Cậu bé nghèo hiếu học thay cha mẹ chăm em từ tuổi lên 10

Mẹ bỏ đi từ khi 2 tuổi và sự cùng cực khi phải lao động quần quật để nuôi em, chăm nom người cha ngã bệnh nằm liệt giường cho đến lúc cha mất khi mới 10 tuổi, thế nhưng Lê Thanh Truyền - hiện đang học lớp 12A8, trường THPT Đức Phổ, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.

Đứa trẻ không có tuổi thơ 

Chúng tôi đến nhà Truyền (tại xóm Mỹ Lộc, thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ) vào một trưa cuối tháng 11, khi Truyền vừa tan trường trở về. Nghe chúng tôi giục: Nấu cơm đi kẻo trễ, vừa làm vừa trò chuyện cũng được, Truyền nhoẻn miệng cười: Khi sáng trước lúc đến trường, em đã bắt cơm rồi. Còn thức ăn thì hũ tương chao đã có sẵn, chỉ cần mất vài phút bắt nước để luột rau là xong.

Nhìn dáng người gầy còm với cân nặng ước chừng dưới 40 cân, thật khó tin rằng suốt hơn 7 năm qua, cậu bé này là trụ cột chính của gia đình: Vừa kiếm cái ăn để nuôi em vừa chăm sóc người cha mang trọng bệnh nằm một chỗ nhiều năm ròng rã cho đến khi qua đời. Đưa đôi mắt nhìn phía xa xăm, giọng Truyền chùng xuống khi kể về hoàn cảnh gia đình của mình.

Sau nhiều năm tha phương cầu thực ở miền Nam, ông Lê Thanh Tùng (cha Truyền) ra Huế làm thợ mộc. Tại đây ông đã gặp, yêu và cưới người con gái của đất cố đô là bà Đào Thị Nhỏ. Không lâu sau, ông Tùng đưa vợ về sống trong căn nhà tranh ọp ẹp do ông bà để lại tại quê nhà. Truyền và em trai là Lê Phù Sa (SN 1998) lần lượt ra đời trong cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Nghe cha kể lại rằng, không chịu nổi cảnh khổ đó, mẹ bỏ đi khi Truyền mới được gần 2 tuổi. Cũng một vài lần em có hỏi lý do tại sao, nhưng cha chỉ lặng im. Và cũng không hiểu tại sao chưa bao giờ thấy cha nói sẽ tìm mẹ. 

Cậu bé nghèo hiếu học thay cha mẹ chăm em từ tuổi lên 10 - 1

 Truyền đang chăm sóc đàn gà để bán lấy tiền chuẩn bị cho dịp Tết sắp đến.

Thương cha cực khổ nên ngay từ những ngày đầu bước vào trường học, Truyền đã tập nấu cơm, chăn bò, nấu cám heo, cắt lúa… Cuộc sống của 3 cha con lặng lẽ ngày qua ngày. Khi Truyền lên lớp 6 thì ba của Truyền mắc bệnh phong. Có lẽ khi phát hiện thì bệnh đã quá nặng nên dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh của bố vẫn không thuyên giảm. Vậy là ba của Truyền phải nằm một chỗ. Từ đó gánh nặng mưu sinh của gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của cậu bé mới 12 tuổi. Trừ những lúc đến trường, Truyền gần như không có một phút nào nghỉ ngơi: Cơm nước cho gia đình, chăm lo việc đồng áng, thuốc thang và chăm sóc cho cha. Nhiều bữa việc nhiều làm không hết, Truyền lại ao ước giá như một ngày dài hơn 24 tiếng.

Hồi đầu do Truyền chưa quen nên đêm về lên giường đi ngủ, tay chân mỏi nhừ, nặng như chì. Sau này khi quen dần thì không thấy mệt như trước nữa. Đến cuối năm 2013, sau một thời gian dài nằm liệt giường, ba Truyền mất. Ngày cha qua đời, Truyền lại tất tả cùng hàng xóm láng giềng lo an táng cho cha. Bà con cũng có thế nhưng không biết có phải vì sợ bệnh phong hay không mà từ khi ba của Truyền đau đến khi mất và cho cả đến bây giờ, ít người đến thăm Truyền và em.

Quyết chí nuôi bò giành tiền đi thi Đại học để đổi đời

Gạt nước mắt, giấu nỗi đau buồn vào tận đáy lòng, Truyền lại tiếp tục thay cha, mẹ để chăm lo cho em. “Giờ chỉ còn lại 2 anh em, nhưng con đường trước mặt còn quá dài, đứa em em nay cũng đã lớn, cũng cần nhiều thứ nữa cho nên phải cố gắng thôi anh ạ”, Truyền giãi bày. Một ngày của Truyền thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc gần nữa đêm. Và trước khi ngủ, Truyền lại “lập trình” thời gian biểu cho ngày hôm sau. Truyền bảo: Em không có nhiều thời gian để lãng phí nên phải sử dụng thời gian sao cho hiệu quả nhất. 

Cậu bé nghèo hiếu học thay cha mẹ chăm em từ tuổi lên 10 - 2

  Truyền bên con bò được mua từ tiền vay với hy vọng vỗ béo kiếm lời lấy tiền làm lộ phí đi thi Đại học năm sau.

