Cậu bé không tay đỗ đại học

Chỉ bằng đôi chân, Trí vượt kênh, vượt đường lầy hoàn thành 12 năm học phổ thông và thi đậu vào ĐH.

Chuyện thi đỗ ĐH với học sinh nghèo đã là khó. Vậy mà Nguyễn Minh Trí, con nhà nghèo bị tật bẩm sinh không có tay lại thi đỗ ĐH. Ngày 16/9 tới, Trí nhập học nhưng lại là nỗi lo lớn của gia đình, vì không biết kiếm đâu ra tiền để em đi học…

Nghị lực của đôi chân

Mấy năm trước, nơi căn nhà heo hút nằm cuối cùng trên kênh Bờ Dâu (ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang), nhiều người đã biết đến cậu học trò nghèo không tay giàu nghị lực Nguyễn Minh Trí. Không có hai cánh tay từ lúc lọt lòng mẹ nhưng với đôi chân, hằng ngày Trí vượt bốn cây số đến trường. Chỉ bằng đôi chân, Trí vượt kênh, vượt đường lầy hoàn thành 12 năm học phổ thông trong sự nể phục của bạn bè và quý mến của thầy cô. Kỳ thi ĐH vừa qua, Trí đã đậu vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH An Giang.

Hay tin con mình thi đậu, ông Nguyễn Văn An (cha Trí) mừng muốn khóc. Bởi bao tâm huyết gia đình đều gửi vào sự học của em. “Gia đình tôi có năm đứa con, hai đứa đã ra riêng. Trong nhà còn lại Trí và hai anh nó. Thấy Trí khuyết tật, dù cụt hai cánh tay nhưng có chí vươn lên nên tôi và hai anh nó quyết hy sinh để lo cho nó học. Ngày nó thi đậu ĐH cả nhà mừng nhưng lại lo vì nhà mình quá nghèo không biết kiếm đâu ra tiền để Trí học ĐH” - ông An tâm sự.

Cậu bé không tay đỗ đại học - 1

Trí và cha mình đăm chiêu lo nghĩ về sự học còn mịt mù phía trước. Ảnh: Vĩnh Sơn

Ông An tự hào kể, mới hai tuổi Trí đã tự dùng chân múc cơm ăn, sáu tuổi thì biết lội. Tất cả sinh hoạt cá nhân từ chải đầu, vá áo, mang cặp sách ra học bài cho đến giăng võng Trí đều làm bằng chân. “Mấy năm trước, thấy tôi bỏ việc làm thuê để ngày bốn bận đưa rước Trí đi học, nó cũng học cách bơi xuồng để tự đến trường. Rồi tự bơi xuồng bằng hai chân đến trường. Mùa nước nổi lêu bêu về trên cánh đồng quanh nhà, Trí kêu tôi mua ếch về cho Trí nuôi. Gian khổ vậy mà Trí thi đậu vào ĐH” - ông An bộc bạch.

Nỗi lo lớn của nhà nghèo

Gia đình Trí thuộc diện nghèo, cha và hai anh của Trí quanh năm vất vả lao động với đủ nghề: mần cỏ, cắt lúa, xịt thuốc. Tiền làm thuê chỉ đủ gói ghém từ mùa lúa này sang mùa khác. Dư chút đỉnh thì dành cho Trí đi học suốt 12 năm phổ thông. Năm 2012 rồi, có người hàng xóm tốt bụng kêu ông An cho thuê sáu công ruộng mà không cần trả tiền trước. Nhưng làm suốt ba vụ lúa thì chỉ huề vốn, do giá lúa xuống thấp. Thế là ông An gom đủ trả tiền thuê đất rồi giải nghệ làm ruộng. “Giờ Trí vào ĐH, tiền học phí và các khoản nhà trọ, mua tập sách trong bốn năm chưa biết phải kiếm đâu. Hôm rồi nhờ mạnh thường quân giúp gần 3 triệu đồng đóng học phí nên Trí mới được nhập học” - ông An trăn trở.

Ông An cho biết dù thiếu thốn cỡ nào ông cũng ráng bươn chải để lo cho Trí ăn học thành tài. Nhưng tới đây, một khi vùng này không còn lũ về, gia đình Trí không còn nuôi ếch được thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Cả nhà giờ trông cậy vào hai người anh của Trí từ nghề làm mùa cho chủ ruộng. Trong nhà Trí giờ không có tới 1 triệu đồng nên chưa biết tương lai chuyện học hành của Trí sẽ ra sao.

Khi Trí đậu vào ĐH, nhiều người hỏi ông An chứ Trí cụt hết hai tay thì cho học để làm gì. Ông nói đất nước mình đang đi lên công nghiệp hóa mà không học thì ra đời chỉ biết làm thuê ở ruộng thôi. Muốn làm việc tại các khu công nghiệp cũng phải học mới có tri thức mà làm được. “Người ta cũng nói thằng Trí có hai chân thì làm được gì. Tôi trả lời là làm việc không nhất thiết chỉ dùng chân tay mà còn phải dùng đầu óc. Tuy Trí khuyết tật nhưng quyết tâm học và đậu vào ĐH nên tôi tự hào lắm” - ông An bày tỏ.

Ngồi trên căn nhà sàn đơn sơ tránh lũ, Trí dùng đôi chân thoăn thoắt rót nước trà mời khách. Em kể ngày đi thi ĐH, em được cha chở đến trường. Khi vào phòng thi thầy cô cũng chưa biết có một học sinh đặc biệt như Trí. Do vậy, phòng thi không bố trí chỗ ngồi cho người khuyết tật. “Em nhờ giám thị xin thêm cái ghế, bởi chân em không với tới mặt bàn để làm bài. Thế là giám thị cho em xuống ngồi bàn chót và cho thêm ghế. Em dùng chân kẹp tờ giấy làm bài thi để xuống ghế viết” - Trí nói.

Những năm còn ngồi ghế phổ thông, em luôn dùng đôi chân tập làm việc để đỡ cho gia đình. Mỗi dịp nghỉ hè, Trí còn tìm đến nhà bạn bè rồi sang tiệm sửa máy vi tính để học lóm. Đến giờ Trí đã có thể dùng chân tháo ráp máy vi tính thành thạo. “Em thích nhất là thiết lập phần mềm. Em chọn thi ngành công nghệ thông tin là để có thể ngồi một chỗ làm việc” - Trí thổ lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Sơn (Pháp luật TPHCM)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN