Cậu học trò không tay có biệt tài bơi lội, ngụp lặn như... rái cá
Bị khiếm khuyết bẩm sinh, không có tay nhưng cậu học trò Hồ Hữu Hạnh (15 tuổi, ngụ xã Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai) đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục. Ngoài việc viết chữ, chải đầu… bằng chân, Hạnh còn có khả năng lái xe đạp bằng cằm và bơi lội, ngụp lặn nhanh như rái cá.
Đứa trẻ bị “ma ám”
Về xã Gia Canh hỏi em Hồ Hữu Hạnh không tay thì người dân khắp làng không ai lại không biết. Có người tận tình chỉ đường, cũng có người tình nguyện đưa khách tới tận nhà của Hạnh. Vừa dẫn đường, cô Nguyễn Thị Hồng vừa cho biết: “Hạnh là đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết cả hai tay nhưng có khả năng làm mọi việc như một người bình thường. Chỉ với đôi chân, Hạnh có thể tự tắm giặt, rửa chén, quét nhà... thậm chí cầm dao để chặt củi, cầm cuốc xới đất trồng rau...”.
Hồ Hữu Hạnh lái xe đạp hai bánh bằng cằm
Có khách tới thăm, Hạnh dùng đôi chân trần trụi của mình lấy chiếc ấm trà trên bàn rồi rót nước ra mời. Hạnh tâm sự: “Đôi chân của em không chỉ dùng để đi mà còn dùng để cầm nắm mọi thứ thay cho đôi tay. Để làm được điều này, em phải tập luyện trong một thời gian dài và không ít lần bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu”.
Hạnh là con trai đầu trong gia đình có 4 anh chị em và cũng là người duy nhất bị dị tật bẩm sinh. Ngược dòng thời gian, bà Đỗ Thị Hợp - mẹ của Hạnh kể lại: “Khi Hạnh chào đời, không có tay như bao đứa trẻ khác nên nhiều lần tôi khóc ngất. Không những thế, nhiều người còn đồn đại gia đình tôi bị ma ám, quỷ nhập nên sinh ra quái thai khiến cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn, rơi vào khó khăn hơn bao giờ hết. Trước những thị phi của người đời, hai vợ chồng tôi chỉ biết câm lặng, thương con trong tột cùng đau đớn, tủi phận”.
Cũng theo bà Hợp, khi Hạnh lớn lên, em có nhiều khả năng khác biệt với bạn bè, thoát khỏi những tai nạn chết người một cách khó hiểu nên thường được người dân coi là đứa trẻ quái dị. Năm Hạnh lên 2 tuổi cũng là lúc em bắt đầu tập cầm nắm mọi vật bằng chân. Trong một lần khát nước, Hạnh tìm cách điều khiển chân để lấy phích nước trên bàn. Đang tập cầm nắm thì bất ngờ phích nước đổ vỡ, trút toàn bộ nước sôi vào người làm em bị bỏng nặng. “Tôi cứ tưởng lần đó Hạnh sẽ chết vì bỏng. Toàn bộ phần da ở mặt, ngực bị bong tróc gần hết, rớm máu trông rất sợ. Vậy nhưng chỉ khoảng một tháng điều trị tại bệnh viện, các vết bỏng đã có dấu hiệu lành và tái tạo da non. 2 tháng sau thì khỏi hoàn toàn và điều đặc biệt phần vết thương trên cơ thể không để lại sẹo. Khi đến bệnh viện tái khám, các bác sĩ đều kinh ngạc trước sự phục hồi của Hạnh và cho rằng đó là điều kỳ diệu, hiếm thấy” - bà Đỗ Thị Hợp tâm sự.
Khả năng siêu phàm
Từ những ngày còn bé, tuy không được lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng Hạnh luôn có khát vọng chơi các môn thể thao. Do vậy, sau những giờ học ở trường, Hạnh lại cùng các bạn cùng lớp chơi bóng đá, đá cầu...
Dù không có tay nhưng em Hồ Hữu Hạnh có khả năng bơi lội nhanh như rái cá
Ngoài việc chơi bóng đá, Hạnh còn khiến bạn bè phải thán phục với khả năng lái xe đạp bằng cằm. Hạnh cho biết: “Em không có tay nên việc dắt xe, tập lái xe là điều vô cùng khó khăn. Hồi đầu, em phải tập gần một tháng mới có thể làm xe đứng thẳng, không bị ngã. Khi đã khống chế được xe, em bắt đầu dùng cằm của mình ghì vào ghi đông xe (tay lái) để lái xe đi và học nhích người lên để đạp xe tiến về phía trước. Nhiều lần không điều khiển được xe, bị ngã xuống đường gây rách da chảy máu. Có lần em ngã đập đầu vào bờ đá, mê man bất tỉnh, phải vào bệnh viện cấp cứu”. Hạnh cho biết thêm, hiện tại, em có thể lái xe đạp 2 bánh bằng cằm và đạp xe đi một cách dễ dàng như người bình thường.
Không dừng lại ở đó, Hạnh còn khiến mọi người phải ngả mũ thán phục với tài bơi lội của mình. Khi nói về khả năng và hành trình học bơi của con trai, ông Hồ Hữu Thân, bố của Hạnh nở nụ cười cho biết, Hạnh bắt đầu học bơi từ khi đang học lớp 2. Lúc đó Hạnh thấy ông ngoại ngụp lặn bắt cá ở ao sau nhà nên đã tìm cách xuống ao ngịch nước. Trong lúc ông ngoại không để ý, Hạnh nhảy xuống nước nhưng do ao quá sâu nên đã bị chìm. Ông Thân kể lại : “Lúc đó Hạnh bị sặc nước nên mọi người phải vớt lên bờ, hô hấp nhân tạo để Hạnh tỉnh trở lại. Tưởng sau lần đó Hạnh sẽ không dám ngịch nước vậy mà ngay ngày hôm sau, khi tôi đang làm rau trên vườn thì Hạnh lén lút xuống ao bì bõm học bơi”. Ông Thân cho biết thêm, vì thấy Hạnh mê học bơi nên ông và vợ đã thay phiên nhau ra ao để tập bơi cho con. Sau một tuần tập luyện, Hạnh đã luyện được kỹ năng nổi trên nước và bắt đầu biết bơi như người bình thường.
Năm 2010, Hạnh đã đăng ký tham dự Đại hội thể dục thể thao tỉnh Đồng Nai. Với khả năng bơi nhanh, lặn giỏi Hạnh đã đạt thành tích cao và đoạt 2 Huy chương Đồng môn bơi lội.
Tôi cứ tưởng lần đó Hạnh sẽ chết vì bỏng. Toàn bộ phần da ở mặt, ngực bị bong tróc gần hết, rớm máu trông rất sợ. Vậy nhưng chỉ khoảng một tháng điều trị các vết bỏng đã có dấu hiệu lành. 2 tháng sau bệnh viện tái khám, các bác sĩ đều kinh ngạc trước sự phục hồi của Hạnh và cho rằng đó là điều kỳ diệu...” - Bà Đỗ Thị Hợp |
Cầm bút, viết chữ bằng chân
Để chứng minh mình là con người, để mọi người hiểu mình không phải là quái thai, Hạnh đã dồn hết tâm lực vào học hành, tập cho bản thân làm tất cả mọi việc bằng chính đôi chân.
Hạnh cầm bút viết bài bằng chân. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Khi Hạnh lên 2 tuổi cũng là lúc em bắt đầu dấn thân vào chinh phục cuộc sống. Bắt đầu là việc chập chững tập đi rồi đến việc tập cầm nắm các vật bằng chính đôi chân của mình. Ông Thân (bố của Hạnh) cho biết, đến năm 3 tuổi thì Hạnh có thể dùng chân cầm nắm được những vật nhỏ như lược chải tóc, đồ chơi… Năm em lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa lũ lượt đến trường, Hạnh cũng thỏ thẻ, xin bố mẹ cho đi học. Để thỏa ước nguyện của con, bố mẹ của Hạnh đã đưa em tới trường xin nhập học nhưng bị giáo viên từ chối với lý do Hạnh không có khả năng học vì không có tay.
Không được bước vào lớp học như các bạn nhưng những ngày sau đó Hạnh vẫn theo bạn tới trường. Những lúc các bạn trong lớp ê a học bài thì Hạnh lại đứng nép ngoài cửa sổ để theo dõi. Cảm kích trước tinh thần học hỏi của Hạnh, giáo viên quyết định cho vào lớp học đọc bài cùng bạn bè. Không có tay, Hạnh bắt đầu tập cho đôi chân của mình cầm bút và cũng từ đó hành trình tới trường của Hạnh bắt đầu. Với tinh thần không ngừng vươn lên trong học tập kết hợp cùng trí óc minh mẫn, sáng tạo nên trong suốt quá trình học, Hạnh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Với nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, Hạnh đã tập cho đôi chân của mình làm tất cả mọi việc. Từ vệ sinh cá nhân đến việc nhà, em đều làm linh hoạt như người có tay. Bà Hợp cho biết, bây giờ Hạnh có thể giúp bố mẹ cuốc đất trồng rau, có thể cầm dao bằng chân để phát quang cây cối. Việc rửa chén, quét nhà, giặt quần áo… đối với Hạnh dễ như trở bàn tay. Cũng chính vì làm được những việc đó nên người dân địa phương không còn coi Hạnh là quái thai, không cảm thấy Hạnh là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Nói về cậu học trò khiếm khuyết, giàu nghị lực của mình, thầy giáo Nguyễn Ngọc Tứ- Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông mỉm cười thổ lộ: “Hạnh là học sinh ngoan, sáng dạ, học giỏi và là học sinh có nghị lực phi thường. Mặc dù bị khiếm khuyết về bản thân nhưng Hạnh luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.