Cần phải có dự báo về nguồn nhân lực
Sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ra trường không có việc làm, đành chấp nhận đi làm công nhân, làm thuê để mưu sinh là thực trạng chung của cả nước hiện nay.
Bên cạnh vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo, sự chênh lệch quá lớn giữa cung với cầu, một trong những vấn đề không kém phần quan trọng góp phần gây nên thực trạng thất nghiệp còn do bởi công tác dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực ở nước ta hiện còn nhiều bất cập...
Nỗi niềm SV đi xin việc
N.H.P.- quê ở Gia Lai, vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với kết quả loại giỏi tại một trường ĐH ở Đà Nẵng- cho biết, sau khi ra trường em sẽ ở lại Đà Nẵng xin việc, bởi về quê rất khó tìm được công việc phù với ngành nghề đã học. P. bùi ngùi tâm sự: “Ba mẹ em đều là nông dân, đâu quen biết ai để nhờ vả xin việc cho em. Dù là bằng giỏi, nhưng là bằng của trường ĐH ngoài công lập, nên em không mấy hy vọng sẽ xin được việc trong các cơ quan Nhà nước. Đã từng đi làm thêm, nên em cũng có đôi chút kinh nghiệm trong việc đi xin việc ở các công ty tư nhân. Đối với các công ty tư nhân mà em được biết, bằng cấp không phải là tất cả. Điều họ cần là kinh nghiệm làm việc...”.
Nghe chị bạn cùng phòng trọ nói vậy, S.-một SV nữ đang theo học năm cuối hệ CĐ tại Trường ĐH Đông Á, khá rụt rè cho rằng, thật bất công khi các DN, đơn vị trong quá trình tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có kinh nghiệm: “Đâu phải SV nào cũng có được cơ hội tìm kiếm việc làm ngay trong thời gian đang đi học. Kinh nghiệm phải được qua tôi luyện mới có. Đòi hỏi thế khác nào đánh đố SV mới ra trường. Thế nên, em đang phân vân không biết có nên xin gia đình tiếp tục học liên thông lên ĐH, hay về quê xin việc làm ở xã, huyện. Với bản tính rụt rè, em biết, khó mà chen chân vào các đơn vị, DN tư nhân trong thời buổi kinh tế đang suy thoái này...”.
Qua tiếp xúc một số SV, được biết, phần lớn các em khi đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều đăng ký vào những ngành học được xem là “hot”, là “thời thượng”. Đến lúc ra trường, làm hồ sơ đi xin việc, các em mới biết có rất nhiều hồ sơ đăng ký tuyển dụng, trong khi nhu cầu tuyển dụng thực tế của đơn vị, DN đó lại rất ít. Mới đây, thông tin gần 25.000 SV tỉnh Thanh Hóa tốt nghiệp ra trường không có việc làm khiến nhiều người lo lắng, bức xúc...
H.- một SV tốt nghiệp cách đây 2 năm- vì không muốn ba mẹ ở quê thất vọng, nên sau khi ra trường, em quyết định ở lại Đà Nẵng làm phục vụ tại quán cà-phê, chờ cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành đã học. H. chân thành: “Thú thật, nếu biết học xong mà không xin được việc làm thế này, chắc em đã không học ĐH. Giá như ngày đó em không vì sĩ diện, vì gia đình, cứ chọn một nghề nào đó học có lẽ sẽ đỡ tốn công, tốn của cho gia đình, vừa tiết kiệm được thời gian”...
So với SV hệ chính quy, SV hệ cử tuyển được địa phương cử đi đào tạo có phần “nhẹ nhàng” hơn, bởi không phải lo lắng về vấn đề kinh phí học, ăn, ở đã có Nhà nước chu cấp, ra trường hứa hẹn sẽ có việc làm ngay. Đây là một chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, ở các huyện nghèo hoàn cảnh khó khăn có khả năng vào học các trường ĐH, CĐ. Đó cũng là chính sách ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực tại chỗ cho các vùng khó khăn, thiếu cán bộ có trình độ. Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, không phải SV hệ cử tuyển nào cũng được bố trí ngay công việc. Có SV ra trường hai ba năm sau mới được bố trí việc làm.
Trường hợp của P.V.M.- quê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) là một ví dụ. Sau khi được cử đi học theo hệ cử tuyển, trở về địa phương, đến nay, M. vẫn chưa được bố trí công việc. Trong khi đó, gia đình M. hiện đang gặp nhiều khó khăn, con gái mới 5 tuổi bị tim bẩm sinh, viêm phổi, cha thì bị mù, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Tất cả chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều một tay vợ chồng M. chăm lo...
Học đi đôi với hành (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: X.C
Dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực
Thiển nghĩ, để phù hợp với năng lực người học, đồng thời nhằm tránh lãng phí tiền của, thời gian cho xã hội, gia đình và người học, ngoài việc phân luồng để cơ cấu lao động nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, công tác dự báo cũng như quy hoạch nguồn nhân lực rất quan trọng. Có thể nói, trong một thời gian khá dài, công tác này vẫn chưa được các cấp, các ngành chú trọng. Vì thế gần 10 năm trở lại đây, khi các trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập đua nhau “mọc” lên như “nấm”, tuyển sinh một cách ồ ạt, tràn lan, không tính đến đầu ra cho SV đã dẫn đến thực trạng cung vượt quá nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội.
Theo đó, ngày càng có nhiều SV tốt nghiệp ra trường không có cơ hội tìm việc làm đúng sở trường, đúng chuyên ngành theo học. Tại nhiều diễn đàn trao đổi giữa yêu cầu đào tạo với nhu cầu tuyển dụng, nhiều DN cũng đã thẳng thắn đóng góp với đơn vị đào tạo về vấn đề nên đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội, đáp ứng được chất lượng đầu ra, tránh đào tạo theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”... Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực phải được coi trọng.