Căng thẳng đua vào trường có điểm chuẩn cao kỷ lục: Vì đâu nên nỗi?
Điểm thi THPT quốc gia cao, nhiều trường lấy điểm chuẩn ở mức kỷ lục so với các năm trước. Thậm chí, thí sinh đạt 30,5 điểm mới trúng tuyển.
Trường công an, quân đội và Y vẫn “ngôi vương"
Ngày 29/7, khối trường thuộc ngành công an công bố điểm chuẩn đầu tiên. Năm nay, điểm chuẩn vào khối trường này "gây sốc" vì lấy quá cao. Đỉnh điểm, khoa tiếng Anh của Học viện An ninh Nhân dân lấy 30,5 điểm đối với nữ (3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ). Vậy, trong trường hợp này, 30 điểm thí sinh vẫn “trượt vỏ chuối”.
Tiếp đến, điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Tuy nhiên, trong số bốn thí sinh cùng mức 30,25 điểm, trường chỉ lấy ba thí sinh có tổng điểm ba môn chưa làm tròn cao nhất, từ 28,35 điểm. Một thí sinh còn lại vẫn không đỗ.
Khối các trường y dược như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, ĐH Dược Hà Nội…cũng có mức điểm tăng cao so với các năm trước.
Cao nhất, Ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức điểm trúng tuyển lên tới 29,25. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội.
Mức điểm của thí sinh cao khiến các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để "lọc" bớt thí sinh, đảm bảo tuyển đúng chỉ tiêu đã đăng ký. Trường ĐH Y Hà Nội năm ngoái chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ duy nhất là môn Sinh học. Tuy nhiên, năm nay trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau.
Chính vì vậy mà có những thí sinh “khóc ròng” khi đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội.
Trường hợp thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự em đau xót khi thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội.
Những ngành nào điểm “hot” nhất
Khoa tiếng Anh của Học viện An ninh Nhân dân là ngành lấy điểm cao nhất năm 2017 với điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm đối với nữ (3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ).
Còn trong 18 trường quân đội, Học viện Quân y dẫn đầu về mức điểm xét tuyển. Tổ hợp khối A với thí sinh nữ miền Nam lấy tới 30 điểm; tổ hợp khối B với nữ thí sinh miền Bắc cũng lấy 30.
Trong khi đó số điểm tối đa thí sinh có thể đạt được ở mỗi tổ hợp xét tuyển chỉ là 30. Nếu không được cộng ưu tiên khu vực (nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú), ưu tiên đối tượng (con thương binh, liệt sĩ, học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế...), nữ thí sinh ở khu vực ba thuộc các quận nội thành thành phố trực thuộc trung ương dù đạt điểm tuyệt đối 3 môn khối A, B đều bị trượt.
Tiếp đến, ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội cũng lấy tới 29,25 điểm. Các trường khác ngành này cũng dao động từ 26-29 điểm.
Năm nay, các ngành Kinh tế, ngành Luật cũng có điểm chuẩn cao. Cụ thể, ngành Luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội) điểm chuẩn cũng 28,75 điểm.
Với ngành Kinh tế quốc tế (ĐH Ngoại thương) điểm chuẩn cũng lên tới 28,25 điểm; ngành Kiểm toán (ĐH Kinh tế quốc dân): 27 điểm.
Cac ngành Sư phạm ngữ văn (ĐH Sư phạm HN): 27 điểm; Ngành Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM): 27,25 điểm.
Ngành khoa học Máy tính (ĐH Bách Khoa TP.HC0) điểm chuẩn cũng lên tới 28 điểm.
Vì sao điểm chuẩn tăng “vượt trần”?
Giải thích vì sao lấy vượt mức điểm tuyệt đối, đại tá Trần Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Học viện An ninh nhân dân, cho biết, ngành Ngôn ngữ Anh trường tuyển 20 thí sinh, trong đó ba nữ, nhưng lượng hồ sơ nữ đăng ký tới 104, tất cả đều đạt 27 điểm trở lên.
"Do chỉ tiêu ít, số hồ sơ lớn, điểm thi cao nên điểm chuẩn của ngành phải lên mức 30,5”- đại tá Ngọc Thịnh cho hay.
Cũng theo đại tá Thịnh, là năm nay các trường công an không tuyển sinh bằng tổ hợp khối C (Văn - Sử - Địa), vốn ít thí sinh được điểm tuyệt đối hơn các khối được xét tuyển khác như A, A1, C3,...
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 với sự bùng nổ lượng thí sinh đạt điểm cao môn tự nhiên, sau khi biết điểm các em được điều chỉnh nguyện vọng nên số học sinh giỏi đăng ký vào trường tăng lên.
Trước băn khoăn của dư luận về việc thí sinh 29, 30 điểm trượt đại học mình đăng ký, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT lý giải, chỉ có một số ngành thuộc các trường khối Công an, Quân đội và Ngành Y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên.Điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành đào tạo có nguyên nhân chính là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được lựa chọn ngành học mà các em yêu thích chứ không phải lựa chọn trường ĐH để có thể đỗ ĐH.
Cụ thể, với qui chế tuyển sinh năm 2017 qui định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc các thí sinh đổ dồn vào cách ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu.
Cũng theo Bà Phụng, các trường khối Công an, Quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước (cả trình độ ĐH và CĐ) thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước.
Cụ thể: Năm nay, các trường Công an, Quân đội giảm toàn bộ chỉ tiêu trình độ cao đẳng; đối với trình độ đại học thì giảm hơn 54% chỉ tiêu ở khối Công an và giảm hơn 32% chỉ tiêu ở khối Quân đội.
“Ngoài ra, việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi; do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên”- bà Phụng cho hay.
“Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp”,...