Cậu học trò giành huy chương vàng Olympic Toán
Thoạt trông, Đậu Hải Đăng không có gì khác biệt so với những học trò chuyên toán khác: ngoan, trầm, kín đáo, ăn mặc đơn giản. Tuy nhiên, tất cả những giáo viên đã từng dạy Đăng đều thốt lên: em ấy rất đặc biệt.
Xuất hiện ở sân bay Nội Bài lúc 7 giờ sáng ngày 18-7, Đậu Hải Đăng – cậu học trò vừa giành Huy chương Vàng kỳ thi Olimpic toán quốc tế (IMO) lần thứ 53 được tổ chức tại Achentina khiến nhiều người không khỏi buồn cười khi xuất hiện trước một rừng máy ảnh và máy quay phim của các phóng viên trong chiếc quần mặc ở nhà và đôi dép lê.
Dù mệt mỏi nhưng trên gương mặt Đăng thường trực nụ cười tươi tắn. Trong khi nhẫn nại trả lời các nhà báo, Đăng vẫn không quên dõi theo diễn biến của buổi lễ chào đón đội tuyển Việt Nam đi thi IMO về, vẫn không quên vỗ tay khi cử tọa kết thúc lời phát biểu.
Trao đổi về chi tiết chiếc dép lê với phóng viên, chị Thanh, mẹ của Đăng cười xởi lởi, giải thích: “Đúng là cháu rất đơn giản, mẹ mua gì thì mặc nấy, không đỏi hỏi quần nọ áo kia, không chải chuốt. Tuy nhiên, bình thường cháu không đến nỗi cẩu thả đến thế.
Hôm nay (18-7), khi đi trên máy bay, các cháu đều đi dép lê mặc quần ở nhà, xuống đến sân bay mới thay. Nhưng hành lý của Đăng lại được trả sau cùng nên cháu không kịp mở ra để thay vì sợ các thầy và các bạn phải đợi lâu”.
Thày Nguyễn Đức Hoàng chúc mừng Đậu Hải Đăng (trái) tại sân bay Nội Bài. Người ngoài cùng bên phải là bố của Đăng
Đăng “bột” và hoàn cảnh gia đình khác lạ
Tác phong đơn giản cũng là ấn tượng mà nhiều thầy cô giáo nhớ về Đăng. Thầy Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nhắc đến Đăng thì nhớ đến ngay hình ảnh cậu học trò trông có vẻ hơi “tồ” khi đứng giữa lớp tháo mũ bảo hiểm đưa cho bác xe ôm (Đăng đi học bằng xe ôm).
Tuy nhiên, theo thầy Cường, phong cách học toán mới là sự đặc biệt của Đăng.
“Tôi tiếp xúc với em Đăng từ khi em học lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy. Hồi đó tôi được mời dạy cho lớp em ấy một số chuyên đề. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với em Đăng. Em có những bài giải rất đột biến, bản thân thầy cũng không nghĩ được. Lời giải rất ngắn gọn. Một bài giải bình thường cần 2 trang giấy nhưng có khi em Đăng chỉ trình bày trong 10 dòng”, thầy Hoàng nhận xét.
Còn thầy Lưu Xuân Tình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Toán 1 năm học 2011 – 2012 của em Đăng thì ngưỡng mộ khả năng tư duy trừu tượng của Đăng: “Khi học hình, em vẽ hình nhỏ lí nha lí nhí người ngoài nhìn vào không luận ra được, hoặc có khi em còn chẳng vẽ gì nhưng em vẫn tư duy hình rất tốt”.
So với các bạn, Đăng có hoàn cảnh gia đình cũng hơi khác lạ. Bố mẹ Đăng có em khi đều đã khá lớn tuổi (lúc có Đăng bố đã ngoài 50 tuổi), và chỉ có một mình em, nên dẫu gia đình Đăng điều kiện kinh tế không nổi bật nhưng em được cả đại gia đình chăm bẵm.
