Cân nhắc lùi thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa có bản báo cáo kết quả Phiên họp chuyên đề về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bài học từ đổi mới trước
Trong báo cáo, Ủy ban băn khoăn khi nhìn lại lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội, chương trình GDPT chu kỳ trước được thực hiện từ năm học 2002-2003 ở lớp 1 và lớp 6; đến năm học 2008-2009 thì bắt đầu triển khai đại trà ở tất cả các lớp học (chậm 2 năm so với yêu cầu của Nghị quyết).
Tuy nhiên, ngay trong báo cáo số 146/BC-BGDĐT ngày 26/5/2008 về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 40, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch nghiên cứu để xây dựng một chương trình GDPT mới để triển khai sau năm 2010, trong khi sách giáo khoa lớp 12 lúc bấy giờ vẫn chưa được áp dụng đại trà.
Kinh phí để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đồng bộ với chương trình theo Nghị quyết 40 lúc đó là lớn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT hết sức thận trọng trong việc sửa đổi chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này; đồng thời, tính toán để kế thừa và sử dụng có hiệu quả kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa chu kỳ trước (bao gồm cả chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tập huấn, tài liệu dạy học và cơ sở vật chất, trang thiết bị).
Quan ngại lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới
Đối với chương trình GDPT mới, Ủy ban ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, Ủy ban rất quan ngại về lộ trình thực hiện và các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã bị chậm về tiến độ.
Nếu theo đúng lộ trình, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019, thời gian còn lại chỉ là 15 tháng, trong khi vẫn còn nhiều công đoạn phải thực hiện: Thông qua chương trình tổng thể; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ sách giáo khoa; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên… Áp lực thời gian có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của chương trình và sách giáo khoa mới.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các điều kiện để bảo đảm thực hiện chương trình GDPT mới chưa có nhiều chuyển biến; sự vào cuộc, tham gia của địa phương, cơ sở trong công tác chuẩn bị đổi mới chương trình còn lúng túng, chưa rõ ràng. Ủy ban cũng lưu ý việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy phổ thông.
Cân nhắc lộ trình thực hiện
Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa GDPT mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng thời đưa ra một số lưu ý đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới GDPT nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng phải được thực hiện theo một lộ trình hợp lý trên cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về cả lý luận và thực tiễn.
Thứ hai, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT bám sát yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể lộ trình cho quá trình xây dựng, ban hành và triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GDPT đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ủy ban băn khoăn khi nhìn lại lịch sử đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT thời gian vừa qua. Kinh phí để tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đồng bộ với chương trình theo Nghị quyết 40/2000/QH10 lúc bấy giờ là lớn.
Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT hết sức thận trọng trong việc sửa đổi chương trình, sách giáo khoa GDPT lần này; đồng thời, tính toán để kế thừa và sử dụng có hiệu quả kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa chu kỳ trước (bao gồm cả chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tập huấn, tài liệu dạy học và cơ sở vật chất, trang thiết bị).
Về việc triển khai NQ 88/2014/QH13, Ủy ban đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc, có thể kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi.
Sau hơn 1 tháng công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhận được rất nhiều ý kiến 'vạch lỗi'....
----------------------------------------------------------------------------------------------
ĐÓN XEM ĐỀ THI, GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI LỚP 10 SỚM NHẤT TẠI DIEMTHI.24H.COM.VN