Cẩn thận 'trắng tay' ở câu hỏi trắc nghiệm môn Toán thi tốt nghiệp THPT
Nhiều học sinh lớp 12 năm nay băn khoăn bị trừ điểm vô lý ở phần câu trắc nghiệm đúng - sai trong cấu trúc đề thi môn Toán, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sai một ý mất 0,5 điểm
Một số học sinh lớp 12 năm nay băn khoăn, đề minh họa môn Toán, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 ở phần II, câu trắc nghiệm đúng sai nếu trả lời sai bị trừ vô lý đến 0,5 điểm.
“Khoanh đúng 1 ý, thí sinh chỉ được cộng 0,1 điểm trong khi trả lời sai 1 ý bị trừ đến 0,5 điểm trong khi đây là dạng câu hỏi khó. Cách ra đề như vậy có được coi là giảm áp lực cho học sinh hay không?”, một học sinh băn khoăn.
Trên diễn đàn mạng, ý kiến lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó không ít học sinh cho rằng cần phải thay đổi cách chấm điểm đối với câu hỏi đúng - sai.
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo cấu trúc đề minh họa môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố, đề gồm 3 phần.
Phần I là những câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn như trước đây. Đến phần II gồm 4 câu (4 điểm), mỗi câu hỏi sẽ có 4 ý (a), (b), (c), (d) và yêu cầu thí sinh trả lời đúng - sai cả 4 ý. Nếu thí sinh chỉ trả lời chính xác 1 ý sẽ được 0,1 điểm; trả lời chính xác 2 ý sẽ được 0,25 điểm; trả lời chính xác 3 ý sẽ được 0,5 điểm và trả lời chính xác 4 ý sẽ đạt 1 điểm. Dạng câu hỏi này hoàn toàn mới mẻ so với đề thi những năm trước.
Ngoài ra, đề cũng có phần câu hỏi mới đó là yêu cầu học sinh tính toán để trả lời ngắn với các câu hỏi trắc nghiệm.
Không dễ lấy điểm cao
Về những băn khoăn của học sinh, cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên bộ môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, trong hướng dẫn, Bộ GD&ĐT không trừ điểm nếu học sinh trả lời sai mà chỉ không cộng điểm khi các em chưa trả lời đúng.
Với phần câu trắc nghiệm đúng sai gồm 4 câu, mức độ khó của các câu không giống nhau. Học sinh có thể dễ dàng hoàn thành được câu 1,2, và khá hơn là câu 3 nhưng để làm được câu 4 đòi hỏi sự chắc chắn, kiên trì, cẩn thận. Như vậy, các em chưa hoàn thành 1 ý cũng mới chỉ đạt được một nửa số điểm của câu là 0,5 điểm.
“Như vậy, với 4 câu hỏi ở phần II này, học sinh dù đã trả lời được 12/16 ý mới chỉ đạt được 2/4 điểm. Các em học sinh thấy như vậy là chưa phù hợp và sơ sảy có thể mất điểm. Kể cả những em giỏi nhưng nếu không chỉn chu, để sai một ý bất kỳ cũng có thể mất ngay 0,5 điểm”, cô Huệ nói.
Theo cô Huệ, cách tính điểm như vậy là nhằm đánh giá sát năng lực của học sinh đồng thời đòi hỏi các em phải học kỹ, đào sâu kiến thức hơn và cũng tránh được chuyện khoanh bừa, ăn may.
Quá trình dạy học trên lớp, khi phát đề cho học sinh, cô cũng từng thử đưa ra yêu cầu học sinh khoanh bừa và kết quả, nhiều em “trắng tay”. Cũng với cách ra đề, đánh giá như hiện nay, cô Huệ dự đoán điểm bài thi môn Toán sẽ không cao như trước.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cũng nói rằng, với câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng - sai, trên thực tế một số học sinh đang đánh đồng việc đúng câu a và sai câu d. Điều đó là chưa đúng vì các câu trả lời trong đó có độ khó tăng dần.
"Cách tính điểm cho bài thi như đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố là hợp lý vì em đúng câu a chỉ được mức điểm 0,1 nhưng sai câu d mất 0,5 điểm. Cách tính này khắc phục được sự bất cập của cách thi cũ, học sinh tích đúng 50 câu, mỗi câu 0,2 điểm", thầy Tùng phân tích.
Cũng theo thầy Tùng, giảm áp lực cho học sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không phải ở đề thi mà chính là môn thi. Nếu như trước đây, học sinh phải thi nhiều môn để tốt nghiệp thì kỳ thi năm nay số lượng môn giảm còn 4, trong đó Toán, Văn là bắt buộc và 2 môn lựa chọn theo năng lực.
“Theo đề minh họa thì đề của kỳ thi năm nay sẽ thách thức hơn, đòi hỏi học sinh phải học tập nghiêm túc, làm bài cần tới sự tính toán chỉn chu mới đạt điểm tốt. Nhìn chung, cấu trúc đề thi mới với các dạng câu hỏi đã đánh giá được năng lực học sinh. Nếu chỉ ra bộ câu hỏi trắc nghiệm và học sinh khoanh 1 đáp án đúng như trước là sai lầm”, thầy Tùng nói.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao.
Nguồn: [Link nguồn]