Cha mẹ cần ngừng ngay 5 hành vi hủy hoại lòng tự trọng của con vẫn diễn ra hằng ngày mà không hề hay biết
Một cách vô thức, đôi khi có những cha mẹ lại thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tích cách của con trẻ.
Lòng tự trọng là phẩm chất cốt lõi trong cuộc sống của một con người. Còn được gọi là lòng tự tôn hay nhận thức về giá trị bản thân, được hiểu là cách chúng ta nhìn nhận bản thân, định hướng cho mọi hành vi và quyết định. Lòng tự trọng cao cổ vũ ta vượt qua nhiều thử thách, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ và vun đắp lòng tin vào chính bản thân mình.
Là cha mẹ, chúng ta hết sức cố gắng để ươm mầm và nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ. Song, đôi lúc chúng ta phạm sai lầm làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con bằng những hành vi dưới đây:
1. So sánh
Bị so sánh với bạn bè, anh chị em là nỗi đau thầm kín của nhiều trẻ. Dù bị đem ra "cân đong đo đếm" với ai, so sánh sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng và tự nhận bản thân kém cỏi.
Nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler từng nói, so sánh sẽ làm trẻ mất tự tin và làm tổn thương nặng nề trái tim chúng. Phụ huynh nên tìm điểm mạnh của con cái để trẻ tự khám phá tiềm năng của chính mình.
"Thời kỳ nở hoa của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Cần tập trung vào sự độc đáo và điểm sáng của trẻ. Chỉ khi không so sánh, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mới hài hòa", Alfred Adler nói.
Ảnh minh họa
2. Lời lẽ đe dọa
"Nếu còn tái phạm, mẹ (cha) sẽ không bao giờ nói chuyện với con nữa". Đây là hành động tạo ra sự phụ thuộc đến từ nỗi bất an của chính bậc cha mẹ. Đứa trẻ sẽ lớn lên trong nỗi sợ hãi phạm sai lầm và luôn cho rằng ý kiến của chúng không được lắng nghe. Hành động này sẽ đánh vào lòng tự trọng của đứa trẻ.
3. Châm biếm trẻ
Đây là một việc làm rất không nên vì sẽ làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự trọng của con. Việc châm biếm, xúc phạm, khinh thường đều để lại những tác động nặng nề trong tâm lý của trẻ. Chẳng hạn như nhiều bố mẹ thường nói về con mình với người khác rằng: "con nhà này khờ lắm", "con bé học yếu lắm"… hay mang các đặc điểm ngoại hình của bé ra trêu đùa.
Một số hành động và lời nói phổ biến khác của người lớn nữa đó là hay trêu các bé, lấy nỗi buồn của các bé ra làm niềm vui như: so sánh bé với đứa em mới ra đời, nói con sắp ra rìa hay không còn được ba mẹ thương yêu, so sánh bé với các trẻ khác…
4. La hét và đánh đập
Không hành động gì hạ thấp giá trị bản thân người khác bằng la hét và đánh đập. Khi la hét và đánh đập, bạn thể hiện khả năng kiểm soát cơn giận kém, thông qua một cơn cuồng nộ với mục đích hạ bệ và áp đảo con mình. Chúng ta dạy được cho con điều gì qua những hành vi như vậy?
Thật thà mà nói, hầu hết chúng ta đều đã từng la mắng. Điều này không mấy gì đáng tự hào và vì vậy bạn nên tự nhận ra rằng khi la mắng và đánh con, chúng ta đang ngược đãi con mình. Khi la mắng con, bạn cảm thấy mình đã ngăn được những hành vi sai trái của con mình, nhưng thực ra chỉ là tạm thời thôi. La mắng và đánh đập sẽ đánh mất cơ hội trò chuyện để góp ý cho nhau, cùng con giải quyết vấn đề, vượt qua những mối bất hòa và nuôi dưỡng lòng tự trọng.
5. Làm cho trẻ cảm thấy tội lỗi
Không thiếu những lúc, bố mẹ sử dụng những lời lẽ chỉ trích hay mang tính đánh giá một cách tổn thương để khiến trẻ cảm thấy có lỗi, nhằm giáo dục bé. Chẳng hạn như nếu bé không làm việc nhà, bố mẹ sẽ nói là "con cái trong nhà không nhờ vả được", "bố mẹ đi làm cực khổ về mà không biết thương"… hay chuyện con không nhường đồ chơi cho các bạn khác thì bố mẹ lại nói "tại sao không nhường cho em, con ích kỷ vừa thôi"… Những lời nói này có tính sát thương khá lớn đối với trẻ, khiến con cảm thấy tội lỗi, bức bối.
Những hành vi trên đều tạo ra rào cản giao tiếp nhất định giữa bố mẹ và con cái, khiến trẻ mất đi sự tự tin của con, sống khép kín và trầm lặng hơn.
Thay vào đó, khi con có những suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi không phù hợp thì bố mẹ nên giải thích, phân tích cho con. Hơn hết, bố mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để thông cảm, thuyết phục bé nhận ra lỗi và mở lòng mình hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Những lời than trách, hay thậm chí những câu nói vô thưởng vô phạt của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ tổn thương. Mối...