Cần đưa môn học giáo dục nhân cách vào chương trình giáo dục
Khi tận mắt xem video cảnh học sinh lớp 7 ở trường THCS Văn Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang có những hành vi bạo lực với cô giáo, cảm xúc đầu tiên của tôi là phẫn nộ, đau xót và buồn cho ngành giáo dục nước nhà.
Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ở một cá nhân, một trường hợp mà đã lan rộng đến môi trường của nhiều trường học và mọi nơi. Về đối tượng của bạo lực học đường cũng có sự đa dạng và phức tạp, diễn ra tại các cấp bậc từ tiểu học cho đến đại học. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn giữa học sinh với giáo viên.
Dường như thế hệ học sinh bây giờ được xã hội nuông chiều, còn giáo viên thì lại gần như đang bị tước đi quyền được xử phạt học sinh nên một số em cá biệt không biết sợ giáo viên. Trong thực tế luôn có những học sinh cố tình tạo tâm lý ức chế cho giáo viên, hoặc cố ý khiêu khích. Nhiều học sinh cứ thấy giáo viên nào hiền lành, dễ bắt nạt là cố ý ngủ, hoặc quậy phá, nói leo, nhiều khi với những ngôn từ xấc xược, vô lễ nhằm mục đích phá quấy, thậm chí "gài bẫy" giáo viên. Không ít giáo viên trẻ bước chân vào lớp với đôi chân nặng nề, và bước ra với đôi mắt đỏ hoe bởi những học sinh này.
Hành vi bạo lực học đường nói chung không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến những học sinh, giáo viên khác trở nên nặng nề, căng thẳng, nỗi bất an luôn bao trùm. Không chỉ thế, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm giảm đi sự tín nhiệm của phụ huynh tới nhà trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh trong sáng. Những hành vi bạo lực ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi.
Ngày nay giáo dục của Nhà trường còn nặng về các kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người "tiên học lễ, hậu học văn" chưa có nhiều sự kết hợp với giáo dục pháp luật, các chương trình thực tế đưa trẻ tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có rất nhiều, bao gồm các yếu tố từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng du là nguyên nhân gì thì chúng ta cũng cần nhận thức rõ ở lứa tuổi học sinh cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách, chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường. Những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua đều là sự việc không mong muốn và ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Giáo dục.
Tôi cho rằng đối với sự việc ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang sai phạm đến đâu, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm đến đó, không bao che cho các cá nhân, tập thể vi phạm. Đồng thời, ngành Giáo dục cũng cần có những cuộc họp rút kinh nghiệm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường
Bản thân tôi cũng đang công tác trong ngành Giáo dục. Tuy làm ở trường đại học nhưng tôi thiết tha đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường phổ thông tích cực hoàn thiện chương trình đào tạo và đưa bộ môn giảng dạy kỹ năng sống hay giáo dục nhân cách vào chương trình giáo dục.
Con gái tôi đang theo học ở một trường tư thục và cháu được giảng dạy môn giáo dục nhân cách. Cháu được giáo viên dạy rất nhiều kỹ năng sống, tất cả các vụ việc nóng của xã hội đều truyền đạt tới các con và dạy các con như cách phòng tránh hỏa hoạn, cách ứng xử khi ở trong trường cũng như khi đi ra ngoài đường... Tôi luôn thầm biết ơn Nhà trường vì đã đưa môn học giáo dục nhân cách vào chương trình học nên mỗi lần đến lớp đón con, tôi luôn được nghe cả lớp đồng thanh chào rất lễ phép, thậm chí tôi chỉ đi dưới sân trường cũng có một số bạn học cùng lớp con tôi chủ động chào tôi dù tôi chưa kịp nhận ra các cháu là ai. Khi con gái tôi về nhà luôn biết làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, biết yêu thương, chia sẻ với người thân trong gia đình; các thầy cô giáo; các bạn học và những người xung quanh. Nhờ có sự giáo dục hàng ngày của các thầy cô mà con tôi có sự tiến bộ rõ rệt. Tôi thấy đưa môn học này vào chương trình giáo dục là vô cùng cần thiết và có ích trong quá trình phát triển nhân cách của các con.
Ngoài việc đưa môn học kỹ năng sống hay giáo dục nhân cách vào chương trình giáo dục ra, các Nhà trường cần phải tổ chức nhiều chương trình tình nguyện đem lại giá trị cho xã hội để học sinh tham gia. Nhà trường cần có những hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc đối với những học sinh gây ra bạo lực; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, truyền đạt các kiến thức về bạo lực học đường và các phòng tránh.
Các cơ quan quản lý giáo dục và Nhà trường có làm tốt đến mấy mà gia đình không có phương pháp giáo dục con mình đúng đắn, không quan tâm đến con thì cũng không thể biến những đứa trẻ hư thành những đứa trẻ ngoan. Tôi nghĩ rằng, yếu tố gia đình là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến trẻ và nên dành thời gian giáo dục, dạy bảo trẻ để trẻ có sự cảm nhận từ tình cảm của người thân tạo một môi trường sống lành mạnh; hạn chế các hành vi bạo lực gia đình trước mặt trẻ; phối hợp chặt chẽ với Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.
Trường học hạnh phúc khi giáo viên, học sinh đều hạnh phúc. Trước hết đó phải là môi trường an toàn, thân thiện. Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, các cơ quan quản lý giáo dục, Nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh đều phải cùng cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực thì mới có thể chấm dứt tình trạng bạo lực học đường đau lòng đang diễn ra ngày càng nhiều như hiện nay. Tôi cũng rất mong chờ luật Nhà giáo với những căn cứ pháp lý cụ thể, chặt chẽ sẽ sớm ban hành để thầy, cô giáo không còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường. Chỉ khi đó, thầy, cô giáo mới có thể yên tâm cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp trồng người.
Cách đây khá lâu, nhiều chuyên gia, học giả đã bàn luận đến câu chuyện triết lí giáo dục ở Việt Nam. Qua các thời Bộ trưởng, người im lặng, người đưa ra bàn thảo nhưng...
Nguồn: [Link nguồn]