Cấm thi vào lớp 6: Phụ huynh hoang mang, nhà trường “đau đầu”

Quy định cấm học sinh thi tuyển vào lớp 6 khiến các chuyên gia lo ngại nhiều phụ huynh sẽ “đi đêm”, chạy đua với nhau.

Quy định cấm tuyệt đối thi tuyển  vào lớp 6 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đang khiến không chỉ nhiều trường lo lắng mà các phụ huynh có con học  lớp 5  cũngrất  hoang mang.


“Nát óc” tìm giải pháp

Lãnh đạo nhiều trường chất lượng cao của Hà Nội như: THCS Marie Curie, THCS Lương Thế Vinh, khối THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành... có chung tâm sự trước mùa tuyển sinh năm nay, đó là “nát óc” mà vẫn chưa tìm ra phương án tuyển sinh phù hợp.

Đều là những trường có tiếng của thành phố nên hằng năm, số thí sinh muốn vào học cao gấp chục lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Để tuyển sinh, các trường buộc phải tổ chức thi tuyển và chọn học sinh theo mức điểm từ cao xuống thấp.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, chia sẻ nếu các trường công lập tuyển sinh vào lớp 6 theo tuyến với mục tiêu phổ cập giáo dục thì trường ngoài công lập tuyển học sinh trên cả nước. Hằng năm, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh có lượng hồ sơ nộp thi vào lớp 6 rất lớn. Cụ thể, năm học 2014-2015, trường tuyển hơn 600 học sinh nhưng có đến hơn 4.000 hồ sơ đăng ký.

Cấm thi vào lớp 6: Phụ huynh hoang mang, nhà trường “đau đầu” - 1
Học sinh chen chân thi vào Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội)

Tương tự, Trường THCS Marie Curie trung bình mỗi năm có lượng thí sinh đăng ký ở mức từ 1.200 đến 1.500, trong khi chỉ tiêu chỉ 300 em. Mùa tuyển sinh năm 2014, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (một trường phổ thông thực hành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) có hơn 2.600 hồ sơ dự thi, trong khi chỉ tiêu chỉ 240. Căng thẳng nhất có lẽ là việc tuyển sinh lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mùa tuyển sinh năm trước, tỉ lệ chọi của trường lên tới 1/20 do chỉ tiêu khoảng 200, trong khi con số dự thi lên tới 4.000.

PGS Văn Như Cương thừa nhận ông rất lúng túng trong việc tìm phương án tuyển sinh phù hợp cho năm nay. “Nếu kiểm tra IQ hay EQ sẽ rất phức tạp, cũng không thể xét theo học bạ vì từ năm học này, cấp tiểu học chỉ có 2 mức đánh giá học lực của học sinh là đạt và không đạt. Hầu hết các em hoàn thành chương trình tiểu học sẽ ở mức đạt” - PGS Cương phân tích.

Ông nói thêm bộ không cho các trường dân lập có lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 cao nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể nên nhà trường không biết xét tuyển như thế nào để bảo đảm công bằng giữa các học sinh. Theo một lãnh đạo của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, trường đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng như hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong khi đó, bà Vũ Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Marie Curie, cũng cho biết vẫn chưa chọn được phương án khả thi.


Phụ huynh lo lắng tiêu cực

Quy định cấm thi tuyển không chỉ khiến các trường bối rối mà ngay cả phụ huynh cũng rất lo lắng. Tiếc công sức 2 năm nay cho con đi học thêm để luyện thi vào khối THCS của Trường THPT Amsterdam đã đành, chị Phan Thu Lan - có con học lớp 5 tại một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy - cho hay nỗi lo lớn nhất của chị chính là mất công bằng trong giáo dục. Thay vì học sinh đi thi để lấy điểm từ cao xuống thấp, giờ muốn con vào học trường tốt, phụ huynh lại phải “chạy đua” với nhau.

Đánh giá về quy định bỏ thi vào lớp 6, PGS Văn Như Cương cho rằng nếu không thi mà cứ làm tù mù, sẽ không ít người “đi đêm”, chạy chọt để con được vào trường tốt. Lúc đó, quy định sẽ bộc lộ tính bất cập, lỏng lẻo, gây bức xúc trong nhân dân.

Một chuyên gia giáo dục nhận định việc cấm thi tuyển vào lớp 6 mâu thuẫn với thực tiễn giáo dục cũng như quy luật cạnh tranh sống động của xã hội. Thực tế, có những trường, số thí sinh muốn theo học lớn hơn rất nhiều so với khả năng tiếp nhận của nhà trường.

Không có ngoại lệ!
 

Trước câu hỏi của phóng viên về quy định không thi tuyển vào lớp 6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc cấm thi vào lớp 6 không có ngoại lệ, không phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập. Để bảo đảm giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở tiểu học, tất cả cơ sở này đều không được thi tuyển vào lớp 6”.

Ông Hiển cũng nói thêm: “Lựa chọn hình thức khác tuyển sinh như thế nào là nhà trường xây dựng phương án, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền của địa phương quyết định, nhất thiết không phải là kiểm tra kiến thức ở tiểu học”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN