Cảnh báo: Nhiều sinh viên sập bẫy đa cấp trá hình

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều sinh viên bị dụ dỗ tham gia đường dây kinh doanh đa cấp dẫn đến mất tiền, khủng hoảng tinh thần, trầm cảm, mất niềm tin vào cuộc sống.

Hiện nay, học phí và sinh hoạt phí ngày càng tăng cao, do đó nhiều sinh viên (SV) phải bươn chải kiếm việc làm thêm để trang trải. Tuy nhiên, không phải SV nào cũng tìm được việc làm như ý, không ít SV bị lừa vào các đường dây kinh doanh đa cấp trá hình.

Cầm xe máy, laptop để đóng tiền

Thu Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), 21 tuổi, SV năm cuối Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ do tiền nhà trọ tốn kém và mong muốn tự lập của gia đình, Hương tìm thấy một việc làm thêm trên Facebook. Hương được công ty hứa hẹn đào tạo kỹ năng giao tiếp, kinh doanh các mặt hàng như cà phê, trà, kem đánh răng...

Sinh viên Hương đang học những môn bỏ lỡ khi vướng vào đa cấp. Ảnh: VÕ THƠ

Sinh viên Hương đang học những môn bỏ lỡ khi vướng vào đa cấp. Ảnh: VÕ THƠ

Hương rất nghiêm túc đầu tư mua tài liệu, đồng phục. Cứ thế, số tiền Hương bỏ vào ngày một tăng dần. Đỉnh điểm, công ty yêu cầu Hương phải đóng thêm 15 triệu đồng. Không “đào” đâu ra tiền, Hương hỏi mượn chú và nói dối là cần học thêm tiếng Anh nhưng chú nghi ngờ không cho. “Ngay trong đêm đó em mang xe máy đi cầm, sáng hôm sau cầm thêm laptop và máy ảnh nhưng chỉ được 13 triệu, còn thiếu 2 triệu nữa nhưng vẫn được họ chấp nhận” - Hương kể.

Theo Hương, chỉ đến khi Hương chào mời các bạn trong lớp mua hàng, các bạn cảnh báo Hương giá các mặt hàng này quá cao, đưa cho Hương những thông tin về nạn nhân bị đường dây đa cấp lừa đảo thì Hương mới ngờ vực và vỡ mộng.

Nhiều trường đại học mời cơ quan công an địa phương để tập huấn cho sinh viên. Ảnh: CATP

Nhiều trường đại học mời cơ quan công an địa phương để tập huấn cho sinh viên. Ảnh: CATP

“Do em vội vàng muốn kiếm tiền nên họ nắm thóp được điểm yếu mà lợi dụng. Sau vụ này thì em bị mắc COVID-19, cộng thêm áp lực kinh tế, cùng sự thất vọng của gia đình, em cảm thấy rất trầm cảm, bỏ một số môn học cuối” - Hương nuối tiếc. Hiện tại, Hương đã vượt qua cú sốc tâm lý và hy vọng các bạn SV tìm việc tỉnh táo.

Không tham gia nhờ được trang bị kiến thức

May mắn hơn Hương, Trúc Vân (tên nhân vật đã được thay đổi), SV năm hai Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã kịp nhận ra đường dây đa cấp bất thường và không lún sâu vào. Vân kể kỳ nghỉ hè vừa qua, khi than thở vì thiếu chi phí sinh hoạt và lo lắng về học phí sắp tới, Vân được một người bạn rủ đi bán trà sữa chung.

Cần thiết trang bị kiến thức cho tân sinh viên

Bỏ ra 300.000 đồng để mua một trải nghiệm thực tế đối với em thật sự không đáng tiếc chút nào. Em nghĩ không phải ai cũng may mắn nhận ra sớm như em, do đó việc trang bị kiến thức cho SV, đặc biệt là tân SV rất cần thiết.

