Cấm thi lớp 6: Đúng nhưng chưa đủ!
Các nhà giáo cho rằng chủ trương cấm thi tuyển lớp 6 là đúng nhưng không nên áp dụng với loại hình trường ngoài công lập.
“Không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6”. Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đối với các sở GD&ĐT. Việc cấm thi tuyển lớp 6 là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS. Hầu hết các nhà giáo, chuyên gia giáo dục đồng tình chủ trương này nhưng họ còn cho rằng chưa đủ.
Trước hết cho nhiệm vụ phổ cập THCS
Trả lời giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dứt khoát nói “không” với thi tuyển lớp 6 đối với tất cả loại hình trường, kể cả ngoài công lập. Theo ông Hiển, Thông tư 11/2014 ngày 18-4-2014 của Bộ GD&ĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đã nêu rõ “tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”. Giải thích vì sao chỉ xét tuyển, ông Hiển nói hiện cả nước đang thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục đến hết bậc THCS. Việc tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục phải bảo đảm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục này trên mọi địa bàn.
Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, một chuyên gia nghiên cứu về phổ cập giáo dục, cho biết “phổ cập giáo dục” là cách nói của Việt Nam, còn các nước họ dùng cụm từ “cưỡng bách giáo dục” để nhấn mạnh quyết tâm và tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Ở nhiều nước, cạnh ta có Thái Lan, đã thực hiện cưỡng bách giáo dục đến hết bậc THPT. Theo đó, mọi hoạt động dạy và học trong nhà trường đều phải dành ưu tiên thực thi nhiệm vụ này: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo mọi trẻ em đều được học hết bậc học cần phổ cập. Thậm chí nhiều nước phải trả tiền cho gia đình, thực hiện nền giáo dục miễn phí, cung cấp SGK miễn phí… Để thực thi nhiệm vụ này thành công, mọi kỳ thi tuyển nhằm hạn chế học sinh (HS) nhập học bậc học cần phổ cập đều bị bãi bỏ.
Cũng theo PGS-TS Thạch, một nguyên tắc bất di bất dịch của phổ cập giáo dục là công bằng giáo dục. Nhà nước phải tạo cơ hội giáo dục đồng đều cho mọi HS, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền. Mọi trường công lập đều được đầu tư như nhau. Bởi vậy việc lập ra các trường công lập mà ở đó Nhà nước đầu tư nhiều hơn thì sẽ phá vỡ nguyên tắc công bằng này. Bởi vậy, mô hình trường chuyên (hay các trường có thêm một số đặc quyền như trường điểm, trường chất lượng cao…) ở bậc học phổ cập cần phải xóa bỏ.
HS trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) sau buổi học về. Ảnh: HTD
Đúng nhưng chưa đủ
Thực tế hiện nay các trường THCS trong cả nước đều thực hiện hình thức xét tuyển lớp 6 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc thi tuyển chỉ diễn ra ở một số trường chuyên (nếu có) và các trường ngoài công lập có uy tín, thương hiệu trong xã hội. Nay các trường này phải thay đổi hình thức tuyển lớp 6 thế nào, đây là vấn đề cần bàn.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định các trường công lập và cả ngoài công lập cần phải chấp hành yêu cầu không tổ chức thi tuyển. Thay cho thi tuyển, các trường cần có đề án xét tuyển phù hợp với điều kiện trường lớp, giáo viên… gửi cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương quyết định. Thứ trưởng Hiển cũng cho biết Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8) ban hành tháng 12-1996 đã yêu cầu không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS. Bởi vậy địa phương nào còn tồn tại trường THCS chuyên là sai, cần nhanh chóng xóa bỏ; để từ đó việc xét tuyển vào lớp 6 trở lại bình thường như các trường khác.
Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM (xin giấu tên) cho rằng yêu cầu không thi vào lớp 6 của Bộ là đúng nhưng chưa đủ. Theo vị hiệu trưởng này, yêu cầu này chỉ nên áp dụng với các trường công lập. Đối với các trường ngoài công lập, nhiệm vụ phổ cập giáo dục là hoạt động tự nguyện chứ không nên bắt buộc bởi họ không nhận đầu tư từ Nhà nước. Mặt khác, vấn đề tồn tại và phát triển của trường ngoài công lập hiện rất khó khăn nên cần được Nhà nước quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi. Bởi vậy nên trao cho họ quyền được quyết định hình thức tuyển sinh như Bộ đã cho phép đối với các trường ĐH, CĐ hiện nay.
Theo Quang Ân (Pháp luật TPHCM)