Cha mẹ cần làm gì để giúp con dẹp tan áp lực thi cử?
Trước mỗi kỳ thi quan trọng, các sĩ tử thường chịu áp lực tâm lý rất lớn, cha mẹ sẽ làm gì để giúp con "né" được căng thẳng, lo âu mùa thi.
Tính đến thời điểm này, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tiếp ngay sau đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT để vào đại học. Thời điểm này, nhiều phụ huynh có con sắp bước vào các kỳ thi sẽ cảm thấy rất lo lắng.
Để giúp các con có thể giải tỏa bớt những áp lực trong giai đoạn này, trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, ThS quản lý giáo dục Vũ Diễm cho rằng, khi các con bước vào giai đoạn quan trọng thi cử, căng thẳng học tập thì sự trợ giúp, quan tâm và đồng hành của cha mẹ chính là giải pháp hữu hiệu nhất để tiếp thêm động lực cho con.
Theo ThS quản lý giáo dục Vũ Diễm, đầu tiên, cha mẹ cần khích lệ để con vượt qua áp lực trong mùa thi. Hãy dành thời gian bên con, động viên và chăm sóc con đầy đủ cả về sức khỏe lẫn kiến thức.
Tâm lý của con trẻ thường thích được khen ngợi và động viên, do vậy, cha mẹ đừng tiết kiệm những câu nói cũng như hành động yêu thương tới con mình, một cử chỉ nhỏ cũng là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho con vượt qua những cuộc thi "cân não" sắp tới.
Thứ hai, các bậc phụ huynh đừng bao giờ so sánh con mình với bất kỳ một ai. Con sẽ rất áp lực trong mùa thi và khó chịu khi phụ huynh hay so sánh các con với một người khác.
Thứ ba, việc học quá nhiều trong một thời gian dài không những gây áp lực về việc tiếp thu kiến thức mà khiến trẻ trở nên rối tung. Vì vậy, ngoài lịch học dày đặc, các bậc phụ huynh cần tạo cho con những khoảng thời gian thư giãn nghỉ ngơi nhẹ nhàng như chơi thể thao, nghe nhạc, đi dạo hay một chuyến dã ngoại sẽ tạo cho trẻ hứng thú, có được tâm trạng thoải mái và vui vẻ sau những giờ học căng thẳng.
Học sinh thường bị tâm lý căng thẳng, lo âu trước mỗi kỳ thi. Ảnh minh họa
Thứ tư, các bậc cha mẹ đừng nên đặt nặng vấn đề "trượt - đỗ", đừng để tâm lý căng thẳng của mình ảnh hưởng đến việc ôn tập và làm bài của con. Hãy nói với con rằng việc con cảm thấy lo lắng là điều bình thường. Điều quan trọng là hãy biến những lo lắng của con làm động lực tích cực. Hãy khuyến khích con thực hành các hoạt động mà chúng sẽ làm khi kì thi diễn ra, điều này sẽ giúp con cảm thấy bớt lo sợ hơn trước kỳ thi.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đảm bảo con ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc. Một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng đối với sức khỏe của các con, sẽ giúp chúng cảm thấy khỏe mạnh trong thời gian ôn thi. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp các con cải thiện khả năng tư duy và sự tập trung.
Điều cuối cùng mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm đó là, góc học tập của con. Góc học tập là một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến kết quả và niềm vui học tập của con trẻ. Một không gian ôn luyện thật yên tĩnh, ít người qua lại; thoáng mát và đầy đủ ánh sáng sẽ giúp con phát huy hết khả năng của mình mà không bị phân tâm và ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm, lo âu và căng thẳng ở học sinh TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và trầm cảm. Căng thẳng, lo âu và trầm cảm thường diễn biến âm thầm, là kết quả của cả quá trình trẻ phải chịu áp lực về học tập - thi cử. Các bậc làm cha mẹ nên quan tâm tới con mình khi trẻ có những hành vi sau: Trẻ có hành vi và cảm xúc bất thường: Hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người…; Trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, bỏ ăn; Ngoài ra, trẻ hay có các triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh…; Lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp. |
Nguồn: [Link nguồn]
Từ khi đỗ vào cấp 3 là trường chuyên, M. cảm thấy có quá nhiều sự cạnh tranh vì các bạn đều là học sinh giỏi và mức độ khó của chương trình học ngày...