Câu hỏi lớn về một đứa trẻ bị bạo hành bỏ học

Sự kiện: Bạo hành trẻ em

Cuối tháng 11 vừa qua, dư luận đã một phen bức xúc với vụ việc cô bé N.H.N.T., 7 tuổi nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành dã man.

Những vết thương trên cơ thể em cùng vết bỏng bên má làm chúng ta nhói lòng và căm phẫn vô cùng hành vi mất nhân tính của người cha ruột, người mẹ kế.

Ngay sau đó, quyết định cách ly cô bé khỏi mối nguy bị bạo hành được ban hành và ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Tiền Giang cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Ngay hôm nay, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Dư luận khấp khởi hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho em và một bản án đích đáng cho kẻ vô lương tâm.

Vậy mà hai tháng sau, câu chuyện đau lòng của em lại bị khơi lên, bi thảm hơn trước: "Bé gái nghi bị dí sắt nung đã nghỉ học, vẫn ở với cha".

Câu hỏi lớn về một đứa trẻ bị bạo hành bỏ học - 1

Ảnh minh họa

Chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ấy? Quyết định cách ly hết hiệu lực, em vẫn ở với bà nội và cha ruột ư? Em đã được đưa đi giám định pháp y với tỉ lệ thương tật 12%, vụ án đã khởi tố nhưng chưa xác định được bị can? Em đã bỏ học từ ngày 27-11-2017 đến nay và không ai biết em ra sao ư?... Những câu hỏi có thật mà tưởng như đùa!

Sinh mạng của một con người, sự an toàn của một đứa trẻ sao lại nhẹ tênh như thế? Ai dám bảo em sẽ không tiếp tục bị bạo hành cả thân thể và tinh thần khi lại rơi vào vòng tay của cha ruột, mẹ kế?

Nước ta có đến 15 cơ quan, tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vậy mà khi một đứa trẻ bị bạo hành, bị xâm hại, sao không có một cơ quan chuyên trách nào nhận trách nhiệm lo lắng chu toàn cho hiện tại và đảm bảo tương lai con trẻ?

Chúng ta đã ký Công ước về quyền của trẻ em. Nay một đứa trẻ vừa bị bạo hành vừa bị tước quyền đến trường, nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn còn đợi xin ý kiến của… Bộ Công an ư?

Dư luận đang sôi sục vô cùng về phản ứng chậm chạp, máy móc, cứng nhắc của cơ quan chức năng. Người dân có quyền đặt câu hỏi về vai trò, chức năng và hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Và chúng tôi cũng rất phân vân, băn khoăn về sự rườm rà, nhiêu khê của các thủ tục tố tụng, các quy định bắt buộc của pháp luật trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em.

Tôi xin chia sẻ hai câu chuyện nhỏ của cháu tôi ở nước Anh để mọi người tham khảo. Hai vợ chồng cháu sang Anh hơn mười năm và đã nhập quốc tịch Anh. Con gái đầu của cháu năm nay bốn tuổi và con trai lên hai. Mẹ các cháu đảm nhận nhiệm vụ lo kinh tế, con cái còn nhỏ nên cháu trai tôi ở nhà lo nội trợ và chăm sóc con.

Chuyện xảy ra vào hai năm trước. Xa xứ lại bận rộn việc nhà cửa, chăm sóc con trai mới sinh nên cháu tôi hơi chểnh mảng trong việc dạy dỗ bé lớn. Ít người trò chuyện, giao tiếp nên bé gái hơi chậm trong phát triển ngôn ngữ. Lên hai tuổi, bé chỉ nói được một vài từ tiếng Anh và ngay cả tiếng Việt cũng chẳng khá hơn.

Chính phủ Anh có chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ rất hay. Cứ định kỳ hàng năm đều cử các chuyên gia đến từng gia đình kiểm tra sự phát triển toàn diện của trẻ em. Khi đến nhà cháu trai tôi, sau một hồi kiểm tra các kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của trẻ, đại diện cơ quan kiểm tra khẳng định chưa đạt yêu cầu tối thiểu so với sự phát triển của lứa tuổi. Họ vận động và kiên quyết yêu cầu gia đình cho cháu bé đến trường học.

Câu chuyện thứ hai đầy nước mắt vừa mới xảy ra năm ngoái. Số là cháu nhỏ khi sinh ra đã có một vết chàm màu tím to khoảng ba ngón tay ở bắp chân. Khi đưa cháu bé đến khám bệnh viêm phế quản tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện vết chàm và nghi cháu bé bị… cha mẹ bạo hành.  Ngay lập tức họ tiến hành cách ly bố mẹ và con trẻ và đưa cháu bé đi kiểm tra.

Bố mẹ cháu hốt hoảng khẳng định không hề có chuyện bạo hành trẻ cũng như khóc lóc, van xin được đi theo để chăm sóc con còn nhỏ. Nhưng luật pháp đã quy định, đứa trẻ bị cách ly, được chăm sóc đặc biệt và kiểm tra kỹ càng. Mấy ngày sau, cháu tôi được đến đón con về trong nỗi vui mừng tột cùng vì phía cơ quan chức năng đã xác minh đó chính là vết chàm bẩm sinh.

Hai câu chuyện ở nước Anh nếu so sánh với vụ việc bé gái nghi bị cha ruột dí sắt nung đã nghỉ học thì có phần khập khiễng. Nhưng tôi muốn kể ra đây để mọi người thấy rằng, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng phải được chăm sóc và bảo vệ một cách tối ưu nhất...

Dấu hiệu nhận biết con bạn bị bạo hành ở lớp

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc trẻ mầm non đi học bị cô giáo đánh khiến nhiều phụ huynh lo lắng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Lê (Người Lao Động)
Bạo hành trẻ em Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN