Cha mẹ bạo hành bằng lời nói, con mang "sẹo" tâm hồn
Những lời mắng mỏ, chỉ trích, đay nghiến của cha mẹ không để lại thương tích trên thân thể con, nhưng sẽ để lại những vết sẹo hằn sâu trong tâm hồn khiến con ám ảnh
Ngôn ngữ tiêu cực "hủy hoại" trẻ như thế nào?
Trên hành trình khôn lớn, sẽ có những lúc trẻ bướng bỉnh, không nghe lời hoặc có những thói hư tật xấu khiến cha mẹ tức giận. Trong lúc nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc, không ít cha mẹ đã mắng chửi, đay nghiến, bạo hành con bằng những ngôn từ tiêu cực như: "thằng đầu đất", "mày ăn gì mà ngu thế?", "có thế cũng làm không nên hồn", "nhìn con người ta kìa", "mày không phải con tao", "cút đi cho khuất mắt"…
Cha mẹ mắng con bằng những lời lẽ tiêu cực dễ khiến trẻ tổn thương tâm lý (Ảnh minh họa)
Nhiều phụ huynh cho rằng việc dạy dỗ con bằng cách mắng mỏ sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến trẻ như việc dùng đòn roi, đánh đập. Trên thực tế, những lời lẽ có tính sát thương cao dù không để lại thương tích trên cơ thể nhưng lại cứa sâu vào tâm hồn đứa trẻ, hình thành những vết sẹo tâm lý rất khó chữa lành.
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) ngôn ngữ mang năng lượng, có thể chữa lành hoặc hủy hoại một con người. Ngôn ngữ của cha mẹ có thể là dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con, tương hỗ cho sự thành công của con nhưng cũng có thể là rác khiến con bế tắc, thất bại trong cuộc sống.
Một đứa trẻ thường xuyên bị la mắng bằng những lời tiêu cực sẽ cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt cha mẹ, mình không đủ giỏi, đủ tốt. Suy nghĩ ấy hình thành bóng đen tâm lý, ăn mòn sự tự tin của đứa trẻ, khiến trẻ trở nên nhút nhát, tự ti.
"Cha mẹ dùng ngôn ngữ sát thương giết chết sự tự tin của con nhưng lại luôn mong con thành công - đó là một nghịch lý"- chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nói.
"Sai vẫn yêu" - Bí quyết không bạo hành con bằng lời nói
Nữ chuyên gia cho biết khi mắc sai lầm, thất bại, trẻ có nhu cầu được cha mẹ thấu hiểu, động viên nhưng nhiều khi lại chỉ nhận về sự trách mắng, đay nghiến. Lâu dần, trẻ không còn cảm thấy cha mẹ là nơi an toàn và có xu hướng che giấu đi cảm xúc bên trong. Trẻ không muốn trò chuyện, chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ nữa bởi sợ nói ra sẽ bị mắng, bị la.
Vì thế, trẻ thu mình lại, ôm trong mình những tâm sự riêng, loay hoay không biết giải phóng những cảm xúc tiêu cực như thế nào và ngày càng mất kết nối với bố mẹ. Chưa kể, khi cảm thấy lạc lõng trong gia đình, những bế tắc không được giải tỏa, lại được bồi thêm những ngôn từ cay độc của bố mẹ, trẻ có thể suy sụp tâm lý. Để khỏa lấp đi nỗi đau tinh thần, trẻ có thể tự làm đau da thịt mình, thậm chí muốn kết thúc cuộc sống.
Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh
Một đứa trẻ hay bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói cũng có thể phản kháng, có những cách hành xử ngỗ ngược, dùng ngôn ngữ tiêu cực đối đáp với người xung quanh hoặc cãi lại, quát mắng chính cha mẹ mình.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, trên hành trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng muốn được yêu thương, chú ý, ngợi khen để cảm thấy mình có giá trị. Bởi vậy, thay vì mắng mỏ, cha mẹ nên dùng ngôn ngữ yêu thương, ngôn ngữ chữa lành để giao tiếp với con, nuôi dưỡng tâm hồn con, giúp con lớn lên tự tin và hạnh phúc, tỏa sáng trong cuộc đời.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi bạo lực tinh thần trẻ em Ngày 30-12-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cha mẹ ai cũng muốn rèn luyện kỷ luật cho con cái. Tuy nhiên, những hành động vô tình của bạn dưới đây sẽ khiến con bạn cảm thấy bị tổn thương và bạn rất khó dạy được...