Cấm thi vào lớp 6: “Chơi trò chơi để xét tuyển”
Trước yêu cầu cấm tuyệt đối thi vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT, nhiều trường THCS sẽ cho học sinh chơi trò chơi trí tuệ, tham gia hoạt động nhóm... để xét tuyển.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015-2016 (ngày 10.4) của Sở GD-ĐT Hà Nội chính là việc tuyển sinh vào lớp 6 – vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận gần đây.
Nhiều trường THCS sẽ cho học sinh chơi trò chơi trí tuệ, tham gia hoạt động nhóm... để xét tuyển (ảnh minh họa). Nguồn: Zing
Lý do, bởi Bộ GD&ĐT đã có lệnh cấm tuyệt đối không tổ chức thi vào lớp 6. Trong khi đó, các trường có số lượng hồ sơ nộp vào gấp nhiều lần chỉ tiêu đang loay hoay chưa có cách sàng lọc công bằng để xét tuyển.
Khó xét tuyển qua học bạ
Bên lề hội nghị, nhiều lãnh đạo trường THCS của Hà Nội cũng cho biết, do không được phép thi tuyển nên trường sẽ tổ chức các hoạt động nhóm, giao lưu, chơi các trò chơi phát triển trí tuệ cho các em. Qua đó, thầy cô sẽ quan sát đánh giá học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) – bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay, trường sẽ tổ chức “Ngày trải nghiệm”. Trong đó, cho các em hoạt động nhóm, chơi trò chơi phát triển trí tuệ...
Về phần kiểm tra kiến thức, trường sẽ sử dụng phương án dùng bài đo chỉ số thông minh, năng lực và vượt khó. Trường sẽ mời Viện Khoa học Giáo dục kết hợp thực hiện các bài đo này.
Riêng môn tiếng Anh, trường sẽ cho học sinh tham gia phỏng vấn trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài. Trong đó, sẽ chú trọng kỹ năng nghe và phản xạ tiếng Anh cho trẻ.
Nói rõ hơn về “Ngày trải nghiệm”, bà Thúy cho hay, hành vi, thái độ, năng lực của trẻ sẽ bộc lộ trong quá trình hoạt động nhóm, trò chơi trí tuệ... Những người làm công tác giáo dục, hiểu tâm lý học sinh chỉ cần nhìn ánh mắt có thể hiểu được trẻ. Ví dụ với trẻ tự kỷ, chỉ cần thông qua cách tô màu khi trẻ vẽ bức tranh có thể cho thấy trẻ vấn đề về tâm lý.
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là dư luận xã hội. Họ không thể biết đo chỉ số IQ, EQ, chỉ số vượt khó là gì? Do vậy, cần làm rõ để xã hội ủng hộ. Theo bà, thực ra IQ là chỉ số thông minh - là năng lực bộ môn toán. EQ là chỉ số cảm xúc của bộ môn tiếng Việt, chỉ số vượt khó là kỹ năng phối hợp đồng đội của học sinh.
Thảo luận tại hội nghị ngày 10.4, Phó phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy Lê Thị Kim Ánh cho biết, một số trường ngoài công lập trên địa bàn quận đề xuất phương án xét tuyển, sau đó có kiểm tra sát hạch IQ, EQ. Trong khi đó, Trường công lập THCS Cầu Giấy đưa giải pháp xét tuyển thẳng học sinh khá giỏi, sau đó có bài sát hạch.
Bà Lê Thị Kim Ánh cho biết, lãnh đạo quận Cầu Giấy chưa đồng tình với các phương án trên, thay vào đó quận yêu cầu xét học bạ.
“Vì học bạ của học sinh lớp 5 hiện nay chỉ có hai bài kiểm tra và nhận xét nên rất khó khăn trong việc đưa ra tiêu chuẩn để xét tuyển”, bà Ánh cho hay.
Chốt phương án xét tuyển ngày 16.4
Tại hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, các trường sẽ tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển.
Đối với một số trường đặc thù, có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình phòng GD-ĐT và UBND quận, huyện, thị xã, báo cáo Sở GD&ĐT.
Ông Phạm Văn Đại, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường công lập, có yếu tố nước ngoài, dân lập có số lượng hồ sơ lớn hơn so với chỉ tiêu, phải có đề án tuyển sinh nộp sở vào ngày 14.4.
Đến ngày 16.4 sở sẽ họp với các phòng giáo dục, các trường và UBND các quận, huyện để chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6.
“Nếu trường nào dùng tuyển sinh phương án khác với đề án đã được xét tuyển thì trưởng phòng giáo dục và chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố”, ông Đại nói.
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])