Cha mẹ cần cảnh giác: Tình bạn độc hại còn kinh khủng hơn việc trẻ không có bạn
Khi trẻ đi học, bạn bè là người có ảnh hưởng lớn nhất tới một đứa trẻ, vì thế việc chọn bạn mà chơi rất quan trọng.
Mọi người vẫn thường nói với nhau rằng, cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái, nhưng sự thật chính những người bạn cùng trang lứa với con mới là người tác động nhiều nhất.
Nhà tâm lý học Jean Piaget từng nói: “Tuổi thơ của một đứa trẻ có 2 thế giới, thứ nhất là cha mẹ, thứ 2 là những người bạn cùng trang lứa. Bạn bè đóng vai trò ngang bằng hoặc thậm chí quan trọng không kém so với cha mẹ”.
Ngay từ giai đoạn mẫu giáo, trẻ em đã rất coi trọng các mối quan hệ bạn bè. Tình bạn thời thơ ấu là nền tảng để trẻ phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân trong tương lai.
Hầu hết các tình bạn của trẻ đều rất trong sáng và đẹp đẽ, nhưng không thể phủ nhận xung quanh vẫn có một số bạn xấu. Những bạn xấu này sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tâm thần và thói quen hành vi của trẻ.
Trong thế giới của trẻ em không chỉ có sự ngây thơ mà còn có sự ghen tị, tấn công, bắt nạt và tổn thương. Cha mẹ đừng bao giờ bỏ qua sự ảnh hưởng của tình bạn đối với trẻ.
Ảnh hưởng của bạn tốt, bạn xấu tới một người
Không khí của trường đại học có ảnh hưởng lớn tới một sinh viên. Nếu trong phòng ký túc xá có 1 hoặc 2 người có khả năng tự học mạnh mẽ, họ sẽ dễ dàng tác động tới những người còn lại. Mọi người sẽ cùng nhau học, thậm chí những người ban đầu lười học cũng bị ảnh hưởng và dần chăm chỉ hơn.
Ngược lại, nếu ở ký túc xá có những sinh viên lười biếng, hay chơi điện tử suốt đêm, bỏ tiết, dù con bạn có muốn học thì cũng dễ dàng bị rủ rê cúp học đi chơi.
Có câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, ảnh hưởng của bạn bè cùng trang lứa rất lớn tới một người. Một trong những đặc điểm của học sinh là thích bắt chước, quần áo, câu cửa miệng, sở thích dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè. Những đứa trẻ có cùng sở thích thường tụ tập chơi thành một nhóm.
Trong vòng tròn này, khi hành vi của một người không phù hợp với các bạn khác sẽ tạo ra áp lực, trẻ sẽ muốn thay đổi bản thân để giống với bạn mình hơn.
Vì vậy, nếu chơi cùng với bạn tốt trẻ sẽ tiến bộ nhanh, nếu chơi với bạn xấu trẻ sẽ sa đọa, từ học sinh ngoan trở nên hư hỏng.
Trẻ cần cẩn thận với những tình bạn độc hại
Tình bạn độc hại là gì?
Chuyên gia về nuôi dạy con cái, tiến sĩ Erin Leonard đã đăng một bài báo trên tạp chí Psychology Today về một số đặc điểm điển hình của một tình bạn độc hại, đó là:
- Trẻ thường không vui, thậm chí khóc lóc vì tình bạn.
- Trẻ trở nên kém tự tin khi chơi với người bạn đó.
- Để làm cho bạn mình vui vẻ, trẻ sẽ cố làm mọi thứ để bạn được hài lòng một cách mù quáng, miễn cưỡng làm điều mình không thích.
- Trẻ luôn bị bạn bè chế giễu, khinh thường và coi thường.
- Những ý kiến của trẻ không phải lúc nào cũng được bạn bè coi trọng.
- Đôi khi trẻ cảm thấy ghê tởm bản thân mình khi chơi với bạn đó nhưng không dứt ra được.
- Trẻ bị yêu cầu làm điều xấu để thể hiện sự trung thành của mình.
Điều đáng sợ của một tình bạn độc hại là nó “đột lốt” trên danh nghĩa bạn bè nhưng lại không muốn bạn hơn mình.
Có một cư dân mạng chia sẻ rằng: “Tôi có một người bạn thân từ nhỏ. Điểm số của cô ấy luôn nằm trong top của lớp, điểm của tôi thì kém hơn. Có một bài kiểm tra đột nhiên điểm của tôi cao hơn cô ấy, thế là cô ấy tỏ ra không vui và bắt đầu xa lánh, không muốn chơi với tôi nữa. Mãi về sau, cô ấy làm tốt bài kiểm tra, điểm cao hơn tôi nên tình bạn mới trở lại bình thường”.
Người lớn có thể cho rằng, thế giới của một đứa trẻ rất vô tư nhưng nếu mắc kẹt trong một tình bạn độc hại, nỗi đau và sự chịu đựng mà trẻ nhận được sẽ khiến chúng không hạnh phúc.
Cha mẹ cần làm gì để giúp đỡ con mình chọn bạn?
Những ảnh hưởng của tình bạn đồng trang lứa tới một đứa trẻ quả thực rất lớn.
Đến một độ tuổi nhất định, nó thậm chí sẽ dần dần vượt quá ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái. Khi trẻ còn nhỏ, chúng chưa có khả năng phân biệt được đâu là bạn, đâu là bè. Vì vậy, cha mẹ cần dạy cho con mình cách để chọn bạn tốt mà chơi.
1. Tìm hiểu tình bạn của trẻ
Trước hết, cha mẹ không nên can thiệp thái quá việc trẻ chơi với ai, điều này có thể khiến trẻ cảm thấy mình bị quản lý. Thay vào đó, cha mẹ có thể hỏi những câu như “tại sao con thích chơi với bạn ấy”, “tụi con gần đây có chuyện gì không vui sao”, “sao bạn ấy lại làm như vậy với con”.
Thậm chí, cha mẹ có thể mời bạn bè của conqua nhà chơi để quan sát xem bọn trẻ hòa đồng với nhau như thế nào, từ đó tìm ra vấn đề và hướng dẫn kịp thời.
2. Dạy con các quy tắc khi chơi với bạn
Nếu trẻ lớn, cha mẹ khuyến khích con đọc thêm sách. Ngược lại, nếu trẻ còn nhỏ, có thể sử dụng sách tranh dạy về tình bạn, để trẻ nhận biết được đâu là hành vi nên và không nên khi chơi với bạn.
Khi cha mẹ thường xuyên nói về những điều này, trẻ càng biết phân biệt đúng sai và không bắt chước các hành vi xấu của bạn bè.
3. Dạy trẻ cách xác định một tình bạn đích thực
Cha mẹ có thể kể cho con mình nghe việc mình kết bạn như thế nào, chọn bạn ra sao để chơi. Hãy để cho trẻ hiểu được rằng, một tình bạn đích thực là cùng nhau vui vẻ, tiến bộ hơn mỗi ngày, thay vì rủ rê làm những điều xấu.
Tất nhiên, việc hướng dẫn trẻ kết bạn không phải là một sự can thiệp mạnh mẽ. Suy cho cùng, kết bạn là quyền tự do của trẻ, điều quan trọng là phải nói với trẻ nên chọn những người bạn tốt mà chơi.
Nguồn: [Link nguồn]
Trẻ lề mề, lười học là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh, vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này?