Nói về cuộc sống của mình, Truyền nhẩm tính: Nhà em có 1,5 sào ruộng, mỗi năm trồng lúa được 2 vụ được khoảng 700kg lúa khô, đủ ăn được 6 tháng còn phải mua thêm. Thức ăn hàng ngày mua bằng tiền công đi làm thuê, rồi tiền học bổng do một doanh nghiệp cho mỗi tháng được 1 triệu đồng, em dành để dành đi chợ. Truyền tự đề ra quy định mỗi ngày mua 10.000 đồng thức ăn, hôm nào “sang” thì chi 20.000 đồng. Với số tiền này hôm thì cậu mua cá xay 5.000 đồng, số tiền còn lại mua rau về nấu canh. Lúc thì mua bì, mỡ heo và rau về xào cùng cá vụn... Nhiều bữa các cô bán ở chợ thấy tội nên cho thêm Truyền. Ngoài ra để cải thiện bữa ăn, hai anh em Truyền cũng nuôi gà. Đưa tay chỉ vào đàn gà hơn 20 con đang thơ thẩn kiếm mồi trong vườn, Truyền nói: Gà cho trứng ăn, ngoài ra em cũng cho ấp để gầy thêm đàn. Em cũng tính bán một nửa số gà nà để mua sắm đồ đạc cho 2 anh em trong dịp Tết sắp đến. 

Rồi Truyền kể: Cách đây không lâu, em trai Truyền là Phù Sa thủ thỉ rằng “anh ơi em thèm thịt gà”. Thương em nhưng lại nghĩ con gà bán cũng được trên 150.000 đồng, đủ đi chợ gần nửa tháng nên đành khất em và hẹn lứa sau gà lớn sẽ làm thịt một con cho em ăn. “Vậy mà nó giận, em phải dỗ cả tuần mới chịu bỏ qua”, Truyền cười khi nhớ lại chuyện. Dù phải sống trong cảnh nghèo túng, phải làm quần quật cả ngày để lo toan cho cuộc sống của hai anh em, nhưng Truyền chưa bao giờ xao lãng chuyện học hành. Suốt từ năm lớp 2 đến nay, Truyền luôn là Học sinh tiên tiến và Giỏi. 

Chưa hết năm lớp 9 và năm lớp 11, hai lần Truyền được trường cử đi thi học sinh giỏi và cậu đều đoạt giải nhì cấp tỉnh môn sinh học. Thương cho cậu trò nghèo nhưng hiếu học, 2 năm qua một người bán hàng ở gần nhà đã thuê Truyền kèm dạy cho con trai mình. Học phí ngoài tiền còn có gạo và thức ăn. “Cách đây khoảng 3 hôm, khi nhà em vừa hết gạo thì cô ấy mang cho em hơn 20kg”, Truyền khoe. 

Nhận xét về cậu học trò nghèo mà hiếu học, thầy Nguyễn Quang Hảo - giáo viên chủ nhiệm lớp của Truyền không tiếc lời khen ngợi: Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng Truyền luôn là học sinh dẫn đầu của lớp. Ngoài việc miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp chung theo quy định, mỗi năm vài lần, các thầy cô trong trường mỗi người góp ít tiền để mua sách, vở, quần áo cho Truyền. Nói về ước mơ của mình, Truyền không giấu giếm: Tốt nghiệp THPT xong em dự tính sẽ thi vào trường Đại học Y TP.HCM. 

Để có tiền đi thi, đầu năm 2014, Truyền đã nhờ một người anh họ vay giúp 30 triệu đồng để mua 2 con bò về vỗ béo kiếm lời. Truyền nhẩm tính đến đầu năm sau sẽ bán. Sau khi trả tiền vay cũng lãi được 5-7 triệu đồng. “Để lại cho Phù Sa 1, 2 triệu đồng, số còn lại cũng đủ lộ phí đi thi. Em chỉ sợ rớt, chứ nếu đỗ thì em sẽ gắng tìm việc để vừa làm, vừa học. Điều em lo nhất là nếu đi học xa, không ai lo cho thằng Phù Sa. Từ ngày ba mất, nó trầm hẳn. Khi học xong trở về nhà, nó chỉ thui thủi một mình không muốn tiếp xúc với ai, đặc biệt là người lạ. Cho nên có thể em sẽ chọn thi một trường ở trong tỉnh, để có thời gian còn chăm nom em”, Truyền tâm sự mà lòng vẫn không nguôi ngoai nỗi lo về cậu em. 

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Truyền, chúng tôi còn cảm nhận được một khát khao cháy bỏng hơn trong em, đó chính là tìm lại người mẹ của mình. Và đó cũng chính là tâm nguyện của ba Truyền trước khi mất. “Trước khi mất, cầm tay em, ba đưa tờ giấy khai sinh trong đó có địa chỉ của mẹ và dặn dò “Mai mốt này học thành tài, con hãy đi tìm mẹ”. Nhưng em sợ mẹ đang yên ấm với gia đình mới, nếu em tìm đến lại ảnh hưởng đến hạnh phúc của mẹ anh ạ”, Truyền tâm sự mà mắt vẫn đăm đắm nhìn về phía xa, nơi cậu biết có thể mẹ cậu lúc nào đó cũng đáng ngóng về nơi có mái nhà của hai anh em. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Xuân (Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN