Cảnh báo tình trạng sinh viên bị dụ ‘làm giàu’ bỏ học
Để huy động được số tiền lớn từ gia đình dưới danh nghĩa “học bổng du học”, nhiều sinh viên bỗng chốc “mất tích” nhiều ngày.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin chia sẻ tìm kiếm sinh viên (SV) mất tích. Lần lượt, các em đến từ nhiều trường ĐH khác nhau tại TP.HCM mất liên lạc nhiều ngày khiến gia đình, người thân không khỏi hoang mang. Thế nhưng khi tìm hiểu, họ mới tả hỏa khi các em đều liên quan đến những suất “học bổng du học”.
Nhiều sinh viên “mất tích” liên tục
Đầu tháng 6-2020, gia đình em TTL (ở quận Thủ Đức, là nữ sinh đang học tại một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM) không khỏi lo lắng khi mất liên lạc với em từ nhiều ngày trước. Để tìm kiếm, người thân và bạn bè của em L. liên tục đăng tải thông tin trên mạng xã hội mong tìm được em về.
Đến tối 5-6, một cán bộ của trường cho biết gia đình đã tìm được và đưa em về quê nghỉ ngơi. Điều đáng nói, gia đình lại tìm thấy em tại một văn phòng ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) nhưng em không chịu về. Gia đình buộc phải dùng sức ép để phía văn phòng đó trả người. Hiện trường đang tiếp tục tìm hiểu vì khả năng em này có liên quan đến bán hàng đa cấp.
Ngày 8-6, trên Facebook tiếp tục xuất hiện hàng loạt thông tin chia sẻ tìm kiếm một nữ sinh viên tên TNKT sau khi em mất tích 10 ngày. Em này cũng đang là SV năm nhất của một trường ĐH tại TP.HCM.
Theo thông tin tìm kiếm của gia đình, từ đêm 24-5, T. rời khỏi nhà và không ai liên lạc được với em qua điện thoại. Facebook, Zalo của em đều không hoạt động. Lục lại tư liệu trong máy tính của T., gia đình phát hiện em sinh hoạt và thường xuyên nhắn tin nhiều người với nội dung liên quan đến chiến thuật làm giàu, kinh doanh.
Trao đổi với PV, đại diện trường ĐH nơi em T. đang theo học cho biết em T. đã chủ động liên lạc với gia đình. Hiện em T. chỉ mới học một học kỳ tại trường. Từ sau nghỉ dịch, em không đi học và vẫn đang nợ hơn 10 triệu đồng tiền học phí của trường.
Qua tìm hiểu, em T. có sinh hoạt và liên quan đến một nhóm học làm giàu. Sau đợt nghỉ dịch COVID-19, T. còn mang hồ sơ học bổng nước ngoài về quê xin cha mẹ gần 500 triệu đồng để chứng minh tài chính đi học nhưng sau đó mất liên lạc.
Trước đó không lâu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng gặp một trường hợp SV khóa 19 của trường mất liên lạc với gia đình nhiều ngày. Em này có về nhà và báo trúng tuyển “học bổng du học Canada” nên muốn xin gia đình hơn 400 triệu đồng để làm hồ sơ đi học.
Tuy nhiên, phía nhà trường cho biết trường không có thông tin về chương trình du học này. Số tiền hơn 100 triệu đồng gia đình chuyển cho con trước đã bị rút sạch. Em này còn kèm lời xin lỗi và nói dùng số tiền này để đi “tạo dựng tương lai”.
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kiến thức, kỹ năng về luật. Ảnh: NT
Khó ngăn chặn triệt để
Theo ghi nhận từ các trường ĐH, CĐ, tình trạng sinh viên bị lôi kéo vào các hoạt động bán hàng đa cấp đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, diễn biến ngày càng phức tạp và phổ biến, chưa có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn.
Nêu thực tế về vấn đề này, ThS Đặng Kiên Cường, Trưởng Phòng công tác HSSV (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), cho biết trường đã từng có 2-3 SV bị lôi kéo vào các hoạt động đa cấp. Biểu hiện là những học bổng du học, các em liên hệ về gia đình để xin hoặc mượn số tiền lớn nhưng không được, rồi những em này mất liên lạc trong nhiều ngày để tạo sức ép.
Trong đó có một em SV năm nhất trong trường đã lấy từ gia đình và làm mất khoảng 400 triệu đồng.
Theo ThS Cường, sau những sự việc này, nhà trường chủ yếu báo với địa phương và công an để hỗ trợ giải quyết. SV bị mất tiền, trường cũng chỉ động viên gia đình và SV để các em có thể học tiếp thôi.
“Ngoài ra, trường chủ yếu tuyên truyền qua các buổi nói chuyện với SV đầu năm học, lập các chuyên mục cảnh giác... Hay khuyên các em nếu cần việc làm hoặc muốn du học nên tìm đến những kênh chính thống của trường hoặc nếu ngoài trường thì cần lưu ý tính pháp lý của đơn vị đó. Tuy nhiên, nhà trường chủ yếu nhắc nhở chứ khó ngăn chặn, khi xảy ra hậu quả cũng sẽ rất khó để giải quyết” - ThS Cường nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Phòng công tác HSSV (Trường ĐH Mở TP.HCM), cho biết hiện SV rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, nhất là SV năm nhất mới từ quê lên thành phố học. Như trước đây, vào mỗi năm học, trường hay tổ chức cho các em đi khám sức khỏe bên ngoài. Thế nhưng khi đến đó, có tình trạng nhiều người dụ dỗ các em về kinh doanh đa cấp, đầu tư làm giàu... Sau đó, nhà trường buộc phải thay đổi hình thức các em khám sức khỏe tại trường.
Ngoài ra, theo ông Ngọc Anh, vào mỗi đầu khóa học, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị. Ngoài vấn đề học tập, rèn luyện, trường cũng có những thông tin cảnh báo những tệ nạn, những nguy cơ SV dễ gặp phải. Thường xuyên thông tin tuyên truyền, tổ chức các hoạt động rèn luyện trong suốt khóa học từ cấp trường, cấp khoa, đoàn hội... để các em trang bị kiến thức, kỹ năng.
“Những gì nhà trường làm chỉ là hỗ trợ một phần, quan trọng nhất vẫn là bản thân SV, vì các em đã 18 tuổi, cần cân nhắc trước khi làm việc gì và chịu trách nhiệm với bản thân. Gia đình cũng cần quan tâm và chia sẻ với các em hơn. Bởi nhiều phụ huynh ở nhà thì quá bảo bọc và lo cho con mọi thứ, quá kỳ vọng vào con nhưng khi con đi học xa nhà thì lại thiếu quan tâm, chia sẻ khiến các em dễ sa ngã” - ông Ngọc Anh nói.
Trước thông tin Mỹ sẽ ngừng cấp visa cho du học sinh Việt Nam từ ngày 1-7, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM khẳng định...
Nguồn: [Link nguồn]