Cảm phục nghị lực phi thường của chàng trai mồ côi mẹ, cha mất sát ngày thi đại học

Sự kiện: Giáo dục

Lê Văn Mạnh là chàng trai mồ côi mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh để viết tiếp giấc mơ, hoài bão và khát khao về tương lai hạnh phúc.

Bà cháu Mạnh chia sẻ với PV ĐS&PL. Ảnh: Phương Ly

Bà cháu Mạnh chia sẻ với PV ĐS&PL. Ảnh: Phương Ly

Mồ côi mẹ khi mới lên 5, cha mất sát ngày thi đại học

Vượt chặng đường gần 20km, chúng tôi về thăm nhà Mạnh tại làng Chuông (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, những tấm bằng khen về thành tích học tập của Mạnh được bà nội treo kín tường.

Lê Văn Mạnh (SN 1998) là anh cả trong gia đình hai anh em, sau Mạnh còn có người em gái tên Lê Thị Nhung (SN 2001). Năm 2003, căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người mẹ thân yêu của Mạnh khi Mạnh vừa lên 5, em gái vừa tròn 2 tuổi. Thiếu vắng hơi ấm của mẹ từ tấm bé, hai đứa trẻ tội nghiệp chỉ còn bố và bà nội là chỗ dựa.

Bố dù sức khoẻ yếu nhưng vẫn phải gắng sức làm đủ thứ việc để kiếm tiền lo cho các con thơ ăn học. Còn bà nội, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ tay run nhưng vẫn cố làm nón để kiếm tiền phụ con, nuôi cháu. Thương bà, thương bố vất vả, Mạnh cố gắng chăm ngoan học tốt, trong suốt 12 năm học cấp 3 cậu bé luôn đạt danh hiệu học sinh Giỏi.

Ngoài giờ học, hai anh em còn phụ bà làm nón, dù là con trai nhưng Mạnh làm nón khéo có tiếng trong làng. Nhiều hôm để hoàn thiện một chiếc nón cho kịp buổi sáng bà mang ra chợ bán, cậu bé phải thức đến 11-12h đêm. Số tiền làm nón kiếm được, Mạnh dành dụm, tiết kiệm từng đồng để đóng học phí.

Sống cảnh “gà trống nuôi con”, ba bố con dựa vào nhau mưu sinh qua ngày. Thế rồi, tai họa lại ập đến. Ngày bố phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, cả bầu trời u ám dường như đổ sập xuống đầu hai đứa con thơ dại. Mặc nỗi đau bệnh tật ngày đêm giày vò, người đàn ông ấy ngày ngày vẫn đi phụ xây để kiếm thêm chút thu nhập. Đến đầu năm 2016, căn bệnh của bố Mạnh phát nặng do lao động quá sức. Nhiều lần được khuyên đi bệnh viện điều trị nhưng ông nhất định từ chối, một phần vì không có tiền, phần nữa muốn để dành số ít ỏi còn lại cho các con. Trong những tháng ngày gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Mạnh vừa chăm bố ốm, vừa miệt mài ôn thi đại học.

Vài ngày trước khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời, bố của Mạnh trở bệnh nặng và đột ngột ra đi mãi mãi. Nhớ lại ngày con trai mất, bà Trần Thị Thơ (90 tuổi) không giấu nổi sự xúc động: “Còn nỗi đau nào cay đắng hơn kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, nó đi bỏ lại mẹ già và hai đứa con bơ vơ, lạc lõng. Hai đứa cháu tôi sốc đến nỗi ngất lên ngất xuống, Mạnh sắp thi đại học, em gái nó cũng chuẩn bị vào cấp 3, tôi còn sợ chúng nó suy sụp không vượt qua nổi...”.

Ngoài giờ học, Mạnh làm nón phụ bà. Ảnh: Phương Ly

Ngoài giờ học, Mạnh làm nón phụ bà. Ảnh: Phương Ly

Nghị lực thắp sáng ước mơ

Sau khi cha qua đời, Mạnh đã từng nghĩ đến chuyện gác lại việc học để đi làm kiếm tiền. Mạnh chia sẻ: “Hồi đó mình đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, em gái chuẩn bị vào cấp 3, bà đã già yếu. Ăn còn chưa đủ, mình mà học đại học sẽ khó khăn gấp bội”. Nhưng, ánh mắt hy vọng của bà, lời dặn dò của bố mẹ trước khi qua đời đã tiếp thêm sức mạnh giúp Mạnh vượt qua nỗi đau, tập trung ôn luyện. Nhờ sự động viên, khích lệ nhiệt tình của thầy cô, Mạnh quyết định nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển năm ấy. Biến nỗi đau thành động lực cố gắng, Lê Văn Mạnh đã vượt qua mọi khó khăn để thi đỗ vào ngành Kỹ thuật Hoá học của trường đại học Thuỷ Lợi.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất khi đi học, Mạnh kể về những ngày đầu tiên mới lên đại học. “Hồi ấy, mình gặp vô vàn khó khăn, khó khăn lớn nhất là không có tiền. Tất cả mọi khoản như tiền nhà, tiền học, tiền ăn uống,... dồn lại khiến mình hoang mang thực sự. Nhưng, khi quyết định đi học là mình đã xác định phải tự lập, không thể dựa dẫm vào bà nội. Mình làm đủ công việc làm thêm như: Gia sư, nhân viên chạy bàn, phụ xây, sơn nhà, làm bánh kẹo... để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”.

Mạnh chia sẻ, năm đầu tiên vào đại học có phần “sốc” vì phương pháp học ở đại học khác hoàn toàn so với cấp 3. Nhờ chăm chỉ tìm tòi và ham học hỏi từ thầy cô, bạn bè nên đến năm thứ 2 Mạnh đã bắt đầu thích nghi được với môi trường mới. Trong kỳ thi Olympic Hoá học sinh viên toàn quốc 2018, Lê Văn Mạnh xuất sắc lọt top 5 sinh viên ưu tú đại diện cho trường đại học Thuỷ Lợi tham dự.

Trong kỳ thi đó, Mạnh đã vượt qua nhiều sinh viên giỏi của các trường đại học để giành giải 3 – Bảng B toàn quốc. Trong thời gian đi thực tập tại một công ty kỹ thuật của Đài Loan (Trung Quốc) Mạnh đã chứng minh được năng lực của mình. Chàng trai mồ côi là người duy nhất được giữ lại làm việc trong một nhóm đi thực tập. Hiện tại, Mạnh là kỹ sư giám sát của bộ phận nghiên cứu, thí nghiệm về chất lượng sản phẩm.

Tâm sự với chúng tôi về dự định trong tương lai, Mạnh hào hứng nói: “Động lực lớn nhất để mình cố gắng, nỗ lực chính là bà nội và em gái. Trước mắt, mình muốn ổn định công việc để báo hiếu bà, lo cho em gái. Tương lai 10 năm tới, mình sẽ cố giành học bổng toàn phần để đi du học nước ngoài”.

Chia tay chàng trai mồ côi giàu nghị lực để trở về Hà Nội, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của Mạnh, trong đôi mắt ấy ánh lên niềm khát khao chinh phục mạnh mẽ. Hành trình của chàng trai ấy còn nhiều gian truân, vất vả nhưng bằng ý chí mạnh mẽ, nghị lực phi thường của mình, tôi tin rằng nhất định chàng trai làng Chuông ấy sẽ thành công trên con đường mình đã chọn.

Nguồn: [Link nguồn]

Đừng lúc nào cũng khen trẻ: ”Con giỏi quá!” mà hãy tuân thủ cách khen theo 5 ngữ cảnh sau

Khen ngợi dẫu sao vẫn tốt hơn là chê bai con cái, nhưng khen làm sao để mang lại sự tích cực, hướng trẻ biết phấn đấu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Ly ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN