Cấm thi lớp 6: Căn cứ vào đâu để xét tuyển?
Đại diện Sở GD – ĐT Hà Nội cho rằng, hồ sơ của học sinh tiểu học bao quát được tất cả về mặt trí lực, phẩm chất đạo đức.
Học bạ không chỉ có “đạt” hay “chưa đạt”
Ở cuộc họp giao ban chiều 21.4 tại Thành ủy Hà Nội, ông Lê Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội một lần nữa nhắc lại việc tuyển sinh vào lớp 6, năm học 2015 – 2016 theo phương thức xét tuyển.
“Tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6”, ông nhấn mạnh.
Các trường THCS chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh trình Phòng GD & ĐT, UBND quận, huyện phê duyệt. Các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành kế hoạch tuyển sinh báo cáo về Sở ngày 13.5, chậm nhất ngày 30.5 toàn bộ kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trên toàn thành phố được công khai.
Tuy nhiên, sau đó nhiều phóng viên đặt vấn đề với lãnh đạo sở Sở về việc nhiều trường ở Hà Nội luôn có lượng hồ sơ nộp vào cao hơn rất nhiều lần chỉ tiêu. Do vậy, nếu không cho thi tuyển riêng, các trường này sẽ rất khó tuyển tuyển học sinh một cách công bằng, bởi mức điểm trong học bạ của học sinh khá cân bằng nhau.
Phóng viên Dân Việt dẫn lời của một lãnh đạo trường THCS: “Học bạ bậc Tiểu học có hai mức loại đánh giá “đạt”, hoặc “không đạt”, mà đại đa số là “đạt”. Bởi vậy nếu một trường nào đó có 2000 hồ sơ nhà chỉ có thể nhận vào học 500 em thì làm thế nào để “xét tuyển” nếu không được “thi tuyển”?
Trước câu hỏi trên, đại diện Sở GD-ĐT - ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng Phòng GD Tiểu học cho hay, theo quy định về đánh giá học sinh bằng nhận xét, nêu rõ hồ sơ của một học sinh gồm có học bạ, sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường, sổ ghi nhận xét của giáo viên, theo dõi thi đua khen thưởng.
“Như vậy, trong bộ hồ sơ để xét chuyển cấp của học sinh có nhiều vấn đề, không phải như chỉ có đạt hay chưa đạt”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông, để đánh giá học sinh tiểu học dựa theo 3 cơ sở gồm học sinh đạt chuẩn kiến thức của chương trình thì được đánh giá hoàn thành hay chưa hoàn thành; quá trình hình thành và phát triển năng lực của học sinh được đánh giá đạt hay chưa đạt; quá trình hình thành phát triển phẩm chất của học sinh được đánh giá đạt hay chưa đạt.
“Như vậy, hồ sơ bao quát được tất cả học sinh cả về mặt trí lực, phẩm chất đạo đức”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ.
Ông Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết thêm, ngoài đánh giá thường xuyên, học sinh tiểu học còn được đánh giá hàng tháng, học kỳ 1, đánh giá cả năm.
Ngoài ra, còn đánh giá bằng điểm số định kỳ cho học sinh tiểu học vào cuối học kỳ. Riêng bài kiểm tra định lỳ cuối năm của học sinh lớp 5 có sự liên kết phối hợp của giáo viên trường THCS tham gia, giám sát và chấm bài.
Ông cho rằng, quy trình đánh giá học sinh như vậy là rất chặt chẽ, sự phối hợp giữa cấp tiểu học và THCS cũng rất chặt chẽ để làm căn cứ xét học sinh chuyển cấp.
Quy ra điểm để xét tuyển
Tại buổi họp có sự tham gia của một số trường THCS công lập được xác định theo mô hình "trường chất lượng cao". Đại diện các trường chia sẻ về phương án xét tuyển của trường mình.
Ông Quốc Anh - Hiệu trưởng THCS Lê Lợi (Hà Đông) cho biết, những năm trước đây, đứng trước áp lực tuyển sinh lớn khi số lượng hồ sơ nộp vào rất đông, trường luôn chọn phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 năm của học sinh.
Ngoài ra lấy kết quả các cuộc thi như olympic tiếng Anh, giải toán trên mạng, thi văn nghệ, thể dục thể thao... để tính điểm. Sau đó lấy điểm từ cao đến thấp và sẽ công khai cho phụ huynh biết con các vị xét theo tiêu chí như vậy, được bao nhiêu điểm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh (Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy) chia sẻ, những năm trước, Trường THCS Cầu Giấy tổ chức thi tuyển với áp lực rất lớn. Năm 2014-2015, trường có hơn 2.000 hồ sơ với chỉ tiêu 240 học sinh. Năm nay, phương án của trường là xét tuyển dựa trên thành tích các em đạt được ở các cuộc thi và xét học bạ.
“Trường không xét một cách định tính mà quy đổi ra điểm và lấy từ trên cao xuống thấp. Phương án cụ thể quy đổi ra điểm thế nào? Chúng tôi đang xây dựng phương án và sớm công khai trên web của trường khi được chấp thuận”, bà Nguyễn Kim Anh cho hay.