Cảnh báo hệ lụy từ các tổ hợp xét tuyển "lạ"
Các chuyên gia giáo dục lẫn phụ huynh, học sinh bất ngờ khi trong đề án tuyển sinh của nhiều trường ĐH năm nay có những tổ hợp "lạ", có thể nói là bất thường
Sự bất thường trong việc tung các tổ hợp "lạ" thể hiện ở chỗ các tổ hợp xét tuyển không có môn học cốt lõi phù hợp với ngành đào tạo. Trường đào tạo giáo viên vật lý nhưng lại không xét tuyển môn vật lý, tuyển sinh ngành công nghệ sinh học không có môn sinh, ngành sư phạm lịch sử không có môn lịch sử, ngành sư phạm địa lý không có môn địa lý…
Thiếu nguyên tắc cơ bản
Có trường sử dụng cả tổ hợp như: A01 (toán, lý, Anh); A03 (toán, lý, sử); B08 (toán, sinh, Anh); D07 (toán, hóa, Anh); C01 (văn, toán, lý); C02 (văn, toán, hóa); D01 (toán, văn, Anh)... để xét tuyển ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Thậm chí có trường thông báo tuyển sinh đào tạo bác sĩ nhưng không yêu cầu thí sinh thi hóa học hoặc sinh học.
Các chuyên gia nhận định việc xây dựng tổ hợp xét tuyển vào ĐH phải dựa trên cơ sở khoa học. Mỗi tổ hợp xét tuyển cần bảo đảm tính liên quan và phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành học, thay vì đơn giản chỉ lựa chọn những môn thi mà không có sự liên kết chặt chẽ.
Thí sinh tìm hiểu các ngành nghề đào tạo của các trường ĐH, CĐ. Ảnh: QUANG LIÊM
Việc xây dựng tổ hợp xét tuyển không theo định hướng nghề nghiệp, thiếu môn học cốt lõi với ngành đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng không bảo đảm chất lượng đào tạo. Và với đầu vào như vậy, liệu người học có đủ nền tảng để theo kịp chương trình đào tạo và đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai, khi cơ hội nghề nghiệp ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn?
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ xác định phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển cho mỗi ngành đào tạo. Nhưng việc lựa chọn tổ hợp môn phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về tính phù hợp, công khai và minh bạch. Cụ thể, tổ hợp xét tuyển cần bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với ngành đào tạo, trong đó, bắt buộc có một môn toán hoặc ngữ văn chiếm không dưới 25% trong số điểm xét tuyển. Quy định này nhằm bảo đảm mỗi tổ hợp đều có môn nền tảng, mang tính cốt lõi cho ngành học, đồng thời hạn chế các tổ hợp "lệch" không liên quan đến lĩnh vực đào tạo.
Lệch chuẩn, nhiều hệ lụy
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở quá nhiều tổ hợp, đặc biệt là những tổ hợp thiếu liên quan đến chuyên môn ngành học, đang đặt ra lo ngại thực sự về chất lượng đầu vào và nguy cơ đào tạo lệch chuẩn. Đào tạo ĐH phải dựa trên nền tảng của đào tạo phổ thông.
Một giáo viên THTP phân tích những năm trước, thí sinh học chương trình giáo dục 2006, bậc THPT học tất cả các môn. Khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh thi 6 trong số các môn đã được học. Như vậy, dù không thi nhưng học sinh có kiến thức nền tất cả các môn. Nhưng năm nay, học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các em lựa chọn các môn học theo định hướng tùy theo tổ hợp môn tự chọn của mình, vì thế có nhiều môn học sinh không chọn học. Nếu ngành sư phạm vật lý không tuyển môn vật lý trong tổ hợp thì rất có thể sẽ tuyển những thí sinh không học môn vật lý suốt 3 năm THPT. Khi vào học ĐH, sinh viên chỉ có kiến thức môn vật lý ở bậc THCS khi học môn khoa học tự nhiên. Như vậy, sinh viên khó học tốt môn vật lý ở bậc ĐH.
Hay trường hợp thí sinh không học đủ cả 3 môn vật lý, hóa học, sinh học ở bậc THPT hoặc tổ hợp xét tuyển không có các môn này nhưng vẫn trúng tuyển vào ngành sư phạm khoa học tự nhiên thì sẽ có nguy cơ thiếu hụt kiến thức nền tảng cần thiết. Điều này dẫn đến hệ quả sinh viên trúng tuyển sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập chuyên ngành và chất lượng đào tạo giáo viên tích hợp sau này có thể bị ảnh hưởng.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổ hợp xét tuyển "lạ" là áp lực tuyển đủ chỉ tiêu. Một số trường buộc phải mở các tổ hợp dễ để thu hút thí sinh. Nhưng điều này dẫn đến hệ quả là sinh viên vào học không có nền tảng phù hợp, nhiều em phải bỏ học giữa chừng, lãng phí tuổi trẻ và nguồn lực xã hội.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, tuyển sinh mới chỉ là bước đầu, nếu không có chiến lược đào tạo phù hợp, đầu ra sẽ khó bảo đảm chuẩn chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín lâu dài của nhà trường và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết đã giao Vụ Giáo dục ĐH lên dự thảo và xây dựng công văn để yêu cầu các trường rà soát về việc này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh các ngành và tổ hợp tuyển sinh phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh đó là có độ tin cậy, đánh giá được yêu cầu đầu vào, phân loại thí sinh. Nếu một phương thức xét tuyển/tổ hợp xét tuyển không đánh giá được tri thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đó thì các trường phải xem lại. Dù các trường có quyền tự chủ, bộ vẫn rà soát, nhắc nhở dựa trên quy chế tuyển sinh. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý một số giải pháp, như các trường bổ sung thêm yêu cầu về ngưỡng đầu vào. Ví dụ ngành y tuyển bằng tổ hợp toán, hóa và tiếng Anh nhưng phải bổ sung yêu cầu là thí sinh phải học môn sinh ở bậc phổ thông và phải bảo đảm mức điểm sàn kết quả học tập ở bậc THPT với môn này. |
Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở đào tạo đại học rà soát lại các tổ hợp, phương thức xét tuyển để bảo đảm yêu cầu về kiến thức nền tảng và...
Nguồn: [Link nguồn]
-09/04/2025 08:00 AM (GMT+7)