Cạnh tranh vào lớp 10 công lập 'khốc liệt', phụ huynh Hà Nội tính phương án cho con học nghề?
Cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nào cũng “nóng” nhưng năm nay thì lại “nóng” hơn bao giờ hết khi chỉ có 55,7% học sinh có suất học vào trường THPT công lập.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2023-2024, chỉ có 55,7% học sinh có suất học vào trường THPT công lập (khoảng 72.000 học sinh).
Trong khi những năm trước, con số này rơi vào khoảng 60-62% nhưng kỳ thi vẫn rất áp lực cho học sinh vì các em phải cạnh tranh căng thẳng để giành suất học ở trường THPT công lập.
Số còn lại, khoảng 30.000 học sinh (khoảng 23,2%) vào THPT công lập và trường tự chủ tài chính.
Khốc liệt kiếm tấm vé vào lớp 10 công lập
Cuộc cạnh tranh kiếm "một tấm vé'' vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay được nhận định sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết. Đến thời điểm này, áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành Hà Nội như đè nặng hơn lên tâm lý của học sinh, phụ huynh.
Chị Nguyễn Lan Linh (quận Đống Đa) chia sẻ, trước thông tin số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp kỷ lục khiến cả gia đình chị hôm qua nghe tin xong “đứng ngồi không yên”. Lực học của con không tốt lắm, nhất là môn Toán nhưng con quyết đăng ký nguyện vọng Trường THPT Phan Đình Phùng và Trường THPT Đống Đa. Trong khi, đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc top cao. Trường THPT Phan Đình Phùng chuẩn năm ngoái là 42, còn Trường THPT Đống Đa là 37,25.
“Sau khi nghe thông tin lượng thí sinh có suất vào trường công lập chỉ 55,7% thì gia đình tôi thêm phần lo lắng và tính phương án khác. Khả năng vẫn cho con đăng ký vào trường THPT Phan Đình Phùng là nguyện vọng 1 nhưng ở nguyện vọng 2,3 sẽ là những trường có điểm chuẩn thấp hơn hẳn, có cơ hội lớn", chị Linh nói.
Cũng theo chị Linh, phương án đó sẽ được tính khi 1,2 tháng tới con chăm chỉ học tập và qua các kì thi, bài thi thử ở trường điểm và kiến thức được cải thiện rõ còn không thì gia đình nhà chị tính đến phương án cả tìm các trường nghề cho con.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (Huyện Hoài Đức) cũng đau đầu suốt mấy tháng nay chỉ vì chuyện chọn trường cho con.
Chị Hồng cho biết, mọi năm nghe nói áp lực vào lớp 10 ở Hà Nội đã khó nay còn khó hơn bao giờ hết nên thay vì đăng ký trường ở gần nhà thì nay chị phải tính đến phương án đăng ký trường khác cách xa nhà cả chục km để cơ hội có 1 suất vào trường công lập cao.
Sở dĩ là vì chị Hồng cho biết, 2 năm trước con cả của anh chị cũng vì tự tin đăng ký một trường ở gần nhà nên sau điểm chuẩn cao con chị không đỗ. Anh chị đành “nhắm mắt đưa chân” cho con học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng quả thật là không như mong muốn.
“Tôi sẽ hỏi mong muốn của con và dựa vào tư vấn của giáo viên chủ nhiệm lớp của con để lựa chọn trường phù hợp. Chứ nếu cứ theo nhu cầu của con thì khả năng sơ sẩy là rất cao”- chị Hồng cho biết.
Còn chị Nguyễn Thị Hương (Đông Anh) cho biết, hiện nay chị đã tính đến phương án sẽ đăng ký một nguyện vọng sau có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1 thật nhiều thì cơ hội đỗ sẽ cao.
“Cùng lắm, có nhiều phụ huynh đã tính đến phương án không đỗ nguyện vọng gần nhà thì ở nguyện vọng sau sẽ ở xa nhà, sẽ hỏi các phụ huynh khác thuê xe cho con đi đi về về trong ngày nếu ở huyện, thị xã khác miễn là con đỗ một suất vào trường công lập”- chị Hương chia sẻ.
Lựa chọn nguyện vọng thế nào cho trúng?
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, mỗi năm ở Hà Nội không biết bao nhiêu chung cư mọc lên. Trong khi chỉ tiêu của các trường dù cố gắng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh. Trong khi không có trường nào được xây dựng tương xứng nên mới xảy ra tình trạng này.
Vị hiệu trưởng này thừa nhận, cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nào cũng “nóng” nhưng năm nay thì lại “nóng” hơn bao giờ hết.
Ông Bình cho rằng, chính cha mẹ và học sinh phải đánh giá đúng được năng lực, trình độ của con em mình. Lấy thêm ý kiến của thầy cô giáo, nhà trường chứ không chủ quan, ảo tưởng dẫn đến việc chọn không đúng trường.
Mặt khác, ông Bình cũng đưa ra lời khuyên, nếu học sinh không có khả năng vào một trường công lập nhưng có thể lựa chọn trường tư thục hay trường quốc tế nhưng phải phụ thuộc vào tài chính của gia đình.
“Cha mẹ và học sinh cần cân nhắc giữa chuyện đi lại là khoảng cách đi học giữa nhà và trường học cũng như định hướng nghề nghiệp phù hợp”- vị hiệu trưởng này cho hay.
Là cô giáo chủ nhiệm học sinh lớp 9, cô Nguyễn Thị Minh (Hà Nội) cho hay, năm nay cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành một suất vào trường công lập nên cô thường xuyên trao đổi với phụ huynh và học sinh về tình hình học tập của học sinh.
"Ngoài ra, việc tư vấn cho học sinh chọn trường nào phù hợp với sức học của con luôn được ưu tiên để tránh tình trạng học sinh đặt nguyện vọng cao hơn năng lực của bản thân"- cô Minh chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều trường THPT tại Hà Nội công bố phương án tuyển sinh và điều kiện tuyển thẳng vào lớp 10 năm học 2023-2024 khi học sinh đạt học sinh giỏi các kì thi cấp tỉnh/thành phố...