Vóc người cao lớn, da trắng, lại thêm chút “ngố” đặc thù của dân chuyên toán nên Đăng được bạn bè trong lớp gọi là Đăng “bột”. Thầy Tình kể, hồi lớp 10 lớp 11, trong các sinh hoạt tập thể của lớp, Đăng ít tham gia các hoạt động mà thường đứng lặng lẽ quan sát.
Khi các bạn đá bóng, Đăng thường đóng vai trò… ôm quần áo cho các bạn. Tuy nhiên, lên lớp 12, Đăng bắt đầu tích cực tham gia các sinh hoạt tập thể hơn, đỡ “bột” hơn.
Trông phong thái trầm trầm của Đăng, ít ai ngờ em đã từng là một cậu bé rất hiếu động đến mức bố em phát hoảng. Bố của Đăng kể: “Hồi cháu còn bé tôi đã từng phải quát con, mày sau này hoặc làm giặc hoặc làm tướng.
Trong nhà có máy móc gì là nó ở nhà tháo tung ra hết. Năm Đăng học lớp 1, ông ngoại mua cho Đăng một thiết bị đo điện trở. Vậy là Đăng nhét hai đầu đo điện trở vào ổ điện làm cả nhà khi phát hiện ra thì sợ lạnh người.
Có lần tôi cho Đăng đi học thêm môn Toán, thầy dạy được một thời gian rồi trả về vì theo thầy cháu nghịch quá trong khi muốn học giỏi Toán thì phải tĩnh mới tư duy được. Không ngờ càng lớn Đăng càng điềm tĩnh”.
Nghề gì cũng được miễn là con thấy hạnh phúc
Chị Thanh, mẹ Đăng cho biết không chỉ có tố chất tốt về toán học mà Đăng vốn khá nhiều tài lẻ. Hồi học tiểu học, Đăng đã từng đạt giải nhất toàn quốc trong một cuộc thi đàn organ dành cho nhi đồng. Khả năng cảm thụ văn chương của Đăng cũng khá ổn.
Đăng đã từng có bài đăng báo. Nhưng sau khi được cô giáo Ngọc (trường Tiểu học Mai Dịch) phát hiện ra khả năng tư duy trừu tượng, rồi sau này khi học lớp 8, Đăng gặp thầy Nguyễn Minh Hà (trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) và được thầy khích lệ, Đăng thực sự trải lòng đam mê với toán.
Trao đổi với chúng tôi tại sân bay Nội Bài sáng 18-7, sau quãng đường dài từ Achentina trở về, Đăng cho biết em đã từng tâm niệm sẽ tiếp tục theo đuổi ngành toán. Huy chương Vàng IMO 53 là tuy chỉ là một thành công của tuổi học trò nhưng lại là một yếu tố khích lệ Đăng càng tự tin dấn thân vào con đường đã chọn.
Theo thầy Hoàng, đó là một lựa chọn thể hiện cá tính quyết liệt của Đăng vì nhiều bạn trẻ học trong trường phổ thông đam mê toán và có tố chất học toán nhưng rồi hầu hết đều thay đổi suy nghĩ. Bố mẹ Đăng cũng ủng hộ quyết định của em.
Mẹ Đăng nói: “Tôi rất chia sẻ với Đăng, sống ở đời hạnh phúc nhất là có được niềm đam mê và theo đuổi nó. Tôi nói với Đăng, con làm nghề gì cũng được, con thấy hạnh phúc thì bố mẹ cũng hạnh phúc”.
------------------------
Tra cứu đề thi đáp án, tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn Bạn muốn là người nhận điểm thi ĐH-CĐ sớm nhất ngay khi BỘ GIÁO DỤC công bố kết quả, hãy soạn tin: DT SỐBÁODANH gửi 8502 SốBáoDanh của thí sinh thi khối A Đại học Bách Khoa là BKA + A + 123456= BKAA123456 Ví Dụ: Để tra điểm của thí sinh có Số báo danh là KHAA123456 soạn tin: DT KHAA123456 gửi đến số 8502 |