Cẩn thận chiêu lừa trước kỳ tuyển sinh
Trước mỗi mùa thi, thí sinh lại bị bao vây bởi các loại mạo danh, trường đại học để tổ chức ôn luyện hay bán đề.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, nhiều nhóm/cá nhân nhân danh trường để bán sách luyện thi hoặc mở lớp ôn thi kỳ thi đánh giá tư duy. Theo ông Điền, những trang web nhân danh ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo công bố đề thi mẫu của kỳ thi đánh giá tư duy, ôn tập, ôn luyện, mẹo làm bài… đều giả mạo.
Ông cũng nói rõ một số nơi còn bán sách ôn thi đặt những tên rất kêu, kiểu như “tốc chiến luyện đề đánh giá tư duy”, trong đó đưa ra các mẫu đề đều của những người soạn sách tự soạn (hoặc sưu tầm), hoàn toàn không phải mẫu đề của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Các trường ĐH đều không tổ chức dạy thêm hay bán tài liệu để luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ảnh: Như Ý
Theo ông Điền phần đọc hiểu không thể luyện theo lối học mẫu, học tủ mà phải dựa vào nền tảng hiểu biết, năng lực về đọc hiểu tiếng Việt mà thí sinh được dạy trong nhà trường; tiếp thu qua sách vở hoặc giao tiếp xã hội suốt thời gian học phổ thông để làm bài. Môn Toán có một phần tự luận để kiểm tra năng lực trình bày một bài toán. Ông khuyên thí sinh chỉ cần học và ôn tập bình thường theo chương trình phổ thông đang học; đừng kỳ vọng vào chuyện “giải mã” các loại mẹo mực mà các cá nhân hoặc các nhóm/trung tâm luyện thi quảng cáo.
Để giúp thí sinh không bỡ ngỡ với kỳ thi đánh giá tư duy, ngày 23/1 ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi thử bằng hình thức trực tuyến. Buổi sáng, thí sinh sẽ làm bài thi phần bắt buộc Toán, Đọc hiểu và tự chọn 2 (tiếng Anh); buổi chiều làm bài thi cho phần tự chọn 1 (Khoa học tự nhiên).
Mấy năm nay, ĐH Quốc gia TPHCM cũng thường xuyên phải cảnh báo thí sinh tình trạng các website hay fanpage giả mạo mời gọi thí sinh tham gia luyện thi, thi thử đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để thu tiền. Nhiều trang web giả mạo còn tự ý gắn logo của ĐH Quốc gia TPHCM để công bố thông tin về đề thi, luyện thi hay thi thử để tăng độ tin cậy.
Suýt mất tiền oan
Cách đây vài ngày, Trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CET) bắt đầu mở cổng thông tin cho phép thí sinh có nhu cầu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực 2022 vào đăng ký tài khoản. Do hệ thống mới được vận hành nên nhiều thí sinh khi điền sai thông tin đã gặp khó khăn trong việc sửa lại.
Lợi dụng tình hình đó, có cá nhân đứng ra làm môi giới giúp thí sinh sửa thông tin, với mức “phí hỗ trợ” 200.000 đồng/thí sinh. Thông tin này được rao trong nhóm Zalo có tên “Ôn luyện đánh giá năng lực ĐH QGHN-HCM”, kèm theo số tài khoản nhận tiền và hướng dẫn cú pháp tin nhắn trong lệnh chuyển tiền.
Nhận được phản ánh của thí sinh về việc này, ngay lập tức, VNU-CET phát thông báo khẩn, khuyến cáo thí sinh không để bị kẻ xấu lừa.
Ngay sau đó, quản trị của fanpage ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được tin nhắn của một tài khoản có nick là Đ.T.P.N xin được sửa sai và nhờ admin (người quản trị) xóa hộ thông báo khẩn của VNU-CET trên trang. Tài khoản Đ.T.P.N cam đoan là mình chưa nhận tiền của thí sinh nào, đồng thời cho biết đã xóa nhóm Zalo nói trên.
Khi được admin trả lời không có thẩm quyền giải quyết mà phải nhờ công an, tài khoản này trả lời “báo công an cũng được”, nhưng vẫn mong muốn được xóa thông báo khẩn.
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc VNU-CET, nói rằng, thông báo khẩn mà trung tâm gửi đến thí sinh không phải chỉ để cảnh báo một vụ việc cụ thể vừa xảy ra mà còn để các em cảnh giác với các chiêu lừa đảo khác nếu có trong tương lai. Theo ông Thảo, VNU-CET mới chỉ mở cổng để thí sinh đăng ký tài khoản, chưa mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực. Sắp tới, khi chốt được lịch thi đợt đầu tiên, trung tâm sẽ mở cổng để thí sinh đăng ký dự thi (tối thiểu 15 ngày trước thời điểm tổ chức thi đợt đầu tiên).
Ông Thảo cho biết, khi đăng ký, thí sinh lưu ý 2 thông tin quan trọng nhất cần khai chính xác là họ tên và số căn cước công dân. Sau khi nộp lệ phí, thí sinh không thể sửa thông tin trên hệ thống.
Tuy nhiên, nếu lỡ khai sai, thí sinh cũng không cần quá lo lắng, vì sẽ có cơ hội sửa khi đến dự thi trực tiếp. Ông thông tin, thí sinh dự thi chỉ phải đóng khoản duy nhất là lệ phí thi 300.000 đồng/lượt/thí sinh. Thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn lệ phí thi.
Nguồn: [Link nguồn]
Phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh đang được các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) áp dụng rộng rãi...