Làm gì để giúp trẻ thích nghi với trường lớp sau thời gian học trực tuyến dài kỷ lục?
TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã có những giải đáp xung quanh việc học sinh trở lại trường thế nào sau thời gian dài nghỉ dịch COVID-19.
Lưu ý khi học sinh quay trở lại trường học
Đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý, khi học sinh quay trở lại trường học bên cạnh việc hỗ trợ của nhà trường thì vai trò của phụ huynh học sinh trong việc giúp đỡ các em thích nghi với việc học trực tiếp là rất quan trọng.
Học sinh đi học trở lại. (Ảnh minh họa).
Trong giai đoạn đầu trở lại trường, cha mẹ cần dành thời gian để hỗ trợ cho con thích ứng dần với lối sống, cách thức mới. Việc này đòi hỏi phải thực hiện một cách từ tốn và có phương pháp. Ví dụ, cha mẹ hãy thảo luận với con về việc trở lại trường như thế nào? Chuẩn bị tâm thế ra sao? Chuẩn bị những vật dụng gì? Nếu có khó khăn thì phải làm sao.
Cha mẹ cần tạo một môi trường hỗ trợ và khích lệ cho trẻ, luôn phản ứng tích cực trước những câu hỏi và biểu hiện cảm xúc của trẻ. Thể hiện sự ủng hộ và cho trẻ biết rằng trẻ có quyền cảm thấy bực bội hoặc lo âu vào những thời điểm chuyển từ học ở nhà sang học ở trường, trẻ cần thời gian thích ứng.
Quan tâm, hướng dẫn các em các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích bạo lực học đường có thể xảy ra trong và ngoài trường học.
TS Nguyễn Nho Huy cho biết, ngày 21/10, Bộ GD-ĐT đã ban hành Hướng dẫn thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.
Theo đó, để học sinh dễ dành thích nghi sau thời gian dài học trực tuyến, khi học sinh mới trở lại trường học các nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý; hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch và chuyển trạng thái từ học truyến sang học trực tiếp tại trường.
Các trường sẽ tổ chức rà soát, phân loại kết quả học tập trực tuyến của từng nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với thực tế; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức còn thiếu phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp cũng sẽ được tổ chức sau khi các em đã được ôn tập, củng cố kiến thức.
Về vấn đề mở cửa trường học, theo TS. Nho, các địa phương khi rà soát được đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường thì hoàn toàn có thể mở cửa cho trẻ đến trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà trường, giáo viên, học sinh phải thường xuyên thực hiện biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Tùy thuộc vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, địa phương có thể cho trẻ đến trường chứ không cần chờ tiêm đủ vắc-xin cho trẻ.
Để đón học sinh trở lại trường, Bộ GD-ĐT đã có Công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Trước hết, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương và các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường.
“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương cần ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khủ khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ an toàn phòng chống dịch trong tình hình mới.
Các địa phương sẽ căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế.
Các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình có thể cho học sinh tới trường nếu đảm bảo các quy định nêu trên; đồng thời tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chuyển trạng thái sang các hình thức học tập khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Nho cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng.