gì đó nên mới bị gọi phụ huynh lên thế này. Họ sẽ không lắng nghe suy nghĩ của trẻ và không biết chuyện gì đã xảy ra.
Thực tế, trong nhiều trường hợp, chúng ta thực sự nên hỏi con mình càng sớm càng tốt. Ngay cả khi trẻ sai, cha mẹ để trẻ nói ra ý kiến của mình, trẻ sẽ sẵn sàng nhận lỗi hơn vì có cơ hội để tự bào chữa.
2. "Con thấy thế nào?"
Trong nhiều trường hợp, đúng sai không quan trọng mà một đứa trẻ chỉ cần bộc lộ cảm xúc của mình như khóc và nói ra, lúc đó tâm trạng của chúng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Khi một đứa trẻ đang mất bình tĩnh, đó không phải là lúc thích hợp để lắng nghe người khác nói, mà chỉ cần cha mẹ lắng nghe mình, đồng cảm với cảm xúc của chúng. Khi trẻ cảm thấy đủ bình tĩnh, chúng tự khắc sẽ kể lại mọi thứ.
3. “Con muốn làm gì?”
Lúc này, dù trẻ có nói những lời kinh ngạc nào đi chăng nữa, cha mẹ cũng đừng vội dạy trẻ mà hãy bình tĩnh hỏi chúng đang muốn làm gì.
4. “Con biết hậu quả của việc mình gây ra là gì không?”
Cha mẹ có thể ngạc nhiên khi thấy rằng, hầu hết những đứa trẻ đều có thể nhận thức được hậu quả một phần nào. Nếu có lỗ hổng nào trong nhận thức của trẻ, lúc này cha mẹ cần trao đổi để chúng thấy rõ được thực tế lỗi lầm mình gây ra. Đây là cơ hội tốt để giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, nhưng lưu ý là tránh rao giảng mà chỉ nói lên sự thật.
5. "Con quyết định làm gì?"
Một đứa trẻ chắc chắn sẽ chọn tình huống có lợi nhất cho mình, nếu hiểu được hậu quả chúng thường sẽ đưa ra lựa chọn hợp lý và sáng suốt nhất. Ngay cả khi sự lựa chọn của chúng không phải là kết quả như mong đợi của người lớn, cha mẹ cũng cần phải tôn trọng quyết định của trẻ. Ngay cả khi chọn sai, trẻ có thể học được nhiều bài học quý giá và khó quên từ sai lầm đã trải qua.
6. “Con muốn cha mẹ làm gì”.
Câu nói này bày tỏ sự ủng hộ sau khi các vấn đề được giải quyết.
7. “Kết quả là gì? Có đúng như con dự đoán không?” hoặc "Lần sau gặp phải chuyện như thế này, con sẽ xử lý như thế nào?"
Hãy cho trẻ một cơ hội để xem xét khả năng phán đoán của mình. Sau khi thực hành điều này một vài lần, trẻ sẽ có khả năng tự giải quyết vấn đề và cha mẹ không cần phải lo lắng về điều đó.
Trẻ hay bị đánh, mắng khi lớn lên rất dễ mắc các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu. Vì vậy, cha mẹ không được nghĩ rằng đánh, mắng con là vì lợi ích của con cái. Đánh mắng là phương pháp giáo dục thất bại nhất.
Cha mẹ nên học cách làm bạn với trẻ và tôn trọng, suy cho cùng, đôi khi con cái mắc lỗi một cách không chủ ý, vì vậy cha mẹ lúc này phải kiềm chế cảm xúc của mình. Nếu cha mẹ nên bắt con cái phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, không được tước đi cơ hội hoàn thành trách nhiệm của con cái. Hãy để trẻ tự giải quyết và tự chịu hậu quả với những quyết định của mình, như thế mới rèn luyện được tinh thần trách nhiệm.
Cha mẹ nên áp dụng những câu nói này trong những tình huống khi tâm trạng con bất ổn.
Nguồn: [Link nguồn]