TRÚC VÂN, SV

“Nơi phỏng vấn là một trung tâm lớn, mọi người mặc vest làm việc rất sang trọng và chuyên nghiệp. Trong lúc phỏng vấn, các anh chị ấy không hề đề cập gì đến việc bán trà sữa cả, họ đưa ra toàn những sản phẩm như thuốc bổ, sữa, thực phẩm chức năng. Số tiền mà họ yêu cầu em đóng để mua tài liệu học việc là 450.000 đồng nhưng em không mang đủ nên họ miễn cưỡng tạm thu 300.000 đồng. Em đã nhận ra đây là đường dây đa cấp nhưng tâm lý lo sợ nên em vẫn đóng tiền. Sau đó, em không tham gia nữa” - Vân nhớ lại.

Vân cho biết từng được nghe nhắc nhở về hình thức đa cấp trá hình nhưng bây giờ mới trải nghiệm thực tế và cảm thấy vượt qua cám dỗ không hề dễ dàng.

“Lời nói của họ như thôi miên, đưa ra những đãi ngộ hấp dẫn khiến mình dễ dao động. Nếu tâm lý không vững vàng, không tỉnh táo thì bị cuốn vào là điều bình thường” - Vân nói.

Không đánh đồng tất cả công ty kinh doanh đa cấp

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nam, Trưởng Phòng truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH KH-XH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết SV bị dính vào đường dây đa cấp lừa đảo là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, cần sự phối hợp của cả ba phía: SV, gia đình và nhà trường.

Về phía SV, cần ý thức rằng những lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” chỉ là chiêu trò tâm lý để SV dễ “sập bẫy”. Những công việc tạo ra giá trị tốt đẹp lâu dài là những việc hợp pháp, bỏ công sức và trí tuệ ra thực hiện.

Về phía cha mẹ, cần sâu sát, quan tâm đến con cái. “Cần nói chuyện, chia sẻ nhiều với con để hiểu và có lời khuyên cho con. Hãy tạo điều kiện về tài chính để con học tập tốt ở giai đoạn đại học, đừng để con phải tự lo khi mà điều kiện gia đình còn có thể chu cấp, hỗ trợ” - ông Trần Nam lưu ý.

Về phía các trường học nên chủ động cung cấp thông tin về các hiện tượng đa cấp trá hình, lừa đảo để giúp SV phòng ngừa, không tham gia. “Các kênh thông tin như website, fanpage, bản tin nội bộ hay các buổi sinh hoạt SV đầu năm học cũng là dịp tốt để tuyên truyền đến SV” - ông Trần Nam gợi ý.

Cũng theo ông Trần Nam, hoạt động truyền thông cũng phải khách quan vì kinh doanh đa cấp là loại hình kinh doanh được cấp phép ở Việt Nam, tránh đánh đồng tất cả công ty với nhau. Bởi điều này có thể gây tổn hại cho các công ty kinh doanh đúng pháp luật.

“Việc tuyên truyền, cảnh báo SV cần tập trung vào các công ty kinh doanh đa cấp trá hình, lừa đảo, vi phạm pháp luật” - ông Trần Nam nói.

Ký túc xá tổ chức gặp mặt để cảnh báo sinh viên

Ký túc xá (KTX) thường tổ chức những buổi gặp mặt đầu năm đối với tân SV để có những trao đổi trực tiếp giữa thầy cô trong trung tâm đến SV.

Hiện nay chiêu trò lừa đảo đa cấp ngày càng tinh vi và phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất. Trong buổi gặp mặt SV đầu năm sắp tới, KTX sẽ tổng hợp những kiến thức, mánh khóe, biểu hiện, hình thức biến tướng của đa cấp và cập nhật thêm những điểm mới để đưa vào nội dung tuyên truyền cho các SV.

Ông HOÀNG VĂN TUẤN, cán bộ Phòng công tác SV KTX ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

Nhận diện trung tâm du học lừa đảo

Không ít phụ huynh, học sinh đã "sập bẫy" các công ty tư vấn du học kém chất lượng với những chiêu trò tinh vi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VÕ THƠ ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN